Phan Hồng Khánh mang trong mình hai dòng máu: Pháp và Việt. Cha là một người Pháp và mẹ là một người con gái xứ Nghệ. Sau khi Phan sinh ra và chưa kịp làm giấy khai sinh, cha ông đã đột ngột về nước và sau đó không thấy trở về Việt Nam tìm lại gia đình. Từ đó, Phan trải qua một tuổi thơ vất vả, quăng quật phải đi ở chăn bò để nuôi mình, vì sau đó mẹ ông đã đi bước nữa. Học dở phổ thông – Phan tình nguyện đi Thanh niên Xung phong. Ngày trở về Phan vào làm lái xe cho một công ty nhà nước. Sau một thời gian, Phan buộc phải thôi việc vì một lần đụng độ với lãnh đạo. Phan chấp nhận thà ở nhà “để vợ nuôi” còn hơn phải lụy kẻ anh không phục.
Đối với Phan, thi ca như một tôn giáo đặc biệt. Nhiều bạn thơ của ông kể: giữa đám đông bạn bè, Phan thường ngồi im lặng, miệng mủn mỉm cười. Nếu có ai lên tiếng bảo Phan đọc thơ thế nào ông cũng đứng dậy tìm một vài cây hương để thắp. Trong mùi thơm, những câu thơ dường như xa xăm hơn, buồn hơn. Trong đời thực, tôi chỉ được gặp và chứng kiến nghe Phan đọc thơ một lần. Ấy là vào đầu xuân năm 2002, trước khi Phan mất đúng một năm. Tôi lên Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An, thấy Phan (Phan Hồng Khánh cũng sinh hoạt trong Hội) và thi sĩ Thạch Quỳ đang đàm đạo thơ văn cùng vài ba văn nghệ sĩ khác. Thi sĩ Thạch Quỳ yêu cầu Phan đọc bài thơ “Khoảnh khắc thành Chiêm”. Và Phan chầm chậm đọc: Đi trong chầm chậm hoàng hôn/ Chiếc xe bò cổ bánh buồn buồn quay/…/ Vẫn đi chầm chầm chậm đôi bò/ Ông già Chiêm tóc bạc phơ ngủ rồi/ Chỉ còn lại một mình tôi/ Trên xe lúc lắc cùng đôi bò gầy. Phan tâm sự rằng rất tâm đắc với bài thơ này, nhưng vì nhạy cảm nên chưa gửi đăng ở đâu. Hơn hai mươi năm, tôi vẫn nhớ như in đôi mắt buồn của Phan như đang nhìn về một cõi xa xăm. Cái sự in thơ của Phan cũng khác lạ.
Mặc dù làm thơ từ lúc còn khá trẻ, nhưng sinh thời, Phan chưa trình làng thi tập nào, chỉ thấy thơ Phan đăng lẻ tẻ trên một số sách báo Văn nghệ. Câu chuyện sau tôi đã được nghe các bạn văn kể nhiều lần, mỗi lần nghe không sao cầm nổi nước mắt: đắm chìm trong thơ, nhưng cả đời viết chưa một lần Phan cho xuất bản thơ. Mãi về sau, không biết có phải linh cảm được việc mình sắp rời xa thế gian hay không, vào đúng lúc gia cảnh khó khăn, Phan lại nói với vợ mong muốn in một tập thơ làm kỷ niệm. Chị Phúc vợ anh lúc đó nói: “Khi có tiền bảo in không in, giờ khó khăn nhà không còn gì lại ngồi ao ước in thơ. Thôi thì cứ từ từ, nếu tôi chết trước không nói làm gì, nếu anh chết trước, tôi sẽ in thơ rải theo anh”. Và quả nhiên, trong đám tang của thi sĩ, vợ con đã đem thơ Phan rải suốt dọc đường từ nhà ra nghĩa địa. Mãi sau khi Phan mất được hơn mười năm (2014), gia đình và bạn bè mới tập hợp các bài thơ của Phan để in thi tập “Thơ Phan Hồng Khánh” làm kỷ niệm.
