Một trang phục mang tính chất khu biệt của người Nghệ An nói riêng và người nông dân cả vùng xứ Nghệ nói chung là áo tơi. Dù mưa hay nắng, nóng hay rét thì người nông dân Nghệ An cũng kè kè tấm áo tơi ngoài đồng, ngoài chợ. Tất nhiên thứ áo đặc dụng che mưa che nắng, che gió rét này không thể là trang phục thường xuyên lúc ăn lúc ngủ, người Nghệ An sử dụng các phục sức từ chất liệu vải là chủ yếu. Đặc biệt, vải để may phục sức của người Nghệ An không hề có sắc màu lòe loẹt, mà hầu hết là màu nâu sồng, mầu bùn non, màu đất..... Kể cả những trang phục mang nhiều tính chất trang sức như chiếc yếm của người phụ nữ thì cũng chỉ là màu trắng đơn thuần hoặc màu nâu non, nâu thắm.
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người ướm trắng vải điều phất phơ
Hay:
Đôi o mặc ướm trắng thắt dải lưng vàng
Lấy chồng biệt xạ trai trửa làng ngẩn ngơ (ca dao)
Người phụ nữ Nghệ An xưa cũng xúng xính áo cánh, áo dài, tóc chẻ ngôi vấn khăn, cổ đeo vòng kiềng (vàng, bạc...) tai đeo hoa tai, khuyên tai... Tất nhiên không phải người phụ nữ Nghệ An nào cũng đầy đủ những trang sức, phục sức trên nhưng nói đến văn hóa trang phục người xứ Nghệ thì cần thiết nêu ra cho đủ. Người Nghệ An nghèo nhưng cũng biết cách làm đỏm, làm dáng, làm duyên. Những khuyên tai, vòng tay, kiềng cổ... được chú ý đến giá trị trang sức hơn là giá trị vật chất. Giàu thì bạc, vàng, nghèo đói thì vòng nhựa, vòng nhôm....cũng thành vật trang sức.
Ca dao có câu:
Con quan đeo bạc đeo vàng
Con dân đeo kẽm đứng đàng cũng xinh
Áo cánh thì ngắn, chỉ đến mé eo lưng và bó sát người. Vốn tính hay lam hay làm nên ống tay áo thường bị sờn, xước hoặc rách trước áo nên thường phải thay tay áo. Nét riêng này đã đi vào những câu hát ví, hát dặm Xứ Nghệ:
Đối rằng:
Nhà em mấy con tru cày
Mấy sào ruộng cạn mà áo thay tay cả đời?
Đáp rằng:
Nhà em năm bảy trâu cày
Chín mười mẫu ruộng áo thay tay mặc thường
Lối đối đáp này cũng thể hiện được tính cách giản dị, không vì sĩ diện mà giấu diếm đói nghèo, không chuộng màu mè trong ăn mặc, đói thì phải cho sạch rách phải cho thơm của người Nghệ An.
Áo dài là áo mặc ngoài, có thể bên trong người phụ nữ mặc yếm. Xứ Nghệ không nhiều người mặc áo mớ ba mớ bảy một phần vì điều kiện kinh tế hạn hẹp, tính tiết kiệm giản dị, một phần vì khí hậu khắc nghiệt nhưng không phải là không có. Một số người ở tầng lớp giàu có thường mặc áo mớ đôi mớ ba vào những lúc cưới xin hay hội hè, lễ tiết. Mùa đông họ mặc áo mền, áo kép, áo bông.....
Người Nghệ An gọi cái váy là cái mấn. Bọn trẻ con đi học trường làng về hay nghêu ngao đọc: hai đầu thồng lộng, cấn mái cái mấn, hay: hình như cái trống, thồng lổng hai đầu, Nghệ Tĩnh thì có, Kinh Cầu thì không.
