Nguyễn Triệu Luật (1903-1946) người làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Vĩnh Yên (nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội).

Nguyễn Triệu Luật từng học tại Trường nam Sư phạm Hà Nội, sau khi tốt nghiệp đã dạy học tại một số trường công ở Tuyên Quang, Hà Nội, Hải Phòng. Năm 1927, ông tham gia thành lập Quốc Dân Đảng cùng Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài và các đồng chí khác. Với phương châm không thành công cũng thành nhân, Quốc Dân Đảng đã tổ chức cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, 13 đồng chí của ông, trong đó có lãnh tụ Nguyễn Thái Học, bị thực dân Pháp xử chém ở Yên Bái ngày 17 tháng 6 năm 1930. Nguyễn Triệu Luật cùng 2 nhà văn khác là Nhượng Tống và Trúc Khê cũng bị bắt giam. Sau khi được tha, ông bị buộc thôi nghề dạy học, nên đã chuyển sang làm báo, và viết cho nhiều tờ báo nổi tiếng lúc bấy giờ như: Nam Phong, Trung Bắc tân văn, Ích hữu, Tao đàn, Tiểu thuyết thứ Bảy… Và đã nổi tiếng là một cây bút sắc sảo về ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử.

Vào mùa thu năm 1937, ở Vinh – Bến Thủy, một số chính trị phạm (chủ yếu do hoạt động trong đảng Tân Việt) được ra tù, như Hoàng Đức Thi, Phan Kiêm Huy… Là những người có học vấn khá cao, lại đúng thời kỳ chính phủ phái Bình dân lên cầm quyền ở Pháp, có nhiều cởi mở về chính sách thuộc địa, nên họ đã cùng nhau nhóm lại, thành lập nên Trường Trung học tư thục Minh Tân, do thầy Hoàng Đức Thi làm hiệu trưởng, thầy Phan Kiêm Huy làm quản lý (Le Grant). Thầy Hoàng Đức Thi (1898 – 1951) là con thứ 2 của tiến sĩ Hoàng Kiêm (Tổng đốc Nam Ngãi về hưu ở Vinh), quê Diễn Cát, Diễn Châu. Ông đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, về dạy học ở Huế. Tại Huế, ông tham gia thành lập đảng Phục Việt (sau là đảng Tân Việt). Năm 1928 ông bị bắt cùng Đào Duy Anh. Sau đó được tha ra, về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pháp – Việt Hà Tĩnh. Tại đây ông lại tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, nên bị bắt giam. Năm 1936, ông được thả và năm 1937 thành lập trường tư thục Minh Tân ở Vinh.

ll-1721101322.PNG
Bài báo chia tay Nguyễn Triệu Luật trên tờ Tuần Lễ, ra ngày 6/1/1940

Trường Minh Tân ngay từ năm đầu tiên đã thu hút được rất đông học sinh. Đội ngũ giáo viên của trường bao gồm những người rất giỏi, như Hoàng Đức Thi, Phan Kiêm Huy, Đỗ Đức Chước…Đặc biệt, không chỉ có các giáo viên người Nghệ Tĩnh, mà Trường còn thu hút được một số thầy rất nổi tiếng ở Hà Nội vào dạy, như thầy Hữu Ngọc (là nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc hiện nay) dạy Pháp văn; thầy Nguyễn Triệu Luật dạy lịch sử.

Cũng trong thời gian này, nhà báo Nguyễn Đức Bính sáng lập báo Tuần Lễ tại Vinh. Vốn là người đã cộng tác với Nguyễn Đức Bính ở các tờ trước đó, Nguyễn Triệu Luật được Nguyễn Đức Bính mời làm chủ bút báo Tuần Lễ. Ngoài đời 2 ông cũng là những người bạn tâm đầu ý hợp.