Điểm mạnh nhất trong thơ Phạn Hồng Khánh là những vần thơ lục bát nhuần nhuyễn, đầy ắp chất liệu dân gian, ẩn chứa nhiều uẩn khúc đa đoan trong số phận nên dễ đồng cảm với nhiều tầng lớp độc giả. “Những lời người nói” có thể được xem như tiêu biểu phong cách này của thơ Phan: Những lời người nói xa xôi/ Với tôi ngày ấy nào tôi biết gì/ Núi chưa vọng tiếng từ quy/ Sông chưa chảy xiết, bờ thì chưa cao/ Mồng tơi chưa bén dậu rào/ Dâu chưa nên cội, tằm nào đã ươm/ Tiếng cu cườm, tiếng cu cườm/ Gáy chi giục giã sau vườn người ơi/ Cái thời sợi chỉ còn lơi/ Cau chưa nứt bẹ, trầu thời đang xanh/ Ruột bầu chưa nấu làm canh/ Gừng cay muối mặn chưa thành ca dao/ Mận chưa đến tuổi hỏi đào/ Cành hồng chưa gãy lối vào còn sương/ Lòng tôi tơ nhện chưa vương/ Chưa buồn lá rụng bên đường ngày thu/ Như mây trời thích lãng du/ Tôi chưa hay đá Vọng Phu ngóng chồng/ Thế rồi con sáo sang sông/ Để cho câu hát cứa lòng người ơi! “Phan Hồng Khánh mang trong mình hai dòng máu thuộc hai nền văn minh khác nhau (Cha – người Pháp, mẹ – Việt Nam), nhưng thơ anh rất thuần Việt, đậm đà hương vị ca dao, dân ca. Bài thơ lục bát hay nhất của anh: Những lời người nói tiêu biểu cho khuynh hướng sáng tác đó. Cả bài thơ là một chuỗi hoài niệm về thời quá khứ, khi tâm hồn anh còn vô tư, trong sáng lạ thường: Lòng tôi tơ nhện chưa vương/ Chưa buồn lá rụng bên đường ngày thu. Tâm hồn trong sáng ấy được đặt trong một thiên nhiên gần gũi, thân thuộc nhưng cũng rất hoang sơ như thuở khai thiên lập địa: Núi chưa vọng tiếng từ quy/ Sông chưa chảy xiết, bờ thì chưa cao. Tất cả đều chưa đạt tới sự hoàn chỉnh, như chính bản thân cơ thể anh, tâm hồn anh chưa đến tuổi trưởng thành. Nhưng rồi giữa bức tranh thiên nhiên tươi đẹp ấy bỗng xuất hiện một hình ảnh bất thường: Mồng tơi chưa bén dậu rào. Nó như tiếng cu cườm đang giục giã sau vườn, báo hiệu một sự thay đổi trong cuộc đời anh, trong tâm hồn anh.
Từ một cậu bé vô tư, ngây thơ, hồn nhiên, anh bắt đầu băn khoăn đến những sự việc xẩy ra xung quanh mình: Dâu chưa ươm cội, tằm nào đã ươm. Sự quan tâm của anh dù vô tình hay hữu ý, đã bắt đầu hướng về hôn nhân, về tình yêu đôi lứa: Cái thời sợi chỉ còn lơi/ Cau chưa nứt bẹ, trầu thời đương xanh/…/Mận chưa đến tuổi hỏi đào/ Cành hồng chưa gãy lối vào còn sương. Dẫu rằng tâm hồn anh lúc đó như mây trời thích lãng du, dẫu rằng lúc đó anh chưa hay đá Vọng Phu ngóng chồng, nhưng nếu sau này anh không từng đau khổ trước cảnh: Ruột bầu chưa nấu làm canh/ Gừng cay muối mặn chưa thành ca dao thì làm sao anh có thể nhớ về quá khứ ấy với một niềm luyến tiếc đớn đau như thế, làm sao anh có thể viết được những câu thơ lay động lòng người đến thế. Những lời người nói xa xôi/ Với tôi ngày ấy nào tôi biết gì. Giá thời ấy Phan Hồng Khánh nhạy cảm hơn, sớm khôn hơn, hẳn anh đã không phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng: Thế rồi con sáo sang sông/ Để cho câu hát cứa lòng người ơi! Và chúng ta cũng đã không được thưởng thức thi phẩm “Những lời người nói” tuyệt bút của anh, một bài thơ có thể đặt bên cạnh các áng ca dao, dân ca trữ tình ngày xưa”.
Ngoài Những người lời nói, ba thi phẩm Ở độ, Gửi người đi qua cầu đá, Khoảnh khắc thành Chiêm cũng là những áng thơ tuyệt bút của Phan. Trong đó, Ở độ có thể xem như những lời trăng trối đầy tâm huyết của một thi sĩ “tài hoa và bất hạnh” trước khi từ giã cõi trần: Ta ở độ thế gian này chốc lát/ Rồi ra đi không kịp giã từ/ Ngay cả người với ta thân thuộc nhất/ Cũng chắc gì đến kịp cùng ta// Sườn núi lạ vẫn mọc đầy hoa dại/ Dòng sông quen còn thấp thoáng cánh buồm/ Tất cả đấy – vẫn còn nguyên vẹn đấy/ Nhưng chốc rồi – tất cả hóa xa xăm// Như đại ngàn hun hút nhớ lòng thung/ (Qua vạn kỷ sương dày trên lá mục!)/ Cây cổ thụ ai ngờ bật gốc/ Giữa lòng rừng trống một nỗi hoang rêu!// Xa lắc rồi ư bóng dáng ngư tiều/ Lối mòn nhỏ chập chờn trong huyền thoại/ Ôi! Tiếng hát buồn hoang lau sậy/ Phút giã từ càng ám ảnh ta hơn// Có nỗi sợ nào bằng nỗi sợ cô đơn/ Khi thượng đế bắt con người gánh chịu/ Càng tuổi tác ta càng thấu hiểu/ Đêm đại hàn, cái ớn lạnh sống lưng! // Ta già nua lẩn thẩn rồi chăng/ Sao có chuyện Non Côi, Hạc Độc/ Sao đang hát nửa chừng ta lại khóc/ Về cuộc bể dâu biển cải vũng nên đồi …// Ơi cái điều ta linh cảm lớn lao ơi/ Ngày ấy đến… Cái ngày ghê ghớm nhất/ Chén đang uống vỡ ngay trước mặt/ Đàn đang ca bỗng đứt dây đàn // Ôi! Cuộc đời như câu hát xẩm xoan/ Câu hát xẩm xoan có nỗi buồn bóng tối/ Ta đến hát một bài hát mới/ Bên cây nhị truyền đời sẫm bóng mồ hôi/ Giây nhị đang rung…/ Người đã đi rồi! …