uu-1722676684.jpg
Câu chuyện về biểu tượng con cá gỗ xứ Nghệ vẫn còn là đề tài bàn luận mãi không thôi. Ảnh: T.L

Từ tranh cãi với tour du lịch “Làng cá gỗ”...

Cuối năm 2023, Hiệp hội Du lịch và Công ty du lịch bền vững Việt Nam đã phối hợp tổ chức khai trương tour du lịch “Làng cá gỗ – sau ánh hào quang” tại xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Theo ban tổ chức, đến với cụm di tích đầu làng, khởi đầu là câu chuyện con cá gỗ quen thuộc với người dân xứ Nghệ, du khách sẽ hiểu thêm câu chuyện qua hoạt cảnh “Ông đồ Nghệ và con cá gỗ”.

Việc đưa con cá gỗ trong truyện dân gian trở thành sản phẩm du lịch tại làng khoa bảng Quỳnh Đôi xuất phát từ cách hiểu về ý nghĩa con cá gỗ. Từ lâu, nhiều người cho rằng cá gỗ là biểu tượng của phẩm chất tiết kiệm, ý chí vượt khó để học thành tài của ông đồ xứ Nghệ. Xứ Nghệ là vùng nổi tiếng hiếu học và con cá gỗ là hình tượng tiêu biểu cho phẩm tính đáng tự hào đó của người dân nơi đây từ bao năm qua.

uy-1722676706.jpg
Hình tượng cá gỗ trang trí tại làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) trong dịp khai trương tour du lịch “Làng cá gỗ – sau ánh hào quang”. Ảnh: Hồ Nhật Thanh

Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến phản bác quan điểm nói trên đến từ các chuyên gia nghiên cứu văn hóa. Trong một bài khảo cứu công bố năm 2009, PGS.TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã công bố bản gốc của chuyện con cá gỗ Nghệ An. Cụ thể, chuyện được nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao sưu tầm trong cuốn Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 1994, tập 3:

“Một thầy đồ Nghệ lên đường ra Bắc tìm nơi dạy học. Lên đường thầy mang theo con cá gỗ. Thầy đã mất công nhiều ngày đêm để tạc con cá gỗ y như cá thật. Thầy chỉ giắt trong lưng quần quan tiền để đi đường uống nước. Đến buổi ăn, thầy vào quán bên đàng để ngồi nhờ xin bà hàng chút nước mắm để ăn cơm nắm. Thầy tìm chỗ khuất, ngồi ăn. Cá gỗ được chạm vẽ tinh vi, lại phết qua lớp sơn mỏng, bỏ vào bát nước mắm, ai trông thấy, óng ánh như cá rán mỡ: đẹp mắt và ngon miệng. Cơm ăn hết, nước mắm vơi, thầy lấy con cá chùi sạch cẩn thận, gói giấy lại, bỏ vào túi, rồi xin chút nước tráng miệng.

Đến giờ ăn khác, thầy lại vào hàng, nói với nhà hàng để lại cho bát gạo và thổi hộ niêu cơm. Cơm chín, cá gỗ lại được bày ra và thầy lại xin chút nước mắm. Cứ thế, cho đến nơi dạy học. Cuối năm, khi về nhà, “cá gỗ” vẫn nguyên cá, và quan tiền dắt theo vẫn “nguyên quan” vì có ai nỡ lấy tiền thầy, khi thầy xin chút nước tráng miệng".

Nhà nghiên cứu Phạm Lan Oanh khẳng định: “Trên cơ sở khảo sát văn bản truyện cười dân gian Việt Nam, chúng tôi thấy rằng nhân vật đáng cười trong loại truyện nêu trên thuộc nhân vật keo kiệt bủn xỉn, hà tặn hà tiện, tiết kiệm quá đáng dẫn đến tình huống gây cười ở dạng châm biếm thói keo kiệt”.

Theo PGS.TS Phạm Lan Oanh, trong số 20 câu chuyện về cá gỗ sưu tầm được từ cổ chí kim trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, nhân vật ông đồ Nghệ chỉ xuất hiện duy nhất tại bản do tác giả Ninh Viết Giao sưu tầm, không thể đại diện cho toàn bộ các ông đồ Nghệ, tức là mở rộng ra toàn thể dân Nghệ An, Hà Tĩnh.

Nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường (Nghệ An) cũng khẳng định: “Cá gỗ chỉ là câu chuyện tiếu lâm, bởi chưa có bất kì một sinh đồ người Nghệ nào đẽo ra 1 con cá gỗ và làm những việc như trên. Đây chỉ là cái mà người xứ khác bịa ra để đùa người Nghệ về tính keo kiệt. Câu chuyện này không có trong các tài liệu Hán Nôm liên quan, đến nay cũng chưa có ai sưu tầm được con cá gỗ cổ nào cả”. Từ đó, nhà nghiên cứu này cho rằng việc xây dựng sản phẩm du lịch gắn với câu chuyện cá gỗ ở một địa chỉ cụ thể như làng Quỳnh Đôi là không đúng.