Công việc dạy học, viết báo đang thăng hoa, thì cuối năm 1939, khi thời cuộc diễn biến phức tạp, nội bộ giáo viên trường Minh Tân lục đục, mâu thuẫn nhau. Mâu thuẫn đã dẫn đến việc tháng 1/1940, Minh Tân phải tuyên bố đóng cửa. Là một người tâm huyết, thiết tha với công việc dạy học và với trường Minh Tân, Nguyễn Triệu Luật đã cố gắng hết sức để giữ lại trường. Nhưng, lực bất tòng tâm. Khi trường giải thể, ông không theo hiệu trưởng Hoàng Đức Thi để lập trường mới, mà chọn cách đứng ra ngoài, và trở về Hà Nội. Báo Tuần Lễ đã dành hẳn một cột trên trang nhất để chia tay Nguyễn Triệu Luật. Dưới nhan đề “Cùng các cố gia và phụ huynh học sinh Nghệ Tĩnh” báo viết: “Ông Nguyễn Triệu Luật, nguyên bản báo chủ bút là một nhà văn có tên tuổi tưởng không cần giới thiệu với công chúng. Dưới ngọn bút nhiều tình cảm và tư tưởng của ông, độc giả đã từng được thưởng thức những tác phẩm của ông như “Loạn kiêu binh”, “Bà Chúa Chè” và những bài nghị luận rất có giá trị về sử học và nghệ thuật. Trong xóm các nhà văn tân tiến hiện thời, ông là người đã dung hòa được cả 2 cái tân và cựu học. Gần 3 năm nay, ông về dạy ở trường Minh Tân. Và cũng như ở trên văn đàn, ở học đường ông đã tỏ ra là một người giàu lương tâm nhà nghề và biết quý trọng cái phẩm giá của nghề mình, khiến cho hết thảy học sinh đều đem lòng kính phục. Gần đây vì một chuyện rắc rối, trường Minh Tân phải đóng cửa và nhường chỗ cho một trường khác. Ông Luật không muốn lỗi hẹn với trường cũ, nên đã tự ý bỏ mình ra ngoài. Hôm ông lên tàu về Bắc, học sinh ra sân ga đưa rất đông, đủ chứng rằng tùy trường hợp riêng, tình thầy trò đời nay chưa dễ đã kém đời trước”.
Về phần mình, Nguyễn Triệu Luật cũng đã có những lời gan ruột: “Triệu Luật vào ở đất Nghệ Tĩnh ngót 3 năm. Nay bỏ ra đi, thật đã cô phụ hết thảy các bực lão thành, các bực thân hào, các bằng hữu, hết thẩy dân học hành Nghệ Tĩnh nhiều. Khi vào Nghệ, tôi thật không ngờ có ngày nay. Sở dĩ thế là vì một câu chuyện thế lợi nhỏ nhen không đáng nói ra. Tôi là con nhà nho, chỉ biết theo những phương châm luân lý cổ hủ, đã “vì người mưu việc gì, tất phải tính cho đến chót” (“vị nhân mưu tất chung”). Vì muốn chung tín, tôi đã hết sức ở lại giữ vững trường Minh Tân, để việc học của con em không bị gián đoạn, để không phụ bao nhiêu phụ huynh đã gửi con em vào chúng tôi. Không ngờ, con thuyền gió cả, dù sao cũng không vững với ba đào. Muốn giữ trọn sĩ hạnh buổi đời này, tôi phải bỏ mình ra ngoài. Cách tiến thoái hành chỉ của ngu này, mong bà con thể tất cho”.

Thế nhưng, cũng không phải chờ đợi lâu, chỉ vài tuần sau trường Lễ Văn được thành lập. Một số giáo viên cũ của trường Minh Tân, gồm phần lớn là các cựu chính trị phạm như Phan Kiêm Huy, Đỗ Đức Chước, Nguyễn Năng Độ, Ngô Đức Mậu cùng nhau lập nên trường Lễ Văn. Các thầy mời ông Nguyễn Đức Bính làm hiệu trưởng. Lúc bấy giờ Nguyễn Đức Bính đã là một nhà báo, nhà văn nổi tiếng, nguyên chủ bút báo Ý Dân, Le Canard déchaine (“Vịt sổ giây”), Thời Vụ, đang là chủ báo Tuần Lễ, đồng thời ông cũng là dân biểu Nghị viện Trung Kỳ.

