Năm 1958, ông đã làm hiệu trưởng trường cấp II Phú Cường, huyện Ba Vì, tỉnh Sơn Tây . Do lòng say mê sử học, đề xuất nguyện vọng ông đã được vào học khoa Sử trường đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 1959 - 1962. Sau khi tốt nghiệp được phân về công tác ở ty Văn hóa Nghệ An từ 8/1962 - 9/1969 . Trong thời gian công tác ở ty Văn hóa ông được cử đi dự lớp bồi dưỡng nghiên cứu về Văn học và Bảo tàng học ở Hà Nội với thời gian 3 tháng. Sau khi Bác Hồ qua đời từ 9/1969 đến 5/1990 ,ông được điều về công tác ở Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn. Trong hai thập kỷ này , Trần Minh Siêu đã say mê nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã đạt được nhiều kết quả thuyết phục.
Công việc đầu tiên là phục hồi các di tích gốc có liên quan đến Bác Hồ. Đây là vấn đề vô cùng khó khăn vì các hiện vật lịch sử còn lại rất ít . Với kiến thức sử học, ông đã góp một phần quan trọng vào việc hoàn thành những nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Có thể kể: Di tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời , nhà cụ Hoàng Xuân Đường và bà Nguyến Thị Kép – ông bà ngoại Bác, nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - phụ thân Bác, lò rèn cố Điền, giếng Cốc - những nơi Bác thường vui chơi thời còn nhỏ, nhà thờ thầy Vương - thầy học của Bác , cây đa và sân vận động làng Sen – nơi Bác nói chuyện với nhân dân Kim Liên khi người về thăm quê năm 1957 và năm 1961, khu mộ bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu Bác , nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà ông Nguyễn Sinh Nhậm .…
Thí dụ khi phục hồi nhà thờ họ Hoàng Xuân , có nhiều ý kiến khác nhau về phương vị, kích thước của ngôi nhà. Ông đề xuất dùng phương pháp khảo cổ , tìm được vết tích nền nhà cũ. Do đó công việc được tiến hành thuận lợi và yên tâm.
Công việc thứ hai là làm nhà trưng bày để phục vụ khách tham quan . Theo ý kiến của đồng chí Trường Chinh, là hướng tới kỷ niệm lần thứ 80 sinh nhật Bác Hồ (1970) , Nghệ An là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành xây dựng nhà trưng bày tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người . Công việc được triển khai khẩn trương . Trần Minh Siêu đã cùng một bộ phận của ty Văn hoá Nghệ An ra Hà Nội sưu tầm các tài liệu , hiện vật bảo tàng và tới các cơ quan Trung ương , mua sắm các loại vật tư cần thiết . Chẳng hạn như để mua gương kính các loại, ở Hà Nội lúc đó trong kho đã hết . Ông đã có sáng kiến xin thư của đồng chí Võ Thúc Đồng , bí thư tỉnh uỷ , gửi bộ trưởng bộ Thương nghiệp Hoàng Quốc Thịnh nhờ ông can thiểp trực tiếp . Kính phải chở từ Trung Quốc , nếu chở tàu về Hà Nội, làm thủ tục nhập tổng kho rồi phân phối về các cửa hàng , mới xuất kính cho Nghệ An thì không kịp yêu cầu. Bộ trưởng đã giao cho chánh văn phòng Bộ lên tận Đức Giang , Yên Viên – nơi tàu hoả đang đậu, ghé xe tải vào tận toa chở hàng để nhận kính.
Hay như việc tìm nhà điêu khắc đặt tượng Bác Hồ trong nhà tưởng niệm . Hà Nội có rất nhiều nghệ nhân làm được việc đó. Vậy nên đặt ai ? Ông tìm hiểu và được biết bức tượng Bác Hồ đặt trong hội trường Ba Đình là do nghệ sỹ Trần Văn Lâm thực hiện , đã được Bộ Chính trị duyệt . Trần Minh Siêu đã tìm đến gia đình Nghệ sĩ nhờ giúp đỡ. Chỉ mấy ngày sau đã có tác phẩm chở về Kim Liên, kịp ngày mở cửa.
