Đất cổ của những danh nhân

Diễn Châu xưa thuộc bộ Hoài Hoan từ thời Hùng Vương. Năm 627, danh xưng Diễn Châu chính thức xuất hiện. Năm 1954, trung tâm huyện mới chuyển về ngã ba Diễn Châu. Thị trấn Diễn Châu trung tâm huyện có quốc lộ 1, đường sắt bắc-nam đi qua và đầu mối quốc lộ 7 sang Lào, sát biển có sông Bùng chảy qua…

Từ xưa, trong năm vùng đất học xứ Nghệ: Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Diễn Châu được mệnh danh là đất “phụ tử đồng khoa”, là đất văn chương, khoa bảng. Thời phong kiến, Diễn Châu có 34 vị đỗ đại khoa và hơn 400 vị đỗ trung khoa (hương, cống, cử nhân). Dân gian còn truyền tụng câu đối về sự đỗ đạt của họ Ngô, họ Đặng: “Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa/Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà”. Họ Ngô ở Lý Trai liên tiếp bốn đời đỗ năm tiến sĩ. Họ Đặng ở Nho Lâm ba cha con đỗ đại khoa, hai anh em đỗ đồng khoa. Nhiều dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao như họ Nguyễn Xuân ở Diễn Thái, họ Cao Xuân, Diễn Thịnh, họ Trần Huy ở Diễn Phong… Ngày nay, nhiều người Diễn Châu là GS, TS. Bốn người Diễn Châu được trao giải thưởng Hồ Chí Minh là GS Cao Xuân Huy, nhà văn hóa Cao Huy Đỉnh, GS, TS nông học Phạm Văn Tân và GS Lê Huy Thước. Diễn Châu cũng đóng góp cho nước nhà nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng.

89-1722755599.PNG
Trù phú Diễn Châu. Ảnh: BÁO NGHỆ AN

Quê nghèo thành “làng biệt thự”

Về xã Diễn Tháp, trên trục đường ngắn chưa đầy một km đã thấy những ngôi nhà cao tầng bề thế, hai bên đường xây nhiều biệt thự. Đi vào các xóm thấy không thua kém thành phố. Vào trong nhà, nội thất bàn ghế, giường, tủ, tivi, tủ lạnh… và ô-tô vào loại “xịn”. Theo Chủ tịch UBND xã Đậu Xuân Mạnh, Diễn Tháp xưa ngoài đồng ruộng ít ỏi, người dân còn có nghề đúc đồng nhưng thu nhập không cao, thập kỷ 90, thuộc tốp xã nghèo đói của huyện. Nhiều người phải khăn gói ra Nam Định, Hà Nam, Hải Dương… mua đồ nhôm về rồi chở xe đạp rong ruổi khắp các huyện lân cận trong tỉnh đổi bán. Chủ tịch xã Đậu Xuân Mạnh, những năm 1993-1999 khi đang là cậu học trò cấp I, cấp II, sáng đến trường học, chiều về lại đạp xe lọc cọc chở hàng xoong, nồi nhôm xuống các xã huyện Yên Thành kề cận bán đổi đồng nát, lông gà, lông vịt.

Một thời kỳ, thấy các loại phế liệu khác như sắt, thép, bao bì… có đầu ra, người dân lại đổ xô sang mua bán. Những chiếc xe đạp cà tàng đi hết từ nội huyện rồi đi sang ngoại huyện, người Diễn Tháp làm nghề này ngày một tăng. Việc thu mua phế liệu mở rộng ra khắp cả nước. Diễn Tháp thêm tên gọi mới “làng đồng nát”. Những năm 2000, lân la lên tận các huyện biên giới, thấy phế liệu bên nước bạn Lào nhiều và giá rẻ, nên nhiều người rủ nhau sang. Lúc đầu tập trung theo tuyến quốc lộ 7 qua Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn sang tỉnh Xiêng Khoảng. Khi vùng này cạn phế liệu, người Diễn Tháp lại sang quốc lộ 8, qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) đến các tỉnh Trung, Nam Lào… để thu mua phế liệu và buôn bán nhiều loại hàng hóa khác. Lúc đầu phế liệu vận chuyển về Việt Nam bằng xe đạp, xe máy, sau thay bằng ô-tô. Rồi phế liệu hiếm dần, người Diễn Tháp lại chuyển sang cung cấp theo nhu cầu của người dân Lào các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác. Chủ tịch Mạnh cho biết, nay xã có đến hơn 1.000 lao động, có lúc cao điểm 1.500 người sang Lào làm ăn. Xã hiện có khoảng hơn 60 đại lý chuyên thu gom phế liệu và cung ứng các mặt hàng để đưa sang Lào và khoảng 20 công ty đa ngành nghề của doanh nhân Diễn Tháp đang hoạt động tại Lào có hiệu quả.

