Về với Nghệ An là về với cố hương, về nơi chôn nhau cắt rốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già kính yêu của dân tộc. Có về, có sống trong những ánh mắt ấm nồng, những vòng tay siết chặt, mới thấu hiểu hết nỗi nhớ mong quê nhà của một người con xa xứ đi tìm đường cứu nước. Có về, có sống trong những điệu ví câu hò thiết tha lịm ngọt, mới vỡ òa ra rằng, dòng thơ bất tận nơi ngòi bút Bác Hồ là bởi chắt chiu từ nguồn sữa ngọt lành của quê hương. Và dù là lần đầu tiên hay nhiều lần về với Nghệ An, ai cũng thấy thân thuộc như về với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Bởi, với mỗi người dân Việt Nam, Nghệ An đã trở thành quê chung, là “quê của muôn quê” của những con cháu Bác Hồ.
Về với Nghệ An là về với một vùng đất sơn thủy hữu tình để thỏa chí ngao du. Ở đấy có sông Lam “biết khi mô cho cạn” tắm mát một thời trẻ thơ tinh nghịch, để khi đi xa vẫn luôn nhớ về, khổ đau lại càng muốn về. Ở đấy có núi Hồng Lĩnh (đợt cuối chót của dãy núi Pu Lai Leng - Tây Bắc Nghệ An) sừng sững hiên ngang bao bọc lấy quê hương mặc bom đạn kẻ thù. Và ở đấy còn có cả biển Cửa Lò sóng xanh như màu mắt của em để mỗi mùa lễ hội vẫn thu hút hàng ngàn du khách. Bạn bè đến với Cửa Lò vừa để tận hưởng những ngày nghỉ nhẹ nhàng cùng biển, đảo quê hương, vừa để thưởng thức những món ăn đặc sắc và không gian nghệ thuật có một không hai trong mùa lễ hội.
Về với Nghệ An còn là về với những món đặc sản thưởng thức một lần nhớ mãi ngàn sau như nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, cá mát sông Giăng, cháo lươn Vinh, cam xã Đoài… Trong đó, cam xã Đoài (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đã đi vào cả ngòi bút của Phạm Tiến Duật làm lung lay lòng hàng triệu người đọc Việt Nam: “Cam xã Đoài mọng nước/ Giọt vàng như mật ong/ Bổ cam ngoài cửa trước/ Hương bay vào nhà trong”. Thưởng thức cam xã Đoài, chuyện trò cùng người Nghi Lộc và nghe những câu ví dặm xứ Nghệ quê mình mới hiểu hết cái tình níu chân khách và làm dạt dào ngòi bút của những con người quê hương; mới hiểu hết vì sao mỗi nghệ sĩ qua đây đều để lại cho mình một chấm son nghệ thuật với từ truyện, thơ, hò vè cho đến những bản tình ca làm lay động trái tim hàng triệu người dân từ đời này sang đời khác…
Không chỉ có thế, về với Nghệ An là về với những con người chân chất, mộc mạc, lam lũ một nắng hai sương mà vẫn vang danh sử sách, để lại cho con cháu không chỉ những tác phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị tinh thần, những chiến công oai hùng vang danh năm châu bốn bể, mà còn là những cái tên đi vào cả chốn văn hóa tâm linh, làm nên những mùa lễ hội như Lễ hội đền Hồng Sơn (thành phố Vinh), lễ hội đền Ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên), lễ hội Vua Mai (huyện Nam Đàn), lễ hội đền Nguyễn Xí (huyện Nghi Lộc)…
Đặc biệt, lễ hội đền Nguyễn Xí không chỉ là dịp để du khách và nhân dân hội tụ, gặp gỡ, mà còn là dịp để ôn lại lịch sử dân tộc, nhớ về công lao của ngài Thái Sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí - người có công lớn trong việc phế bỏ Nghi Dân, đưa Lê Thánh Tông lên ngôi, mở ra thời kỳ hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam. Ông không chỉ là một vị tướng có công lao to lớn trong phong trào giải phóng dân tộc, mà còn có công lớn trong công cuộc kiến thiết phát triển đất nước ở buổi đầu của thời đại Lê Sơ; trở thành niềm tự hào của những người con quê hương Nghi Lộc khi nhắc về truyền thống lịch sử nước nhà.
Mai này, dù có đi xa, trong tôi vẫn luôn đau đáu nỗi niềm quay về để lại được một lần tắm nước sông Lam, nghe kể chuyện núi Hồng, ăn cam xã Đoài và dự lễ hội đền Nguyễn Xí, để những câu hát “Nếu không có sông Lam/ Núi Hồng buồn biết mấy/ Núi Hồng không đứng đó/ Sông Lam xanh cũng thừa/ Và bao câu đò đưa/ Thả neo vào lịch sử/ Bao buồn vui buồn vui/ Nghĩa tình ơi chan chứa” (Sông Lam - Núi Hồng) không bao giờ ngớt lịm ngọt trên môi…