Công việc thứ ba là viết sách và báo cáo khoa học để tham gia hội thảo về Bác Hồ. Cho đến nay ,Trần Minh Siêu đã công bố nhiều tác phẩm:
1. Di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên – NXB Nghệ An , NXB Trẻ đã tái bản sáu lần.
2. Những người thân trong gia đình Bác Hồ. NXB Nghệ An đã tái bản 15 lần, NXB Trẻ và NXB Đồng Tháp cũng tái bản 5 lần.
3. Kim Liên trong lòng nhân dân và bầu bạn.
4. Huyền thoại huyệt đạo bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh.
5. Chuyện kể bên mộ bà Hoàng Thị Loan .
6. Địa chỉ văn hoá xã Kim Liên – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
7. Nam Đàn địa linh nhân kiệt .
Các tác phẩm của ông đã phác hoạ bức tranh sinh động, sâu sắc về quê hương và gia đình lãnh tụ, cho thấy gia đình Bác Hồ là một gia đình văn hoá và yêu nước , có những chi tiết rất thú vị . Ví dụ: cụ Nguyễn Sinh Sắc , năm 1909 khi đang làm tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định , thấy Nguyễn Sinh Cung lên thăm đã hỏi:
- Con đến đây làm gì ?
- Con đến đây tìm cha..
Ông Sắc vừa nghiêm nghị vừa thân mật nói với con:
- Nước mất không lo tìm , tìm cha phỏng có ích gì ?
Bà Hoàng Thị Loan con một gia đình nho học , có địa vị khá giả trong làng , trong xã, đã sớm hiểu rằng kết duyên với một chàng trai có hoàn cảnh khó khăn như Nguyễn Sinh Sắc là chấp nhận một cuộc sống vất vả, thiếu thốn về vật chất, nhưng sẽ có một cuộc sống tình cảm vô cùng đẹp đẽ với chồng con. Bà đã theo chồng , đưa con vào Huế lao động nuôi chồng tiếp tục ăn học. Nhờ vậy năm 1901 trong khoa thi Hội Tân Sửu (1901), ông đã đậu Phó bảng và Nguyến Sinh Cung mới có điều kiện sống giữa đất đế đô , nơi tập trung cao độ mâu thuẫn của xã hội đương thời , sớm làm cho nhận thức về xã hội và lòng yêu nước của Cậu phát triển mạnh mẽ.
Cô Nguyễn Thị Thanh, chị gái Bác Hồ là một cô gái đẹp , thông minh, nhiều tài năng nhưng cả cuộc đời xuân sắc đã bị thực dân phong kiến nhốt trong tù, khi ra tù thì đã 61 tuổi . Lúc gặp cụ Phan Bội Châu bị giam lỏng ở Huế , bà đã ứng khẩu đọc câu thơ:
Tây phong nhất dạ linh nhân lão,
Điêu tận châu nhan , bạch tận đầu
(Ngọn gió tây thổi một đêm làm người ta già đi, tàn cả dung nhan , bạc cả đầu).
Cậu Nguyễn Sinh Khiêm , anh trai Bác khi mới 24 tuổi, nghe tin toàn quyền Anbe Xarô đi kinh lý qua Nghệ Tĩnh đã viết một bản điều trần , trực tiếp đưa đến cho Xarô , dũng cảm đòi quyền lợi cho nhân dân Việt Nam….
Lần đi thành phố Hồ Chí Minh để gặp một người đã từng biết ông Phó bảng , tác giả thấy một cụ già đang cầm cuốn “ Những người thân trong gia đình Bác Hồ” để đọc. Ông Siêu nói:
- Thưa cụ, tôi xin phép được gặp cụ để trao đổi về thân phụ Bác .
- Khoan đã. Tôi đang phải đọc cuốn sách này gấp để chiều nay trả vì chủ sách đòi. Trần Minh Siêu lấy trong cặp ra cuốn sách đó tặng cụ và giới thiệu mình chính là tác giả. Cụ già cảm động ôm lấy ông hồi lâu và khen cuốn sách đọc rất hấp dẫn. Có lẽ đối với người viết sách thì không có phần thưởng nào lớn hơn là thấy độc giả say mê tác phẩm của mình.
Tại các cuộc hội thảo khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Siêu đã đọc báo cáo khoa học ở hơn 50 cuộc. Năm 1980 , lần tham gia ở Huế , Trần Minh Siêu trình bày tham luận : “ Đính chính những sai sót trong một số bài báo và cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh” . Nhà thơ Thanh Tĩnh (người đã cùng Hoài Thanh viết bài “Thời niên thiếu của Bác Hồ”) ngồi ở hàng ghế trên cùng đã lên ôm ông , cảm ơn ông đã chỉ ra những sai sót về sử liệu trong tác phẩm của mình.
Ông còn đi nói chuyện về Bác Hồ hàng trăm buổi , đến đâu cũng được hoan nghênh nhiệt liệt . Lần đi nói chuyện ở một xã tại Diễn Châu có trên 300 người trong hội trường lắng nghe. Sau đó một cụ già là chiến sĩ Xô Viết năm 1930 - 1931 chống gậy đến trước micrô nói “trách” lãnh đạo xã:
- Một buổi báo cáo hay như thế về Hồ Chủ Tịch mà chỉ có một số người được nghe ở trong hội trường này, tại sao không phát trên loa truyền thanh cho nhân dân cả xã cùng nghe?