Theo lời hứa trước, thầy Nguyễn Triệu Luật từ Hà Nội cũng trở lại Vinh. Không chỉ thế, lần này thầy Luật còn mời theo các thầy Nguyễn Hữu Ngọc, Bế Ngọc Bảo, Vũ Tuấn Sán, Nguyễn Thanh Tùng cùng vô Vinh, chung lưng đấu cật cùng Lễ Văn. Sự trở lại của thầy Luật đã được phụ huynh và các trò cũ của Minh Tân chờ đợi. Một số trò cũ của Minh Tân đã nghỉ học, chờ trường Lễ Văn thành lập, để tiếp tục được học những người thầy giỏi và giàu tâm huyết của mình.

tr-1721101358.PNG
Thầy trò trường Lễ Văn gặp mặt trước ngày về nghỉ tết năm 1940 (Người đứng đọc chúc thư là trò Hồ Mậu Đường)

Hơn nửa thế kỷ sau, lứa học trò của thầy Luật ở Minh Tân và Lễ Văn còn nhớ như in hình ảnh của thầy ngày trở lại.
“Chúng tôi chưa bao giờ được gặp giáo sư, nhưng cái tên Nguyễn Triệu Luật thì ai cũng biết. Giáo sư là tác giả của những cuốn tiểu thuyết lịch sử “Hòm đựng người”, “Bà Chúa Chè”…và nhiều bài nghiên cứu về lịch sử, về tiếng Việt đăng ở tạp chí Tao Đàn và nhiều tập san khác. Một giáo sư có tên trên bìa những cuốn sách trưng bày trong tủ sách của các hiệu sách, có tên trong các tập san, báo chí thì uy tín đối với học sinh được nâng hẳn lên. Chúng tôi ai cũng chờ mong đến giờ dạy của giáo sư Nguyễn Triệu Luật.

Hôm sau nghe tin giáo sư đến trường nhận việc, chúng tôi kéo nhau đến trước văn phòng ngấp ngó nhìn trộm giáo sư. Chúng tôi chú ý từng bước đi, từng lời nói, từng cử chỉ nhỏ của giáo sư. Giáo sư người rong rảy, nét mặt cương nghị, quầng mắt sâu chứa đựng suy tư. Giáo sư bận com lê màu tím thâm, thắt ca vát đen trông vừa nghiêm trang vừa tao nhã.
Ngay từ bài giảng đầu, chúng tôi đã thấy ở giáo sư là một người uyên bác. Giáo sư giảng đến đâu như soi sáng cho chúng tôi đến đấy. Những tiết lịch sử của giáo sư dạy đã tái hiện lại quá khứ oai hùng của dân tộc với những chiến thắng lẫy lừng của Bà Trưng, Bà Triệu, của Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung chống bọn xâm lược phương Bắc. Giáo sư đã giúp chúng tôi nhìn nhận đánh giá những con người của lịch sử, sức mạnh của nhân dân, tinh thần bất khuất của người Việt”

“Lên đệ tam, chúng tôi vẫn được học với giáo sư Nguyễn Triệu Luật môn Lịch sử. Giảng dạy thì hết lòng với học sinh. Chưa bao giờ giáo sư vào lớp chậm nửa phút. Ở trường cũng như ra phố, quần áo giáo sư lúc nào cũng chỉnh tề. Giáo sư như một cái mẫu đúc sẵn”[1].

Không chỉ là một nhà giáo dạy sử tâm huyết, mô phạm, một nhà nghiên cứu lịch sử uyên thâm, bản thân Nguyễn Triệu Luật cũng là một nhà cách mạng sục sôi nhiệt huyết. Đã có lúc trong ông, nhà cách mạng sục sôi nhiệt huyết ấy lấn át cả nhà sử học uyên thâm và nhà giáo mô phạm. “Nhưng không hiểu vì sao một hôm giáo sư đến lớp trễ mất mấy phút? Trông giáo sư có vẻ khác thường ngày. Giáo sư mặc com lê đen, thắt ca vát đen. Và…trước ngực còn đính một mẩu băng tang nhỏ! Giáo sư để tang cho ai?

