Sáng 8/11, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới SGK. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), đây là vấn đề rất quan trọng mà nhiều đại biểu đã quan tâm, tranh luận.

e-1699414417.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QH.

Đại biểu thừa nhận việc xã hội hóa SGK là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để thu hút nhân tài, các chuyên gia, nhà khoa học biên soạn SGK, phát triển trí não của học sinh.

Tuy nhiên, thời gian qua, trong việc thực hiện xã hội hóa thì SGK có nhiều vấn đề phải đặt ra. 

"Như vừa rồi đại biểu Đồng Tháp có phát biểu, xã hội hóa gì mà giá SGK càng ngày càng tăng. Xã hội hóa thì phải hạ giá chứ, đây là điều rất bất cập", ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, nghị quyết 88 và 122 của Quốc hội không quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo không được biên soạn SGK.

Theo ông, Bộ nên biên soạn SGK riêng để cùng cạnh tranh với các đơn vị sản xuất khác. Vì đây là mặt hàng định giá của quy định Luật giá mà Nhà nước lại không chủ động biên soạn SGK, lại để cho các đơn vị khác quy định giá thì làm sao hạ giá SGK được.

"Phụ huynh nói vui là mỗi năm đến hè học sinh man mác buồn, nhưng mỗi năm đến trường là phụ huynh man mác buồn. Buồn vì sao? Vì không có  SGK mà mua hoặc vì sách tăng giá. Bộ nên biên soạn SGK để cạnh tranh với các đơn vị khác.

Khi cần thiết, Nhà nước định giá, trợ giá cho bộ SGK và tiến tới Nhà nước có thể không thu phí SGK, trợ cấp hoàn toàn, thậm chí không thu học phí", ông Hòa đề nghị.

trr-1699414456.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QH.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận ý kiến của đại biểu là đúng. Thực tế. giá SGK khi đi vào thị trường chưa rẻ như mong muốn, như thời Nhà nước trợ giá và bao cấp.

Tuy nhiên, với SGK, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định về chuyên môn còn Bộ Tài chính duyệt giá trên cơ sở kê khai của các nhà xuất bản.

Về quan điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo có biên soạn SGK hay không, ông Sơn nói trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội đã bày tỏ quan điểm, thái độ, định hướng đầy đủ. "Xin không nhắc lại để tránh làm mất thời gian của Quốc hội", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Tại phiên giám sát về thực hiện các nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát cân nhắc, bỏ đề xuất của Đoàn giám sát Quốc hội với Chính phủ cuối tháng 7 về việc giao Bộ biên soạn một bộ SGK của Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, dường như đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của SGK trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới.

Nhà nước (Bộ GD&ĐT) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn SGK là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.

"Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ SGK - tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không? Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ SGK nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?", ông Sơn nêu quan điểm.