Tết cận kề, tôi gặp TS. Nguyễn Sĩ Dũng tại nhà riêng để đặt vấn đề cho cuộc phỏng vấn trên số báo đặc biệt Xuân Kỷ Hợi với chủ đề Nết Nghệ. Ông bảo, tôi là một Nghệ nhân. Nghệ nhân ở đây không phải là người giỏi tay nghề, mà chỉ đơn giản là người xứ Nghệ. Nhận xét về người xứ Nghệ vì vậy chẳng qua là tự nhận xét về mình. Kiểu gì cũng khó khách quan (cười). Thế rồi câu chuyện giữa chúng tôi cứ thế được bắt đầu.

ii-1703299823.jpg
TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Đã phò thì trung thành tuyệt đối

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, đất nước nào cũng có các vùng văn hóa. Các vùng này được hình thành do ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên, xã hội và các yếu tố lịch sử khác. Thường khi người ta nói dân xứ Nghệ là nói đến cả người Nghệ An và người Hà Tĩnh. (Ví giặm là di sản của cả Nghệ An và Hà Tĩnh). Nói nết Nghệ là nói đến những tính cách đặc trưng của những người dân Nghệ An và Hà Tĩnh. Mặc dù, có vẻ dân Hà Tĩnh “mềm mại” hơn dân Nghệ An một ít.

Vậy đâu là những tính cách đặc trưng của người Nghệ, thưa ông?

Hình như chưa có một công trình nghiên cứu công phu nào về những đặc tính của người Nghệ. Vì vậy, những gì tôi kể ra đây có thể cũng chỉ là những cảm nhận mang tính chủ quan của một cá nhân mà thôi.

Theo tôi, đặc tính đầu tiên là sự cố kết rất hợp tình mà không phải bao giờ cũng hợp lý theo kiểu đồng hương, đồng khói. Cho dù có ở nơi đâu - trong Nam hay ngoài Bắc, trong nước hay ngoài nước, cứ nghe giọng nói trọ trẹ là người Nghệ đã có cảm tình, đã kết bè, kết cánh với nhau và ủng hộ nhau ra mặt. Tình đồng hương của người dân ở các vùng miền khác có hay không? Tất nhiên là có! Thế nhưng, cách biểu hiện chân thành, nhiều khi hơi thái quá như vậy thì chỉ có ở người Nghệ.

Sự cố kết này tốt hay không tốt? Hỏi tốt hay không tốt ở đây thì cũng giống như hỏi bên nào là bên phải, bên nào là bên trái khi chưa biết hướng của chuyển động. Một mặt, sự cố kết với nhau khi phải sống xa quê hương tạo nên sức mạnh cho người Nghệ. Nhờ sự cố kết này mà người Nghệ sẵn sàng giúp đỡ nhau, tạo điều kiện cho nhau để cùng vươn lên và thành đạt.

Mặt khác, sự cố kết quá mức theo kiểu khi một người Nghệ vi phạm kỷ luật bị xử lý, thì cả tập thể người Nghệ đứng lên đấu tranh bảo vệ, gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp và chính quyền sở tại. Đây cũng là lý do tại sao một số doanh nghiệp ở một vài tỉnh phía Nam ngại tuyển dụng lao động người xứ Nghệ.

Đặc tính thứ hai của người Nghệ là trực tính. Trực tính, có lẽ, là nét tính cách chung của người dân miền Trung. Tuy nhiên, chính cái sự hơi thái quá đã làm nên đặc tính của người Nghệ. Sự bộc trực nằm ở làn ranh giới cuối cùng trước khi trở thành bốp chát là cách chúng ta có thể định vị cho sự trực tính của người Nghệ.

Ý ông là…

Anh để tôi nói tiếp. Thực tế thì, nói thẳng chưa chắc đã dễ nghe, nhưng rõ ràng là dễ hiểu. Tuy nhiên, trực tính quá nhiều khi cũng làm cho người ta e ngại. Ở đời, một thông điệp tinh tế không chỉ dễ nghe hơn, mà không khéo còn dễ được việc hơn.

Đặc tính thứ ba là tinh thần đấu tranh cho lẽ phải. Người Nghệ sẽ không e ngại dấn thân khi thấy việc mình làm là đúng. Cái gì đã cho là đúng, thì khó khăn, thua thiệt vẫn làm. Từ đây một nét tính cách khác cũng hình thành, đó là sự trung kiên. Người Nghệ thấy đúng mới phò. Đã phò thì trung thành tuyệt đối. Phải chăng đây cũng là lý do tại sao từ ngàn xưa những cận vệ thân tín của vua, chúa thường đều là người Nghệ.

Những đặc tính khác là chịu thương, chịu khó, là phấn đấu không ngừng để vươn lên.

Ngoài ra, người Nghệ thường có khiếu ăn nói dõng dạc, trình bày vấn đề khúc chiết, mạch lạc gây ấn tượng cho người nghe. Nhiều người Nghệ có năng khiếu văn thơ, và cũng sính văn thơ. Nhiều người có thứ năng khiếu rất được ưa chuộng hiện nay, đó là đá bóng…

Ngoài ra, gàn cũng là một đặc điểm tính cách của dân xứ Nghệ, thưa ông?