Đặt cặp da lên buya rô, giáo sư không hỏi lại học sinh bài cũ như thường ngày. Giáo sư cầm phấn viết lên bảng mục bài mới. Nét mặt nghiêm nghị, giáo sư nhìn xuống lớp nói: “Bài học này, anh chị em cứ theo sách giáo khoa tự nghiên cứu lấy. Hôm nay tôi quá xúc động…”

Cả lớp im lặng…

Giáo sư ngậm ngùi nói tiếp:

Hôm nay đúng vào ngày đồng chí của tôi, đồng chí Nguyễn Thái Học, lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng bị đưa lên máy chém sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại. Giáo sư miêu tả lại thái độ hiên ngang của Nguyễn Thái Học trước lúc lên đoạn đầu đài…

Trống tan học, chúng tôi ra về lặng lẽ, bàng hoàng như mới ở nơi xử chém ông Nguyễn Thái Học. Giờ học hôm đó chúng tôi không được nghe giảng bài lịch sử theo quy định trong chương trình, mà đã được học bài lịch sử yêu nước vô cùng sinh động và sâu sắc, mà nhân chứng lịch sử là người bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt chúng tôi”[2]
Là nhà giáo mô phạm, Nguyễn Triệu Luật truyền dạy tri thức một cách nghiêm túc, nhưng với tư cách nhà cách mạng ông luôn khuyên học trò của mình nên dấn thân để rèn luyện, để nên người. Xưa nay mỗi mùa chia tay, học trò thường viết lưu bút cho nhau, nhưng ít ai biết rằng chính thầy Nguyễn Triệu Luật lại viết lưu bút cho học trò. Ông Hồ Mậu Đường, là người học trò có vinh dự ấy. Điều đặc biệt là lưu bút của thầy giống như một bài luận về sự dấn thân.
“…Kim cổ kỳ quan có một câu chuyện rất lý thú. Nhân xem lời tựa của anh tôi lại nhớ lại chuyện thế này:
Có một anh làm nghề giặt giũ tơ lụa vải ở một nơi phụ đầu. Anh ta có một hòn đá vẫn để ở ven sông, dùng để đập vải. Một hôm có người thợ ngọc đi qua bảo anh ta rằng: “Trong hòn đá này có một viên ngọc hình con thỏ. Bác bán viên đá này bao nhiêu tôi mua”. Cho là chuyện đùa, anh thợ giặt đòi nghìn lạng. Người thợ ngọc bằng lòng mua giá ấy nhưng vì đem không đủ tiền, nên chỉ đặt trước một vài lạng, hẹn một tháng sau sẽ đem đủ số tiền.
Anh thợ giặt ta khi đó mới biết là “thạch trung ẩn ngọc”. Sau khi người thợ ngọc đi khỏi, anh ta mang hòn đá về nhà, để một chỗ thật kín đáo.

Một tháng sau anh thợ ngọc đến, xem kỹ hòn đá rồi nói:

– Hòn đá này nó chịu tinh sương của trời đất, nên mới kết được cái thai ngọc ở trong. Nay để vào chỗ kín, cái thai ngọc ấy còn non, nên chỉ một tháng trong xó nhà, nó cũng đủ chết. Bây giờ hòn đá của bác một lạng cũng không đắt nữa.

Liền đó bổ hòn đá ra. Quả nhiên trong đó có một con thỏ, nhưng chất đã mờ đen.

