Phiên chợ của đồng bào ở đây họp mỗi tháng 2 lần vào 15 và 30 âm lịch và là nơi giao lưu, trao đổi, mua bán hàng hóa của đồng bào người Mông sống trên địa bàn xã Mường Lống khu vực gần biên giới.
Chợ Mường Lống là nơi bà con dân tộc tập trung đến chợ trao đổi hàng hóa rất đông. Họ mang đặc sản của núi rừng, làng bản, gia đình đến chợ bán như: rau rừng, măng rừng, rau vườn nhà, gà vịt thả vườn, lúa, ngô, khoai, sắn, nông cụ sản xuất… Ngoài ra với những sản vật địa phương của bà con dân tộc đem đến sự hấp dẫn cho du khách yêu thích khám phá.

Do nằm trên đỉnh núi, phần lớn buổi sáng ở đây luôn bị sương mù bảo phủ. “Chợ này chẳng có giờ giấc gì cả. Ai bán hết thì về. Chỉ những ngày ế thì bán khi nào trời tối. Mùa này ở đây rét lắm, nhiều khách dưới xuôi nán lại một lúc thôi cũng chịu không được”, bà Và Y Xừ (50 tuổi), nói.

Về Nghệ An đi chợ nơi cổng trời
Tại chợ Mường Lống, du khách sẽ nhìn thấy bán rất nhiều trang phục truyền thống của bà con người Mông

Ai đã từng tới chợ phiên Mường Lống đều thấy khu chợ có những nét đặc trưng so với các nơi khác. Mường Lống được thiên nhiên ưu đãi, được ví như Sapa của xứ Nghệ, lên tham quan trải nghiệm chợ phiên vùng cao của đồng bào nơi đây thấy khác biệt hẳn với chợ dưới trung tâm huyện họp thường xuyên. Theo các tiểu thương ở chợ, chợ Mường Lống chỉ đông nhất vào ngày thứ bảy, chủ nhật, hoặc tới chợ phiên thì mới đông người tới mua bán, trao đổi hàng hoá. Đồng bào các dân tộc mang, vác, gùi hàng, nông sản xuống chợ để bán rồi mua hàng hoá mang về.

Chợ phiên Mường Lống không đơn thuần là nơi mua và bán mà chợ còn tập trung những tinh túy, nét văn hoá đặc sắc của người Mông sống ở đây. Mặc dù thu hút đông khách du lịch đến tham quan nhưng chợ phiên vẫn giữ được nét nguyên sơ, mộc mạc rất riêng của miền Tây xứ Nghệ.

Vào chợ, việc mua bán diễn ra rất đơn giản, nhanh chóng. Người bán hàng gùi hàng tới chợ đặt các loại hàng hóa lên tấm bạt, hoặc một khoảnh đất trước chợ, người mua nếu ưng là mua luôn, không trả giá nhiều. Bán mua đơn giản, nhưng hàng hóa thì lại đặc sắc bởi rất nhiều sản vật có tính địa phương không thể tìm mua ở nơi khác. Chợ vẫn bày bán chủ yếu các mặt hàng truyền thống, do người dân địa phương sản xuất như miến dong làm thủ công, vải thổ cẩm, các loại bánh truyền thống, cây gia vị, đến các đặc sản núi rừng, rau rừng... và không thể thiếu các loại nông, lâm sản trong vùng, kể cả các loại thảo dược rừng như giảo cổ lam, dây thừa canh, nhiều loại nấm…

sa-1723279946.PNG
Tuy là chợ vùng cao nhưng ở đây cũng đầy đủ những nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống người dân

Những sản phẩm ấy là kết tinh của lao động, sáng tạo của người dân trên những vùng đất khó. Dừng chân tại chợ, ngoài những sạp cố định của các tiểu thương, số còn lại là bà con trong bản, ai nấy chọn cho mình một góc, trải hàng ra bán. Cứ như thế, mua và bán diễn ra nhẹ nhàng, không cò kè giá cả, thuận mua vừa bán vui vẻ. Rồi họ mua sắm vải vóc, quần áo, mắm muối và các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cuộc sống, chuẩn bị đủ mọi thứ cho đến phiên chợ sau.

Tuy là chợ vùng cao nhưng những mặt hàng được đưa đến phục vụ bà con ở đây là các loại thực phẩm như thịt, cá, rau xanh từ dưới xuôi… hay những loại đồ khô như: mắm, muối, hành tỏi…. Những tiểu thương ở chợ Mường Lống tiết lộ với chúng tôi rằng, hàng hoá ở đây tuy không nhiều như ở dưới xuôi nhưng giờ giao thông thuận lợi nên hàng hoá lưu thông cũng có đầy đủ.

Bà Nguyễn Thị Hoa (ở huyện Yên Thành) lên đây buôn bán đã mấy chục năm, bà cho biết: “Điều kiện của bà con ở các bản xa xôi còn nhiều khó khăn, nên hàng mang lên bán phải phù hợp với túi tiền của họ. Cách mua, bán hàng cũng phải linh động, nhiều khi họ không có tiền mặt, mình phải cho họ nợ, hay đổi hàng… Sau nhiều năm buôn bán ở đây, giờ người dân coi tôi như người của bản, thân quen và tin tưởng lắm…”.

Không chỉ bán rau cải ngồng, gian hàng của bà May còn có ít bắp chuối rừng, được rao bán với giá từ 5.000 - 10.000 đồng tùy loại. Đây là những bắp chuối mà bà May hái được dọc đường từ rẫy về. Như nhiều phụ nữ khác, bà May bán ở chợ cổng trời quanh năm. Hết mùa rau cải, bà lại bán khoai sọ, rồi dưa chuột… tất cả đều do gia đình bà trồng được trên rẫy.Những mặt hàng ở chợ nơi cổng trời khá phong phú. Tất cả đều là đặc sản núi rừng, là những sản vật đồng bào dân tộc Mông gần đó trồng được hoặc hái lượm, săn bắt từ núi rừng. Nhưng nhiều nhất vẫn là cây cải ngồng. Mỗi bó cải ngồng ở đây được bán với giá 10.000 đồng. Để có được gần 100 bó cải mang lên chợ bán, bà Lầu Y May (50 tuổi, bản Mường Lống 2) phải thức dậy từ tờ mờ sáng. Toàn bộ số cải này đều được bà May trồng ở trên rẫy. Do rẫy ở xa, bà phải mất hơn một giờ đi bộ mới tới được. “Người Mông mình làm việc như vậy quen rồi. Chẳng thấy vất vả gì cả”, bà May cười nói.

“Trồng rau trên này đơn giản lắm, chỉ cần mang hạt giống lên rẫy rồi vãi ra, cứ thế nó tự lớn cho đến khi thu hoạch. Thời tiết ở đây tốt nên nó sinh trưởng nhanh lắm...", bà May nói thêm.

sb-1723279979.PNG
Rau sạch của đồng bào dân tộc trồng là mặt hàng được nhiều du khách tìm mua khi đến chợ phiên Mường Lống

Ông Và Chá Xà – Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho hay, chợ Mường Lống không chỉ là mua bán, trao đổi hàng hóa, mà còn là một điểm du lịch. “Hiện nay xã Mường Lống đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng. Và ngôi chợ cổng trời là điểm đến đầu tiên và rất quan trọng trong chuỗi hành trình của du khách khi đến với vùng đất này. Ở đó có mọi đặc sản của người dân nơi đây để du khách dưới xuôi mua về làm quà. Đó cũng là điểm ngắm cảnh tuyệt vời...”, ông Xà nói.