a-1699067522.PNG
Đền Trang xã Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An.

Ngoài ra đền còn hợp tự 2 vị thần là Bản thổ Quản Đông Bắc Linh quan và Đông Hải Thái Thú Đại Ngư Ông – những vị thần thiêng bảo hộ cho dân làng, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Tục thờ cá Ông là một trong những tín ngưỡng dân gian khá phổ biến của cư dân vùng ven biển Việt Nam. Đối với người dân biển thì cá Voi là con vật linh thiêng, che chở cho ngư dân mỗi lần ra khơi bám biển vì thế mà ngư dân “kiêng húy” không gọi thẳng là cá Voi mà tôn kính gọi là cá Ông, Đông Hải Thái Thú Đại Ngư Ông… Xưa, dân gian quy định rằng, khi cá Ông trôi dạt vào bờ, người đầu tiên nhìn thấy cá Ông được xem là con trưởng của Ông, có trách nhiệm làm chủ tang và phải để tang Ông 3 năm như để tang cha mẹ đẻ. Cả làng phải cùng lo tổ chức tang lễ cho Ông, tang lễ được tiến hành đầy đủ các nghi thức như đối với con người. Vì vậy, tục thờ cá Ông đã trở thành một tín ngưỡng của ngư dân ven biển Việt Nam.

Giai thoại về cá Ông tại vùng biển Hoa Lũy (Diễn Kim) kể rằng: xưa, tại bãi ngang vùng biển Hoa Lũy, có một cá Ông lớn trôi dạt vào bờ, những ngư dân nơi đây đã ra sức cứu ngài. Người dân chờ thủy triều lên, hàng trăm người đào bới để khai thông luồng lạch, tìm cách đẩy cá ra xa. Song do mắc cạn khá lâu, cá Ông đuối sức và chết. Dân làng đã cùng nhau lo tang lễ cho Ông. Vì cá Ông quá lớn nên cần cả trăm chiếc chiếu mới đủ quấn quanh thân cá để làm lễ an táng. Nhân dân Hoa Lũy lập đền thờ gọi là đền Cá Ông (nay thuộc xóm Phú Thành, xã Diễn Kim) quanh năm hương khói. Từ đó, việc ra khơi vào lộng của ngư dân Hoa Lũy được thuận buồm xuôi gió, ngư dân đánh bắt được nhiều cá tôm, tính mạng con người được đảm bảo. Năm 1945, đền Cá Ông bị hư hỏng, dân làng đã rước long ngai bài vị của Đông Hải Thái Thú Đại Ngư Ông về hợp tự tại đền Trang.

bv-1699067557.PNG
Sắc phong cho ngài Đông Hải Thái Thú Đại Ngư Ông.

Về Bản thổ Quản Đông Bắc Linh quan, sắc phong còn lưu tại Diễn Kim cho biết: đền Trang hợp tự thần Bản Thổ Quản Đông Bắc Linh quan có vị hiệu:“Bản Thổ Quản Đông Bắc Linh quan Duệ thông Hiển ứng Thần mô Hùng đoán Dực vận Tế thế Hộ quốc Bảo dân Phong công Thịnh đức Chiêu liệt Thùy hiến Đôn lương Tuyên từ Tế thánh Hoành mô Vĩ lược Trung chính Diễn khánh Tuy phúc Đại thần”. Hiện nay chưa có tài liệu nào để khảo cứu về nhân vật này. Song căn cứ vào nội dung sắc phong có thể khẳng định đây là một vị thần linh thiêng, có nhiều công lao “giúp đỡ đất nước che chở Nhân dân” thần đã từng “trừ họa hoạn, dẹp tai ương” “ban phúc lộc”, “các triều chịu nhận công dày”. Thần đã được triều đình ban mỹ tự từ “Trung đẳng thần” lên “Thượng đẳng thần”. Trước đây, thần Bản thổ Quản Đông Bắc Linh quan được thờ tại đền Cả, thuộc xóm Đại Thành, xã Diễn Kim. Năm 1954, đền Cả bị phá bỏ, dân làng đã rước long ngai bài vị của thần về hợp tự tại đền Trang.

Về Tứ Dương Thành Quốc công, ông là một nhân thần, một danh tướng thời Hậu Lê có công đánh giặc giữ nước, được các vua Triều Hậu Lê, Triều Nguyễn ban sắc phong thần. Hiện nay còn lưu giữ 4 sắc phong của các Triều Hậu Lê, Triều Nguyễn phong tặng mỹ tự cho thần. Tuy nhiên, việc xác định người được thờ là Tứ Dương Thành Quốc công có phải là Phạm Tử Nghi hay không hiện còn nghi vấn, cần thêm ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu.

ad-1699067596.PNG
Sắc phong cho ngài Tứ Dương Thành Quốc công.

