Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình nhưng có nhiều nhân duyên với mảnh đất Nghệ An. Quê ngoại tôi ở Vinh, tôi cũng trót đem lòng thương cô gái Nghệ dịu dàng, chịu thương chịu khó. Nhờ vậy mà tôi cũng có dịp thưởng thức nhiều món đặc sản của miền đất này, trong đó có món cháo lươn thơm ngon trứ danh.
Món cháo lươn đặc biệt một phần cũng vì đây là món ăn kỷ niệm ngày đầu ra mắt bố mẹ người yêu của tôi.
Còn nhớ hôm đó là ngày 22 Tết, trời đổ mưa bụi, lạnh thấu xương. Từ Đồng Hới ra Vinh 4 - 5 giờ đồng hồ, lúc đến nhà người yêu cũng vừa đến bữa nên cái bụng tôi bắt đầu "biểu tình".
Thế nhưng các bạn biết "thủ tục" lần đầu ra mắt gia đình, dù có bỡ ngỡ đến mấy, và đặc biệt là đói đến mấy, cũng phải chào hỏi các bậc phụ huynh sao cho ấn tượng đã.
Và rồi, việc gì đến cũng đến, "bố mẹ vợ" đãi, thay vì đãi chàng rể tương lai cơm, thì đãi món cháo lươn, cũng là món mẹ nấu ngon nhất.
Nhìn bát cháo lươn hãy còn nóng bốc khói nghi ngút, tôi không kìm được lòng mình. Rồi mùi gạo quê thơm phức quyện lẫn với mùi hạt tiêu, mùi rau răm, mùi ớt cay nồng nàn cứ thế "tấn công" mọi giác quan của tôi. Tôi tần ngần nuốt nước bọt, còn cái bụng như bắt được nhịp lại sôi lên ùng ục.
Quên đi cái ngại ngần tôi xì xụp những bát cháo lươn ngon lành và thoải mái như chính ở nhà mình. Và cảm nhận được cái ngon đặc biệt của tô cháo lươn, có vị thanh thuần tự nhiên của cháo, vị béo ngọt đậm đà và dai dai của lươn xen lẫn vị ớt cay xè, vị tiêu cay nồng và rau thơm cay the mát…
Tôi cũng kịp ghi lại bí quyết nấu món cháo lươn từ "mẹ vợ" để chia sẻ cho những ai muốn nấu món cháo lươn "chuẩn vị" xứ Nghệ. Nghe chừng có vẻ đơn giản nhưng để nấu cháo lươn ngon không hề dễ dàng. Phải thật tỉ mỉ và khéo léo lắm mới có được một bát cháo lươn thơm ngon đúng chuẩn.
Để nấu cháo lươn ngon thì quan trọng nhất là phần cháo và phần lươn. Để cháo ngọt và ngon hơn thì ninh với nước xương (bò hay heo đều được). Gạo nấu cháo không nên chọn loại dẻo quá vì nấu dễ chị cháy nồi làm mất mùi vị của cháo.
Nếu muốn cháo dẻo và thơm hơn thì cho thêm chút gạo tám là được. Canh cho đến khi hạt gạo mềm hẳn nhưng không bị vụn, cháo cũng không được đặc quá hay loãng quá.
Lươn đồng nấu cháo là ngon nhất vì giữ được vị ngọt tự nhiên, dai dai và thơm. Lươn cũng nên chọn loại con vừa không nên to quá. Quan trọng nhất là phải xử lý mùi tanh, vì nếu không khéo sẽ rất khó ăn.
Vì vậy trước tiên lươn phải được làm sạch nhớt bằng cách ngâm với tro bếp. Sau đó đem lươn luộc chín với chút muối rồi tách xương, gỡ thịt. Phần xương đem bỏ vì có mùi tanh, lại dễ bị hóc khi ăn.
Phần thịt sẽ được xào với hành tăm phi thơm, thêm ít dầu điều (hoặc nghệ) để tạo màu và các gia vị vừa miệng. Lúc nào ăn mới đem bỏ trực tiếp vào bát cháo tùy thích ít hay nhiều.
Đặc biệt, một bát cháo lươn ngon tròn vị không thể thiếu hai thứ rau thơm là hành lá và rau răm. Hai thứ rau này không chỉ làm tăng hương vị mà còn có tác dụng khử mùi tanh của lươn và cân bằng tính hàn - nhiệt của món cháo.
Như một thói quen, cứ mỗi lần về Nghệ An là tôi cứ phải thưởng thức cho bằng được một tô cháo lươn. Đôi khi theo các công trình đây đó, nhớ bát cháo lươn nóng hổi tôi cũng phải tìm ăn cho bằng được. Nhưng có lẽ không đâu ngon và đặc biệt bằng cháo lươn Nghệ An, cháo lươn "mẹ vợ" của tôi nấu.
Mà gần đây tôi mới biết không chỉ có tôi thích cháo lươn Nghệ An đâu mà nhiều người nổi tiếng trong showbiz hay các vị nguyên thủ quốc gia cũng đều rất "ưng" cái món này. Cũng như tôi, về xứ Nghệ chắc chắn phải kiếm một bát cháo lươn nóng hổi để ăn cho đã cái thèm.
Vì vậy nếu có dịp ghé xứ Nghệ bạn hãy thưởng thức món cháo lươn "trứ danh" nhé. Và biết đâu đấy, nhân duyên lại sắp đặt cho bạn một cô gái Nghệ xinh xẻo, chịu thương chịu khó như tôi vậy!