Trong khi văn học dành nhiều ưu ái cho trang phục nữ giới thì trang phục nam giới hầu như không được nhắc đến. Trên thực tế, từ xưa đến nay trang phục của nam giới cũng đơn giản hơn nữ giới. Cũng khăn đóng, áo the, áo dài, áo cánh nhưng ở nghệ An, các trang phục này đều rất giản dị. Các bậc trung lưu, thượng lưu hoặc tầng lớp giàu có thì lụa gấm lượt là nhưng lớp bần nông, cố nông thì áo cánh, quần dài nhuộm nâu cho bền, mặc đi ruộng đi nương hay mặc ở nhà cũng được. Bên cạnh đó, đàn ông Nghệ An còn mặc khố, là khố đuôi lươn hay khố cộc, khố chạc, khố nối.... Thực sự người viết chưa tra cứu được đàn ông Nghệ An mặc khố từ bao giờ, đến bao giờ nhưng trong văn học dân gian nhắc khá nhiều về hình ảnh chiếc khố:
Đàn ông léo khố đuôi lươn
Đàn bà mặc ướm hở lườn mới xinh
Hay:
Làng Sen léo khố thay quần
Ít cơm nhiều cháo xoay vần quanh năm
Thân anh khố nối đã xong
Thân em mấn cạp tầng trong lớp ngoài.
Ảnh hưởng của lối mặc lịch sự, kiểu cách của Xứ Bắc, trang phục người Nghệ An cũng có sự pha trộn. Đàn bà thì áo chít quần chin, đàn ông thì quần áo cổ y, áo bẻ cổ cồn cứng. Sang thời Âu hóa, thời cách tân trang phục, khi kinh tế xã hội phần nào có sự thay đổi tích cực thì trang phục vì thế cũng đa dạng và nhiều kiểu cách hơn.
Đàn ông thì:
Mừng chàng quần áo mọi mầu
Quần hồ lơ trứng sáo áo trắng phau cánh cò
Đàn bà thì:
Mừng nàng má phấn môi son
Áo màu huyền cánh quạ, tóc xanh non seo gà.
Tuy có pha tạp một số kiểu cách ăn mặc của Xứ Bắc, của Huế hay của bất kỳ vùng miền nào đi chăng nữa thì bản chất người Nghệ An vẫn vậy: giản dị, tiết kiệm, không diêm dúa màu mè, ăn chắc mặc bền là chính.
Một thời áo cánh thay tay, một thời áo vá chằng vá chịt, người Nghệ An bây giờ không còn gọi cái váy là cái mấn nữa, không chuộng áo chít quần chin nữa...Sự du nhập của văn hóa phương tây trong việc cách tân trang phục mà người ta hay gọi là Âu phục, sự pha trộn văn hóa trang phục của các vùng miền cùng với những phát triển về về kinh tế, xã hội đã có ảnh hưởng lớn đến cách ăn mặc của người Nghệ.
Sẽ chưa định hình được bức tranh đa màu sắc, đa kiểu dáng trong văn hóa trang phục của người Nghệ An khi chưa nhắc đến trang phục của đồng bào các dân tộc ít người ở Nghệ An. Trong 5 dân tộc chính sinh sống ở Nghệ An thì trang phục của dân tộc Thái là nổi bật hơn cả và có nhiều họa tiết trang trí nhất "Những họa tiết này có truyền thống lâu đời được trình bày chủ yếu trên các mẫu dệt, thêu của chị em phụ nữ như các đường nét chạy và viền trên chân váy, tà áo, các hình cách điệu về cảnh vật,con người, con vật”.
Dân tộc Khơ Mú, Ơ Đu ở Nghệ An không trồng bông, dệt vải, để có quần áo mặc, người ta đổi nông sản lấy vải về cắt may hoặc mua váy áo của người Thái, người Lào về trang trí thêm theo ý thích của mình. Do vậy, trang phục của người Khơ Mú, Ơ Đu có nhiều nét ảnh hưởng của trang phục dân tộc Thái.
Hoàn cảnh và lịch sử ra đời muộn hơn các dân tộc khác nên trang phục của dân tộc Thổ bị ảnh hưởng rất nhiều từ trang phục của người Kinh.
Ngày nay, trang phục của đồng bào các dân tộc ít người có hiện tượng "kinh hóa", nhưng không phải vì thế mà họ không giữ được nét bản sắc riêng của dân tộc mình. Phải đến các ngày trọng đại, lễ, tiết thì trang phục của các dân tộc ít người mới thực sự nổi bật, làm rực rỡ hơn, phong phú hơn bức tranh văn hóa trang phục của người Nghệ An.