kk-1721006857.PNG
Sản phẩm của làng nghề mây tre đan bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Thanh Phúc

Sự đa dạng trong văn hóa xứ Nghệ nhìn từ các làng nghề truyền thống

Hiện nay, ước tính Nghệ An có khoảng 200 làng nghề truyền thống đang hoạt động. Quan điểm phát triển làng nghề của Nghệ An là: Phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái; Phải gắn với phát triển kinh tế xã hội địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn; phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch; Bảo tồn và phát triển làng nghề, làng có nghề trên cơ sở bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa, tập quán của từng địa phương cùng cới sự tham gia của cộng đồng gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; đa dạng hóa sản phẩm và ứng dụng các công nghệ mới; kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ cổ truyền với công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm vừa truyền thống vừa phải tinh xảo mang tính thương mại cao; Song song với việc bảo tồn cần tập trung khôi phục, phát triển các nghề, làng có nghề có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh về nguyên vật liệu, kỹ năng, kỹ xảo sản xuất, có khả năng canh tranh trên thị trường, thu hút nhiều lao động…

b-1721006898.PNG
Làng nghề bánh đa các xã Diễn Hồng, Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu. Ảnh Mai Giang

Làng nghề truyền thống ở Nghệ An đa dạng. Theo khu vực thì có làng nghề truyền thống cư dân ven biển, làng nghề truyền thống của cư dân đồng bằng, làng nghề truyền thống của cư dân vùng trung du, làng nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi phía Tây Nghệ An. Theo lĩnh vực thì có làng nghề thủ công nghiệp, làng nghề ngư nghiệp, làng nghề nông nghiệp, làng nghề thương mại dịch vụ. Theo chủ thể thì có làng nghề của người Kinh, làng nghề của người Thái, làng nghề của người Thổ, làng nghề của người Mông, làng nghề của người Khơ Mú. Theo phân cấp quản lý còn có làng nghề truyền thống đã được công nhận và làng nghề truyền thống đang xây dựng chờ công nhận. Theo thực trạng thì có làng nghề truyền thống đang phát triển, làng nghề truyền thống đã mai một, làng nghề truyền thống đang được khôi phục và phát triển. Và càng đa dạng hơn nữa khi làng nghề truyền thống được gắn với tên gọi của sản phẩm chính của nó: làng nghề sản xuất tương, làng nghề thổ cẩm, làng nghề đan lát, làng nghề bánh đa, làng nghề sản xuất nước mắm, làng nghề mộc, làng nghề rèn, làng nghề muối,…

Sự đa dạng về làng nghề cũng thể hiện sự đa dạng của văn hóa Nghệ An. Và sự đa dạng đó, một mặt tạo ra một bức tranh làng nghề tuyệt đẹp cho tỉnh nhà, tạo sức hấp dẫn đối với du khách ở nhiều nơi muốn khám phá vẻ đẹp của các làng nghề truyền thống, là một nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch. Mặt khác, nó cũng tạo ra sự phức tạp và cần phải nghiên cứu, nhận thức rõ tính đa dạng lẫn tính đặc thù để xây dựng chính sách phát triển cho hợp lý.

Đặc trưng văn hóa của sản phẩm làng nghề

Một làng nghề thì thường gắn với một sản phẩm chủ đạo và độc đáo nhất tạo nên đặc trưng của làng nghề đó. Không có một làng nào chỉ sản xuất một sản phẩm hay sống bằng một nghề duy nhất. Nhưng làng nghề truyền thống thường gắn với một sản phẩm nhất định.

Trước hết, sản phẩm của làng nghề truyền thống phải có chất lượng cao hơn các sản phẩm do nơi khác sản xuất. Chất lượng sản phẩm của làng nghề là điều quan trọng bởi nó khẳng định giá trị thương hiệu của làng nghề. Và chất lượng sản phẩm cũng là sự thể hiện của những bí quyết cơ bản về sản xuất sản phẩm trong làng nghề truyền thống. Chất lượng đó được khẳng định không chỉ qua bí quyết sản xuất mà còn được khẳng định qua kỹ năng, kinh nghiệm của những người thợ chuyên nghiệp đã được trao truyền qua nhiều thế hệ trong làng nghề. Tức là làng nghề cũng cần một thời gian đủ dài để phát triển và khẳng định sản phẩm của mình cho người sử dụng. Để làm được điều đó, nhiều khi phải trải qua nhiều thế hệ mới đạt được.

Thứ hai là sản phẩm của làng nghề truyền thống phải mang giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề đó, của địa phương đó và đặc biệt là của cộng đồng đó. Sản phẩm làng nghề truyền thống trước hết thể hiện sự thích ứng và sáng tạo của con người trong làng đó với môi trường tự nhiên của làng đó. Một làng nghề làm muối thì thường thể hiện nét đặc trưng văn hóa của người dân vùng biển. Tương tự, một làng nghề thổ cẩm thì gắn với văn hóa tộc người ở miền núi nhiều hơn. Và các sản phẩm thổ cẩm của các tộc người cũng có những đặc trưng riêng. Với thổ cẩm người Thái thì nổi tiếng hơn vì nó có họa tiết, hoa văn phong phú, và hiện nay còn được sản xuất tập trung ở nhiều làng khi tham gia vào thị trường. Hay các làng nghề đan lát của người Khơ Mú ở huyện Kỳ Sơn cũng thể hiện những đặc trưng văn hóa của tộc người này.

