Xây dựng tủ sách cộng đồng
Nhằm mang đến phong trào đọc sách cũng như hình thành văn hóa đọc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1974/QĐ-BVHTTDL về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ "Hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" năm 2023.
Xây dựng tủ sách cộng đồng- Triển khai dự án hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong các nhiệm vụ thành phần của Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai trong lĩnh vực thư viện.
Theo đó, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn La, Bắc Kạn, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nội dung hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tủ sách cộng đồng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tăng cường khả năng tiếp cận thông tin tri thức cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ tài nguyên thông tin thư viện cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa đọc chất lượng, hiệu quả; hình thành thói quen, nhu cầu phát triển, kỹ năng và phong trào đọc sách trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách về văn hóa, kinh tế, xã hội giữa miền núi và đồng bằng, tạo điều kiện hội nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần, lao động sản xuất của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối tượng hưởng lợi đối với việc xây dựng tủ sách là các xã, thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Ghi nhận những kết quả bước đầu
Kể từ khi thực hiện dự án trên, thời gian vừa qua nhiều địa phương đã tích cực hưởng ứng triển khai. Hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023, tỉnh Phú Thọ sẽ có 16 tủ sách được hỗ trợ cho 16 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian thực hiện hoàn thành trong quý III năm 2023. Nội dung tủ sách là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng dân tộc thiểu số; Giới thiệu nét đẹp đặc sắc của gia đình, thôn bản, làng xã trong cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi; giới thiệu các phương pháp, kỹ năng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; các mô hình phát triển du lịch bền vững tại các khu, điểm du lịch vùng dân tộc thiểu số. Sách hỗ trợ chủ yếu các loại: Chính trị xã hội; Pháp luật, Khoa học kỹ thuật; Văn hóa nghệ thuật, Thiếu nhi...
Tỉnh Tuyên Quang cũng vừa hoàn thành xây dựng và bàn giao 20 tủ sách cộng đồng cho 20 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận với văn hóa đọc. Thư viện tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hoá, Truyền thông và Thể thao 6 huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương, Yên Sơn xây dựng và bàn giao 20 tủ sách cộng đồng cho 20 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thư viện tỉnh Yên Bái đã triển khai hỗ trợ xây dựng 25 tủ sách cộng đồng cho 25 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc bốn huyện: Lục Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Mù Cang Chải. Các loại sách trong tủ sách phong phú nhiều thể loại, tập trung vào các nội dung: Thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hoá, thể thao, gia đình, du lịch, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; giới thiệu nét đẹp văn hoá, đặc sắc của gia đình, thôn bản, làng, xã trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi; giới thiệu các phương pháp, kỹ năng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc anh em.
Hòa Bình hiện có 700 thư viện bao gồm các thư viện các cấp từ tỉnh đến huyện thư viện trường học và thư viện cộng đồng, tỉnh dự kiến tiếp tục phân bổ nguồn sách cho 10 xã của vùng 3 của địa phương.
Ông Bùi Xuân Trường – Phó Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Việc đầu tư sách, tài liệu phục vụ cho văn hóa đọc cũng như cơ sở vật chất có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao dân trí cho người dân, tạo điều kiện cho người dân địa phương, đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được những kiến thức khoa học để phục vụ cho cuộc sống cũng như phát triển kinh tế.
Cùng với một số tỉnh kể trên, hiện nay nhiều địa phương cũng đã và đang tích cực triển khai Tủ sách cộng đồng. Bên cạnh đó nhiều đơn vị, tổ chức cũng có các chương trình từ thiện xây dựng thư viện, ủng hộ sách cho các em thiếu nhi và đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể kể đến như chương trình tình nguyện của Trung tâm Công nghệ thông tin - Báo điện tử Tổ Quốc với Thư viện trên đá năm 2023 đã ủng hộ gần 1.500 đầu sách cho học sinh trường tiểu học và THCS Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) và sẽ tiếp tục triển khai trong các năm sau. Chương trình trao tặng tủ sách hàng chục triệu đồng của NXB Phụ nữ cho các trường THCS Lê Quý Đôn (Gia Lai), THCS Cán Tỷ (Quản Bạ, Hà Giang) ...
Có thể nói việc bàn giao sách, tủ sách hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu đã có những kết quả. Tủ sách cộng đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với văn hóa đọc. Từ đó giúp đồng bào dân tộc và các em học sinh nâng cao dân trí, có thêm nguồn tài liệu để phục vụ mọi nhu cầu cuộc sống như học tập, giải trí, trau dồi kiến thức khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất. Những kiến thức lĩnh hội được trong sách sẽ làm giàu vốn sống, vốn hiểu biết, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất. Đây sẽ là tiền đề tạo nên phong trào đọc sách và góp phần tích cực phát triển văn hóa đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.