Người ta cũng giống cái thai ngọc ấy, phải gội tâm trí bằng hồ hải bốn phương, phải nuôi thân thể bằng nhiều bữa cơm lữ thứ. Cứ chúi xó một nơi thì cái thiên bẩm quý hóa của trời đất cũng đến ngày một tiêu ma.
Anh Hồ Mậu Đường

98-1721101440.PNG
Học trò lớp Đệ tứ khóa đầu tiên (1940-1941) của Trường Lễ Văn chia tay thầy Nguyễn Triệu Luật về Hà Nội

Tôi vẫn thường nhận rằng anh sẽ là một hòn ngọc quý của lớp đá sỏi thanh niên ngày nay. Tôi lại mong rằng anh sẽ không phụ cái cái thiên tứ sẵn có mà luyện lấy một cái thánh thai trong lòng bằng cách cất bước ra đi để lịch lãm hết cái cẩm tú của giang sơn đất nước, cái tính tình đáng quý của dân tộc. Rồi sau đây, làm vẻ vang cho giống nòi, anh sẽ có một phần danh dự”[3]

Học trò lớp Đệ tứ khóa đầu tiên (1940-1941) của Trường Lễ Văn chia tay thầy Nguyễn Triệu Luật về Hà Nội
Những lời trên đây thầy Luật không chỉ nói với học trò, mà cũng chính là thầy đinh ninh với lòng mình. Hình như, với thầy bốn năm dạy học và viết sách ở Vinh như vậy cũng là vừa đủ. Ông cần phải trở lại trường tranh đấu, để mài luyện nốt cái thai ngọc đã có trong lòng.

“Giữa năm đệ tứ, một hôm giáo sư Nguyễn Triệu Luật đến lớp nét mặt buồn rầu nói với chúng tôi:

– Rất tiếc từ nay tôi không thể ở lại với anh chị em. Tôi đã xin thôi dạy để ra Hà Nội hoàn thành một công trình nghiên cứu.

Chúng tôi tha thiết yêu cầu giáo sư ở lại cho hết năm học, nhưng giáo sư viện đủ lý do để từ chối.

Hôm tiễn đưa, giáo sư ra đi buồn rười rượi. Chúng tôi, những người ở lại rười rượi buồn. Trên chục anh em, những người thân yêu nhất của giáo sư xin chụp với giáo sư một tấm ảnh làm kỷ niệm. Tấm ảnh đó đến nay tôi vẫn giữ cùng với bao kỷ niệm quý giá về người thầy tôn kính”[4].

Ông cũng đã đến nhà, tâm sự và chia tay với thầy Nguyễn Đức Bính, hiệu trưởng trường Lễ Văn. Với thầy Bính, Nguyễn Triệu Luật đã không ngần ngại nói rằng ông chia tay Lễ Văn để tiếp tục vào cuộc dấn thân của một nhà cách mạng[5].
Ông đi đâu, làm gì trong những năm sau đó? Cả cái chết của ông năm 1946 vẫn còn là một bí ẩn của lịch sử. Chỉ biết rằng dù đi đâu, làm gì thì với ông cũng không ngoài việc “gội tâm trí bằng hồ hải bốn phương”, “nuôi thân thể bằng nhiều bữa cơm lữ thứ”.

Sau hàng chục năm ít được nhắc đến, 9, 10 năm trở lại đây, tên tuổi và trước tác của Nguyễn Triệu Luật đã và đang được tái hiện. Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học về con người và tác phẩm của ông. Với sự cố gắng của gia đình và bè bạn, 2 tuyển tập “Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật”[6] và “Nguyễn Triệu Luật – Tác phẩm đăng báo”[7] đã được xuất bản. Đặc biệt, tên của ông cũng đã được đặt cho một con đường ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng, ở Vinh, liệu có ai còn biết đến ông, một nhà giáo đam mê và mô phạm, một con người “Tài hoa – Uyên bác và Dấn thân”, như đánh giá của nhà giáo Phạm Toàn?

Tuy nhiên, con người như Nguyễn Triệu Luật thì chắc không bận tâm đến sự quên nhớ của người đời. Ông chỉ biết “vị nhân, mưu tất chung”, đã “vì người mưu việc gì, tất phải tính cho đến chót”. Hơn nữa, như ông đã tâm sự với học trò: “Có lẽ còn lâu tôi mới gặp anh, nhưng nếu ta nghĩ đến nhau luôn và cứ ăn ở theo cái đạo ở đời, thì gặp nhau có cứ gì là gặp mặt?”[8]