Thì gàn có vẻ cũng là một phần của “thương hiệu”. Từ xa xưa người ta đã nói “Gàn như đồ Nghệ”. Mà thầy gàn, thì trò cũng học đó mà gàn theo. Cho nên, hình như không chỉ có các ông đồ Nghệ mới gàn, mà người Nghệ nói chung đều gàn. Khác nhau có chăng chỉ là ở cấp độ của cái sự gàn mà thôi.

Gàn là không chịu nghe ai, không chịu thỏa hiệp với ai, cứ ý mình, cách mình mà làm. Tính cách này có vẻ không hay lắm, nhưng tính cách làm gì cũng thay đổi liên tục theo kiểu “đẽo cày giữa đường” chắc gì đã hay hơn?!
Mở rộng giao lưu để thấy lắm kẻ còn dòn hơn ta

Thưa ông, điều gì làm nên hằng số văn hóa tính cách xứ Nghệ và người Nghệ sẽ làm gì để phát huy hằng số văn hóa tính cách ấy?

Hằng số văn hóa là những từ nghe rất sang, nhưng có vẻ không thật rõ nghĩa cho lắm. Còn điều gì làm nên những nét văn hóa đặc trưng của người Nghệ thì đó là: Điều kiện địa lý, khí hậu; hoàn cảnh lịch sử và sự giao lưu, gắn kết của cộng đồng người dân sống ở đây.

Để phát huy những di sản văn hóa (đúc kết trong tính cách của người Nghệ), thì quan trọng là tìm cách gìn giữ những gì tốt đẹp, khắc phục những gì lỗi thời, lạc hậu. Muốn làm được điều này thì thúc đẩy một nền giáo dục vừa bảo tồn, vừa khai phóng. Ngoài ra, phải mở rộng giao lưu để thấy được “Ở nhà nhất mẹ, nhì con - Ra đường lắm kẻ còn dòn hơn ta”.

Phải mở cửa để người ngoại tỉnh, người nước ngoài, đặc biệt là người Nhật đến làm ăn ở Nghệ An. Qua giao lưu, hợp tác, nhiều phẩm chất tốt đẹp của những người này sẽ được chuyển giao cho người dân xứ Nghệ.

Ông vừa nhắc đến người Nhật, vậy xin hỏi, nói về Đông Du 2.0, ông có ý kiến gì giúp cho xứ Nghệ mạnh dạn hội nhập để phát triển?

Đông Du 1.0 là khi Phan Bội Châu kêu gọi hướng về Nhật Bản để tìm cách giải phóng dân tộc. Đông Du 2.0 là ngày nay chúng ta cần hướng về Nhật Bản để tìm cách phát triển kinh tế và chấn hưng đất nước. Nghệ An là quê hương của Cụ Phan, nên Nghệ An phải là nơi Đông Du 2.0 được thúc đẩy mạnh mẽ nhất nước.

Hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản để thúc đẩy kinh tế phát triển và để tiếp nhận những phẩm chất văn hóa tốt đẹp của họ là chìa khóa để thành công lâu dài và bền vững.

Có câu: “Gái Nghệ là người luôn sẵn sàng mặc áo vá cho chồng được ăn ngon, nhưng cũng sẵn sàng đốt nhà nếu như chồng về muộn không có lý do”, ông thấy có đúng?

Quá đúng! Nhưng tại sao lại chỉ có con gái Nghệ?

Câu hỏi của ông nghe có lý (cười)! Thế còn đàn ông Nghệ thì sao thưa ông. Vợ tôi là người Bắc, cô ấy thi thoảng vẫn nói rằng đàn ông xứ Nghệ là chúa gia trưởng?

Đàn ông gia trưởng ở nước ta quả thật đang nhiều trên mức cần thiết. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào khẳng định đàn ông xứ Nghệ là chúa ở đây cả!

Có câu người ta hay nói là, cầm vàng còn sợ vàng rơi, lấy chồng xứ Nghệ cả đời ấm no. Đó là một kiểu tự hào của dân Nghệ. Từ câu nói đó ta thấy, dân Nghệ rất biết chăm lo cho gia đình, phấn đấu hết sức mong thành đạt để chăm lo cho gia đình.

Trân trọng cảm ơn ông và xin kính chúc ông cùng gia đình năm mới An khang Thịnh vượng!

Tính cách ấy không thuộc độc quyền của người Nghệ!

Trước lúc chào ra về, tôi nói, em có nghe được đâu đó câu chuyện đại ý là, một người Nghệ rơi xuống hố thì tự ngoi lên được, nhưng nếu là ba người thì… không vì bị hai người kia giữ chặt lại. Có chuyện đó không, thưa ông? TS Dũng nhìn tôi rồi bảo, anh nghe người ta kể chuyện cười này để so sánh tính cách của người Việt với người Nhật, người Hàn, chứ làm gì có chuyện tính cách này chỉ thuộc độc quyền của người Nghệ!