Cầu Bến Thủy 1 nằm trên tuyến Quốc lộ 1A được xây dựng năm 1986. Sau 4 năm hoàn thành và đưa vào sử dụng, trở thành cây cầu biểu tượng trong tâm thức của người dân Nghệ An - Hà Tĩnh.
Cầu có 13 nhịp, dài hơn 630m và rộng 12m, là cây cầu đầu tiên bắc qua Sông Lam (nối TP Vinh, tỉnh Nghệ An và huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) được xây dựng, có lưu lượng xe cộ qua lại rất lớn mỗi ngày.
Qua thời gian dài sử dụng, cầu đã nhiều lần được tu sửa.
Mới đây, Khu Quản lý đường bộ 2 (Cục Đường bộ Việt Nam) đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai kiểm tra “sức khỏe” cho cầu.
Cầu được kiểm tra về tình trạng xói lở lòng sông, xói cục bộ mố, trụ cầu và kiểm tra đáy móng bệ trụ, liên kết cọc với đáy bệ trụ, hư hỏng cọc. Do nước sông chảy xiết nên Khu Quản lý đường bộ 2 phải thuê chuyên gia, thợ lặn sử dụng đèn pin và camera dưới nước để chụp ảnh, quay video lưu trữ.
Cơ quan chuyên môn cũng kiểm tra hiện trạng phần trung gian nằm giữa mố trụ cầu, kết cấu nhịp, các kết cấu chịu lực… Quá trình kiểm tra cho thấy cầu vẫn đang đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, theo Khu Quản lý đường bộ 2, để biết chính xác về mức độ ăn mòn, xuống cấp của cầu thì phải nhờ các chuyên gia về xây dựng cầu đường thẩm định, đánh giá để lên phương án xử lý.
Cầu Bến Thủy 1 có kết cấu giàn thép, dưới nước đổ trụ bê tông.
Trụ cầu xuất hiện các vết bong, lộ rõ cả thép bên trong.
Sau hơn 30 năm sử dụng, nhiều sắt thép dưới cầu đã bị hoen gỉ.
Theo Khu Quản lý đường bộ 2, cầu có kết cấu cầu tương đồng với cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ, vừa bị sập hôm 9/9).
Hệ cọc thép của cầu trước đây đã có dấu hiệu ăn mòn, vị trí cầu thuộc vùng lên xuống của thủy triều nên Khu Quản lý đường bộ 2 đề nghị Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh (thuộc Tập đoàn Cienco 4 - đơn vị khai thác, quản lý, duy tu cầu) lập phương án, dự kiến kinh phí kiểm định tổng thể, đánh giá an toàn cầu, đồng thời đề xuất phương án sửa chữa, gia cường cầu và báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 25/9.
Khu Quản lý đường bộ 2 cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra toàn bộ các cây cầu trên tuyến nằm trong vùng thường xuyên ảnh hưởng của xói lở, thay đổi dòng chảy như: khu vực có khai thác cát thượng, hạ lưu cầu; khu vực ảnh hưởng trực tiếp của xả lũ các đập thủy điện; khu vực miền núi có lũ quét, lũ ống.