Ngoài ở Lào, khoảng 500 con em Diễn Tháp còn có mặt ở các thị trường lao động châu Âu, Mỹ... Hằng năm, ngoại hối gửi về với con số không nhỏ. Nhiều người mang vốn, kinh nghiệm làm ăn ở trời Âu về sản xuất, kinh doanh đa nghề, đa ngành, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Toàn xã, khoảng 60% gia đình có ô-tô và hàng chục ô-tô vận tải hàng hóa. Thu nhập bình quân đầu người vào loại tốp đầu của huyện. Mục tiêu năm 2023, Diễn Tháp sẽ là một trong ba xã đạt danh hiệu nông thôn mới nâng cao.

Xã cận kề là Diễn Hồng cũng không thua kém. Cũng từ những “làng phế liệu” hình thành khu công nghiệp sớm nhất huyện và tỉnh với các cơ sở sản xuất phôi thép, tấm lợp, dây thép gai, gia công một số linh kiện máy móc dân dụng, sản xuất giày dép, may mặc, tái chế một số sản phẩm từ phế liệu... Chủ tịch UBND xã Diễn Hồng Nguyễn Hoàng Trung cho biết: Năm 2022, nhiều khó khăn nhưng nhiều công ty và các cơ sở sản xuất chuyển sang kinh doanh dịch vụ đều làm ăn hiệu quả. Từ một xã thuần nông, đến nay, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống còn 4%, tổng giá trị sản xuất, kinh doanh trong toàn xã đạt gần 1.000 tỷ đồng... Ở nước ngoài, một số công ty lớn của người địa phương hoạt động rất hiệu quả như Công ty chế biến cao-su của ông Phạm Văn Lương, Công ty sản xuất tăm tre của ông Nguyễn Hồng Thắng, ông Mai Sỹ Lương và Công ty TNHH Hồng Phú kinh doanh vật liệu xây dựng tại Lào, ước tính doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Diễn Hồng đã về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.

Về xã Diễn Vạn, một xã nằm trong số các xã bãi ngang thuần nông khó khăn của huyện. Người dân đã mạnh dạn phát triển nghề truyền thống chế biến hải sản, bánh kẹo và đi xuất khẩu lao động... Nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên giàu. Đường làng, ngõ xóm đã được bê-tông hóa, rộng năm, bảy mét cùng những ngôi nhà khang trang san sát như phố. Chủ tịch UBND xã Hoàng Thiên Long chia sẻ: Hiện, Diễn Vạn có ba làng nghề là mộc, mây tre đan, trong đó nổi trội là nghề sản xuất bánh kẹo ở xóm Đông Hà, Xuân Bắc. Trong đó, xưởng bánh kẹo Lực Thanh đã được công nhận sản phẩm OCOP với công suất 10-15 tấn/ngày, doanh thu 1 tỷ đồng/tháng. Diễn Vạn còn có gần 1.000 lao động đang ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ và hàng trăm lao động theo nghề xây dựng, buôn bán hải sản…

Diễn Châu hôm nay luôn đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, phát huy nghề truyền thống. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu Phan Xuân Vinh, một số khu công nghiệp nhỏ đã ra đời như Khu công nghiệp nhỏ Diễn Hồng, Khu công nghiệp Tháp-Hồng-Kỷ, Lộc-họ, Nhà máy may Diễn Phong, Nhà máy bột cá Diễn Hùng, Diễn Ngọc... Cùng với đó, trên địa bàn đã thu hút được một số dự án lớn. Dự kiến giấc mơ nông thôn mới của huyện Diễn Châu sẽ về đích trong đầu năm 2023 này.