Người chủ gia đình ngày trước được tôn vinh gọi là gia trưởng, người gia trưởng do vị trí của mình đã thâu tóm toàn bộ chức năng, nhiệm vụ mang tính chất độc tôn, độc quyền để chỉ đạo, điều hành và quản lí gia đình. Vì vậy, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều phải phục tùng vô điều kiện. Mọi hoạt động như: Ăn mặc, sinh hoạt, đi lại, giao tiếp, ứng xử, lao động, sản xuất được thực hiện thống nhất gọi là gia pháp.

Ngày nay, trong điều kiện nước ta phát triển nền kinh tế thị trường, nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, các mâu thuẫn phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng, phong phú, phức tạp... Những vấn đề mâu thuẫn trong gia đình chưa giải quyết ổn thỏa mà cốt lõi là nguyên tắc tôn ti, trật tự, thì nguy cơ dẫn đến tình trạng gia đình bị tan vỡ là điều không thể tránh được.

yt-1721118995.PNG
 

Ông bà là lớp người trải qua thử thách, rèn luyện trong chiến tranh cách mạng, chiến đấu, lao động và công tác đã cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Về nhận thức quan niệm của các cụ là sống có đạo đức, nhân cách, truyền thống và không làm điều xấu, điều ác... Tuy nhiên, lớp NCT cũng có những hạn chế nên có việc, có lúc, có nơi không phù hợp với con cháu.

Mặt khác được sống trong hòa bình, lối sống và quan niệm mở của một số người trong việc: Cất nhắc, đề bạt, lên lương, chuyển công tác, chuyển trường, mua bằng hoặc tập trung làm ăn kiếm tiền thiếu quan tâm chăm sóc giáo dục con cháu. Đây chính là nguyên nhân làm cho lớp trẻ bị xói mòn, dẫn đến lối sống thực dụng. Với con cháu, được sinh ra và lớn lên khi đất nước hòa bình thống nhất, chỉ biết chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, sự thiếu thốn, gian khổ, ác liệt và sự hi sinh của ông bà, cha mẹ qua sách vở, phim ảnh, các câu chuyện kể lại...

Vì vậy, nhận thức và lối sống của lớp người trẻ bây giờ là an nhàn, hưởng thụ, thực dụng, chỉ biết sống cho mình, vì mình, một số sống buông thả... Gia đình nào có đời sống vật chất đầy đủ thì con cái muốn gì được nấy, nhưng khi nhu cầu không được thỏa mãn thì chính họ lại là “kẻ ngược đãi” ông bà, cha mẹ. Vì vậy, đã phát sinh mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, dẫn đến những cuộc tranh cãi gay gắt. Kết quả dẫn đến tình trạng: Ông bà phải ở riêng chăm sóc nhau lúc tuổi già; bố mẹ (vợ chồng) sống li thân, rồi li hôn; con cháu bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, nghiện hút, tệ nạn xã hội, sống thực dụng, buông thả; ngược đãi bố mẹ, ông bà; gia đình đổ vỡ, bất hạnh...

Thiết nghĩ, để xây dựng gia đình văn hóa hạnh phúc, xin nêu một số biện pháp thực hiện như sau: Một là, quán triệt thực hiện kết quả Nghị quyết của Đảng: “Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người. Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác” trong các tầng lớp Nhân dân. Hai là, coi trọng việc nâng cao văn hóa nhân cách của thanh niên, thiếu niên; kiên quyết chống những hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa. Ba là, xây dựng đời sống văn hóa đại chúng và môi trường văn hóa, lành mạnh ở từng gia đình, thôn, bản và tổ dân phố. Bốn là, phát huy vai trò nòng cốt của mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ trong việc tuyên truyền, giáo dục thanh niên, thiếu niên với những nội dung chủ yếu: Con cháu hiếu thảo, giữ gìn tình nghĩa, đoàn kết gia đình, vợ chồng hòa thuận chung thủy, uống nước nhớ nguồn; đền ơn đáp nghĩa. Để xây dựng và phát triển của con người và xã hội; góp phần xây dựng gia đình phát triển bền vững, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.