Tự xa xưa, nơi đền Trang tọa lạc có tên là Trang Kim Hoa – dân địa phương lấy tên đơn vị hành chính mà đặt tên cho đền. Từ khi xây dựng cho đến nay, đền vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu, nhưng tên địa danh hành chính gắn với đền có sự thay đổi qua các thời kỳ lịch sử như: Lũy Hoa, Hoa Lũy, Kim Lũy rồi Diễn Kim ngày nay.

Một số tài liệu và người cao tuổi cho biết, đền Trang xưa được xây dựng theo kiến trúc chữ tam, 3 tòa, gồm: thượng, trung, hạ điện và cổng tam quan. Cổng tam quan có 3 lối ra vào, phía trước đặt tượng voi, ngựa đá.

p-1699067633.PNG
Sắc phong cho ngài Bản thổ Linh quan.

Qua thời gian, đền Trang đã trải qua nhiều lần trùng tu: trước năm 1937, đền gồm 2 tòa, cũng trong năm đó, Nhân dân dựng thêm tòa hạ điện. Đến năm 1980, do đền bị hư hỏng nặng, chính quyền địa phương đã xây dựng tượng đài liệt sỹ lên vị trí đó. Năm 2008, khi đài liệt sỹ được dời đi, chính quyền đã xây một ngôi nhà nhỏ lên vị trí đền cũ để hương khói. Năm 2014, thể theo nguyện vọng của Nhân dân, chính quyền địa phương đã huy động nguồn xã hội hóa xây dựng đền Trang theo kiến trúc truyền thống phục vụ nhu cầu tâm linh của Nhân dân.

Hiện nay, khuôn viên đền Trang có diện tích 1.614m2, bao gồm các công trình: nghi môn, sân, đền thờ và một số công trình phụ trợ. Đến nghi môn ta bắt gặp đôi câu đối bằng chữ Hán với nội dung: “Quốc phụng phong vi hưng vạn đại – Dân an cung điện vượng thiên thu”. Tạm dịch:  “Nước thờ phong thần hưng muôn thủa – Dân yên cung điện vượng nghìn năm”.

Phía ngoài có phù điêu hai vị quan văn quan võ.  Quan võ đứng bên trái, mặc áo giáp, chân đi hia, tay cầm kiếm, đầu đội mũ trụ màu đỏ. Quan văn đứng phải, đầu đội mũ cánh chuồn, chân đi hia, tay cầm  sách,  khoác áo màu xanh.

Phía trong là 3 cung thờ tự gồm: cung giữa thờ thần Tứ Dương Thành quốc công. Trên xà thượng treo bức đại tự chữ Hán với nội dung “vạn cổ anh linh” nghĩa là “muôn thủa anh linh”. Hai bên cột cái treo đôi câu đối: “Hồng huân tuấn kiệt quang minh thánh – Kim Lũy anh linh dực bảo thần”, tạm dịch là: “Công cao tuấn kiệt sáng ngời như bậc thánh – Anh linh thần bảo vệ dân làng Kim Lũy”. Trên hai cột quân treo đôi câu đối bằng chữ Hán: “Thần chí tôn nhất thành khả cách – Gia đường phụng vạn phúc du đồng”, tạm dịch là: “Thần là bậc cao quý một lòng thành kính có thể thấm được/ Đền thờ phụng muôn phúc cùng đến”. Cung thờ bên phải thờ thần Đông Hải Thái Thú Đại Ngư ông. Cung thờ bên trái thờ thần Bản thổ Quản Đông Bắc Linh quan.

Hiện nay, tại  Diễn Kim còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật cổ có giá trị như: 18 đạo sắc phong, đạo sắc sớm nhất phong vào năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767) và sắc phong muộn nhất vào năm Khải Định thứ 9 (1924). Những sắc phong này đã tồn tại trên 250 năm gắn liền với bao thế hệ người dân Kim Lũy xưa, Diễn Kim nay. Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, song những di vật quý giá này vẫn được Nhân dân và chính quyền địa phương bảo vệ, giữ gìn rất tốt.

po-1699067669.PNG
Đông đảo người dân về dự lễ hội đền Trang.

Sau năm 1945, các kỳ lễ đã không còn được tổ chức để tập trung cho công cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc. Hiện nay, sau khi đền được phục dựng và đưa vào sử dụng năm 2014, Nhân dân xóm  Hoàng  Châu và  các  khu  vực  lân  cận thường đến thắp hương bái thần vào các ngày rằm, mồng Một hàng tháng, rằm tháng Giêng, tháng Bảy và các ngày lễ tết trong năm. Lễ hội được tổ chức trong 2 ngày: 12 – 13/2 âm lịch. Các  hoạt động của phần hội được diễn ra song song với phần lễ thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.

Có thể nói, đền Trang là một di tích có tự xa xưa, các sinh hoạt văn hóa tâm linh gắn với đền Trang mang dấu ấn đặc sắc của một địa phương miền biển Diễn Châu. Việc bảo tồn di tích đền Trang có ý nghĩa to lớn không chỉ có ý nghĩa đối với Nhân dân Diễn Kim, Diễn Châu mà còn góp phần lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần của những cộng đồng ngư dân xứ Nghệ.