Chúng tôi đến thăm Trần Minh Siêu vào một buổi sáng mùa hè. Ông đang ngồi biên tập một tác phẩm mới giữa bộn bề sách báo trong thư viện riêng. Khách hỏi chủ:
- Sau nhiều năm nghiên cứu về Bác , ông thấy điều gì nổi bật nhất ở Người ?
- Theo tôi Bác là lãnh tụ luôn luôn sáng tạo, hợp với hoàn cảnh Việt Nam cho nên đã lái con thuyền cách mạng cập bến vinh quang. Việc nhỏ như khi đi Pháp năm 1946, lúc dự tiệc đã cầm một quả táo bỏ vào túi , làm quan khách ngạc nhiên , nhưng khi ra khỏi phòng , Bác lại tặng quả táo đó cho một em bé , thì người Pháp lại cảm phục vô cùng. Còn việc lớn là người đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đã lãnh đạo nhân dân ta giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ , và cũng đã góp phần khai sinh ra Thế giới thứ ba.
- Tại sao Bác lai sáng tạo được một cách kỳ diệu như thế ?
- Vì Bác nắm vững lý luận và thực tiễn rất phong phú , sâu sắc, từ 6/1911 đến 1/1941, Bác đã đi trên hai vạn cây số , qua 28 nước. Tục ngữ ta có câu: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Bác đi như thế thì học được hàng ngàn “sàng khôn” của thế giới rồi còn gì ! Ngoài ra ở Bác còn có truyền thống dân tộc , truyền thống gia đình. Ví dụ năm 1946 kêu gọi nhân dân mỗi người cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa , số gạo đó để cứu đồng bào đang bị đói thì chính là nhờ ảnh hưởng lòng thương người và cách tiết kiệm của bà Hoàng Thị Loan dạy. Khi còn nhỏ , mỗi lần cậu Cung nấu cơm , mẹ đều dặn bớt lại một nắm gạo để giúp người nghèo.
- Trong tủ sách của ông có rất nhiều thơ , thơ của Bác, thơ về Bác . Ông hãy đọc cho chúng tôi nghe một câu mà ông tâm đắc nhất được không ?
- Câu: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” của Tố Hữu. - Sách của ông tuy chưa công bố hết , nhưng những gì đã in ra , có thể khẳng định rằng được độc giả rất mến mộ . Có thể nói ông là một nhà Hồ Chí Minh học ?
- Không, tôi không dám nhận cái danh hiệu đó. Với tôi , nghiên cứu về Bác thì tấm lòng là chính , còn khoa học thì chưa được bao nhiêu, cần cố gắng học hỏi nhiều hơn nữa.
- Sắp tới ông sẽ viết tiếp những gì ?
8. “Bà Hoàng Thị Loan - Người mẹ Bác Hồ”,
9. “ Kim Liên, cội nguồn văn hoá Hồ Chí Minh”.
Năm 1998 nghỉ hưu, ông sinh hoạt trong hội Văn nghệ dân gian Nghệ An và là hội viên hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông tiếp tục công bố nhiều bài báo trên các tạp chí trung ương và địa phương về chủ đề mà ông đã đeo đuổi mấy chục năm nay. Năm 2010 cuốn: “ Những người thân trong gia đình Bác Hồ” đạt giải nhất giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Nghệ An. Khi bộ sách NGHỆ AN TOÀN CHÍ lên kế hoạch xuất bản, Trần MInh Siêu được phân công biên soạn tập II: Những dấu tích lịch sử trên đất Nghệ An.. Sách dày hơn 570 trang do NXB Nghệ An in 400 bản năm 2015, cung cấp nhiều tư liệu về lịch sử địa lý đã được độc giả trong và ngoài tỉnh đón nhận một cách tích cực.
Năm 2018 một lần nữa đến thăm và biếu ông cuốn sách, chúng tôi thấy ở nhà ông có một tủ và một dàn to đựng hàng ngàn trang tư liệu về Bác . Nhớ lại câu nói của một triết gia châu Âu: Tuổi già đối với người có tri thức , không phải là mùa đông lạnh lẽo mà là mùa thu vàng. Chúng tôi nghĩ Trần Minh Siêu đang sống trong mùa thu vàng của cuộc đời mình và sẽ lấp lánh những công trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và đầu năm 2023 ông đã thanh thản ra đi sau khi đã hoàn thành những dự định của mình.