Thứ ba, sản phẩm đặc trưng của một làng nghề truyền thống phải mang tính phổ biến trong làng nghề đó. Một làng nghề truyền thống được công nhận khi sản phẩm chủ yếu của làng nghề đó chiếm một tỷ lệ lớn trong đời sống sản xuất của họ. Nghĩa là số hộ gia đình trong làng đó tham gia vào việc sản xuất sản phẩm chủ đạo này chiếm tỷ lệ lớn. Nếu chỉ một vài hộ sản xuất thì chưa thể tạo thành một làng nghề đúng nghĩa được.

Thứ tư, sản phẩm của làng nghề truyền thống phải có một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của làng đó. Đó chính là tiêu chí thu nhập. Làng nghề truyền thống thì sản phẩm truyền thống đó phải mang lại một nguồn lợi kinh tế quan trọng cho người sản xuất. Bởi có như vậy thì người ta mới có mục tiêu để trao truyền kinh nghiệm, kỹ năng, hướng đến thị trường để phát triển. Và hiệu quả sản xuất cũng là một yếu tố để làng nghề phát triển hay bị lụi tàn.

Và cuối cùng, là nhân tố con người trong làng nghề truyền thống. Sản phẩm của một làng nghề truyền thống phải được sản xuất từ những người thợ chuyên nghiệp và làng nghề. Nói cách khác, các làng nghề truyền thống phải hình thành được một đội ngũ lao động chuyên nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm đó. Nhìn chung, các làng nghề ở Nghệ An thường hướng đến các sản phẩm thể hiện sự cần cù, chịu thương, chịu khó, yêu cầu tỉ mỉ. Mà đó là những điểm mạnh của con người xứ Nghệ. Nên làng nghề cũng là một sự thể hiện bản lĩnh, tính cách con người Nghệ An.

Giữ gìn văn hóa làng nghề trong bối cảnh toàn cầu hóa cũng là giữ gìn văn hóa xứ Nghệ

i-1721006946.PNG
Sản phẩm của làng nghề thổ cẩm bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, Quỳ Châu đã vươn ra thế giới. (Trong ảnh: Nghệ nhân Sầm Thị Tình đang sắp xếp, trưng bày sản phẩm tại gian hàng thổ cẩm bên lề Hội thảo nghề dệt may truyền thống các nước ASEAN (TTAS), do nước chủ nhà Malaysia đăng cai, tổ chức tại thủ đô Putrajaya). Nguồn ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Các làng nghề truyền thống ở Nghệ An hiện nay chủ yếu vẫn ở các vùng nông thôn. Trong quá trình hiện đại hóa, toàn cầu hóa, người dân làng nghề vẫn khá thụ động. Sự thụ động là nguyên nhân khiến cho họ gặp khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội trong sự phát triển của thị trường. Sự thụ động còn làm cho họ đối diện với nguy cơ mai một bản sắc văn hóa của mình. Làng nghề thổ cẩm của người Thái ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) để phát triển thì nhiều khi phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng bằng các đơn hàng mà nhiều khi không hẳn thể hiện bản sắc của người Thái. Nhưng họ phải lựa chọn hoặc theo thị trường để phát triển, hoặc bảo tồn bản sắc làng nghề nhưng bị mai một không tiếp cận thị trường được. Trường hợp các làng nghề vừa lựa chọn thị trường vừa bảo vệ bản sắc là điều kiện lý tưởng nhưng nó cần nhiều yếu tố trong đó người dân phải chủ động may ra mới thành công.

Nhìn rộng ra, trong quá trình đưa sản phẩm của các làng nghề truyền thống vào kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng tôi thấy rằng chỗ nào người dân chủ động và có quyền quyết định thì giữ được bản sắc văn hóa làng nghề, thậm chí họ còn bản địa hóa, địa phương hóa ngược lại các giá trị văn hóa phổ biến của toàn cầu hóa. Và ngược lại, những chỗ nào người dân càng thụ động thì bản sắc làng nghề càng mai một nhanh chóng hơn. Như vậy, vị thế của người dân chủ thể của làng nghề trong bối cảnh toàn cầu hóa rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa làng nghề.

Vậy nên, để giữ gìn bản sắc văn hóa làng nghề truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa cần phải định vị lại vị thế của người dân trong làng nghề. Chính quyền cần phải có chính sách hỗ trợ cho người dân làng nghề truyền thống nhiều hơn trong quá trình phát triển. Phát triển xã hội dân sự cũng như có sự hỗ trợ cho người dân tiếp cận các thông tin và thể hiện tiếng nói của mình trong quá trình phát triển. Điều đó sẽ làm cho quá trình phát triển làng nghề truyền thống có hiệu quả hơn và vẫn giữ được giá trị bản sắc làng nghề trong quá trình toàn cầu hóa một cách phù hợp./.