Mực nháy hay còn gọi là mực nhảy, cách gọi này để chỉ những con mực còn rất tươi, mắt nhấp nháy, mình trong suốt, làn da còn lấp lánh những đốm lân tinh. Một số người gọi đây là mực nhảy để hấp dẫn du khách theo kiểu mực tươi đến độ còn nhảy được. Và dù mực nháy hay mực nhảy thì cũng đều giống nhau ở điểm là mực còn rất tươi. Chính vì vậy, mực ở Vũng Áng mới có được nét đặc trưng, cuốn hút cả những thực khách khó tính nhất trong thưởng thức ẩm thực.
Mùa mực ở Vũng Áng tập trung nhiều nhất từ tháng 3 âm lịch đến tháng 7 âm lịch, đây là thời điểm mà cái nắng ở miền Trung gay gắt nhất và cũng là lúc con người ta muốn được tạm xa chiếc quạt điện ù ù, xa hơi lạnh của điều hòa trong phòng kín để về với biển cả, thưởng ngoạn không gian ẩm thực đầy thơ mộng với biển trời xanh trong, hít thở làn gió mát hòa lẫn trong vị mặn mòi của biển, cùng nhau bồng bềnh trên những ngôi nhà nổi, đung đưa theo những chiếc võng và thưởng thức món mực nháy.
Mực nháy Vũng Áng không mất nhiều công chế biến, các thực khách đến đây chỉ cần gọi món và chờ trong giây lát, những đĩa mực theo yêu cầu sẽ được đáp ứng ngay, hoặc cũng có thể gọi điện đặt trước số lượng để nhà hàng chủ động. Mực sau khi vớt lên từ lồng nuôi, rửa sạch bằng nước ngọt là có thể cho vào nồi luộc. Các gia vị ăn kèm không thể thiếu của món luộc này là lá lốt, xì dầu mù tạt, bánh tráng và rau thơm các loại. Đây là cách ăn thông dụng nhất, phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Mực hấp cũng được nhiều thực khách lựa chọn, mực sau khi được rửa sạch cho vào nồi, bỏ ít gừng tươi giã nhỏ trộn đều, thêm chút nước dừa hoặc bia thì ngon hơn, đậy kín vung đến khi nước sôi thì cũng là lúc mực đã chín, đưa ra sắp lên đĩa, có thể ăn cùng với hành lá đã nhúng qua nước sôi. Và đặc biệt lạ miệng là món mực tái hay gỏi mực, du khách thích ăn con nào tự tay cầm râu con đó nhúng vào nồi nước đang sôi trông chốc lát rồi vớt ra thưởng thức hoặc mực cắt thành từng miếng, để ráo nước, sau đó chần qua nước chanh, chấm cùng nước mắn gừng hoặc xì dầu mù tạt, nhìn vào cứ ngỡ là tanh nhưng thực ra lại rất ngọt và mát. Ngoài ra, còn có cách thưởng thức mực nháy rất đơn giản, tiện lợi là câu mực lên rồi nướng luôn trên tán đèn măng sông. Con mực còn tươi rói, xèo xèo trên ánh điện, tỏa ra mùi thơm đến ngào ngạt. Để thêm hương vị cho bữa tiệc, du khách có thể thưởng thức thêm các món mực xào, mực chiên, hay lẩu mực, mực nhồi thịt rán…và một số hải sản khác như sò, nhím biển, cá các loại…
Tuy khác nhau trong cách chế biến, nhưng mọi du khách khi thưởng thức mực nháy Vũng Áng đều cảm nhận được vị ngọt, giòn, béo ngậy, thơm phức nơi đầu lưỡi, một cảm giác sảng khoái, ăn no mà không hề thấy ngán. Và có lẽ điều thú vị nhất là khi ăn xong, miệng đen nhẻm màu mực, để ai đó chợt nhớ về “Những cô hàng xén răng đen. Cười như mùa thu tỏa nắng”.
Không giống như những vùng biển khác, mực nháy Vũng Áng có thể nuôi sống sau khi được câu lên và còn sống trước lúc đưa vào chế biến, muốn vậy các chủ nhà hàng phải dậy từ 3-4 giờ sáng, ra biển đón dân câu mực (còn gọi là dong mực) rồi đưa về thả vào lồng bè. Việc dong mực vào bờ phải hết sức cẩn thận, thuyền đi nhẹ nhàng, không nhanh quá cũng không chậm quá và đặc biệt là phải hạn chế tối đa thuyền lắc lư, nếu không mực sẽ bị ươn. Cũng vì điều này mà nhiều du khách đến Vũng Áng không chỉ để thưởng thức mực nháy mà còn vì tính tò mò muốn được “ngắm mực”, xem mực sống bơi lội thế nào. Và nếu nán lại trong đêm, du khách còn có thể cùng các ngư dân ra biển câu mực. Đây là thú vui thu hút nhiều du khách muốn khám phá, trải nghiệm.
Vũng Áng những ngày này giống như một thành phố nổi, thuyền kề vai thuyền, trải dài trên một cung đường vẫy chào du khách. Đâu đâu cũng thấy biển hiệu “Mực nháy”. Mực nháy dường như đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng biển Vũng Áng- Hà Tĩnh, một món ngon mà ai ai cũng muốn được thưởng thức khi có dịp ghé đến miền quê thân thương này.