... đến việc đi tìm tính cách Nghệ

Câu chuyện cá gỗ gắn liền với khát vọng tìm kiếm và khái quát, khẳng định về tính cách người xứ Nghệ. Nhiều người vẫn mong muốn tìm kiếm một hình tượng tiêu biểu cho phẩm chất hiếu học của người dân nơi đây, do đó câu chuyện con cá gỗ được chú ý và nhắc đến nhiều lần, mặc dù đây là một câu chuyện còn nhiều tranh cãi.

Hàng trăm năm qua, đã có nhiều ý kiến đánh giá về tính cách của người Nghệ được sử sách lưu truyền. Sách “Đại Nam nhất thống chí” nhận xét về người Nghệ: “Học trò chuộng khí tiết, phần nhiều phóng khoáng, dốc chí học hành, văn chương kiệt xuất, không thích hoa mỹ... Vì đất xấu dân nghèo nên bản tính mộc mạc, luôn chăm chỉ, đôn hậu, vốn trọng uy danh, dạy việc công nghĩa. Người ở Hoan Châu tài giỏi, ham học, những điều trông thấy đều được truyền lại”.

Hoàng đế Minh Mạng cũng từng nhận xét về người Nghệ: “Học trò người Nghệ An là khí khái, hào mại, trừ Phú Xuân và Gia Định ra thôi không đâu bằng”. Nhà Nghệ An học thế kỷ 19 là Bùi Dương Lịch, trong tác phẩm Nghệ An ký, có nhận xét về người làm quan gốc Nghệ An “lấy danh tiết làm trọng... Kẻ sĩ phu chưa được hiển đạt, cũng đều lấy sự luồn lọt nhờ vả cửa quyền góp lượm của cải làm điều hổ thẹn".

Đã có rất nhiều bài viết, ý kiến, các cuộc tranh luận, thảo luận, hội thảo...về tính cách Nghệ. Vào tháng 9.2020, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học “Tính cách người Nghệ và sự biến đổi của những nét tính cách nổi trội trong điều kiện hiện nay”, với sự tham gia của đông đảo chính khách, học giả trong nước.

87-1722676733.jpg
Hội thảo khoa học “Tính cách người Nghệ và sự biến đổi của những nét tính cách nổi trội trong điều kiện hiện nay” tổ chức vào tháng 9.2020. Ảnh: Hải Đăng

Báo cáo đề dẫn hội thảo khẳng định xứ Nghệ luôn luôn được xác định là một tiểu vùng văn hóa độc đáo của Việt Nam. Trong đó, nổi bật là con người Nghệ với những phẩm chất và tính cách nổi trội, độc đáo. Những giá trị, tính cách, phẩm chất nổi trội của người Nghệ có thể kể đến gồm: cần kiệm, trung dũng, khẳng khái, quyết liệt, tư duy phản biện, yêu nước, hiếu học, nhân ái...

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra những biến đổi trong tính cách người Nghệ cả tích cực lẫn tiêu cực. Cụ thể: Người Nghệ đã có ý thức về liên kết trong ngoài mạnh mẽ hơn, đã bớt đi sự bảo thủ, co cụm; vẫn giữ được tinh thần chịu khó nhưng không chịu khổ nữa; tư duy phản biện vẫn đậm đặc nhưng “bệnh sỹ” và “tính gàn” đã giảm đi; linh hoạt hơn và đề cao khả năng thích ứng, tinh thần sáng tạo.

Bên cạnh đó, vẫn còn những điều trong tính cách Nghệ chưa thích ứng trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đã có giai đoạn các doanh nghiệp trong nước từ chối tuyển dụng người Nghệ, thậm chí ngay cả đi xuất khẩu lao động, một số công ty nước ngoài cũng không mặn mà với lao động Nghệ.

Không chỉ đối với xứ Nghệ, mà đối với xứ Thanh, xứ Quảng, vùng Nam Bộ..., nhiều người vẫn muốn đi tìm kiếm những nét đặc trưng, tiêu biểu, để khái quát thành tính cách vùng miền.

Tuy nhiên, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực, việc khái quát tính cách vùng miền chưa bao giờ thành công. Bởi vì những nhận xét, khái quát về tính cách người dân vùng miền đều dựa trên cảm nhận cá nhân, có tính chất cá biệt, cảm tính; không có căn cứ kết quả nghiên cứu, khảo sát, điều tra xã hội học một cách bài bản. Khái quát một vài nét tính cách cho hàng triệu người ở một thời điểm đã là bất khả thi, lại kéo dài hàng trăm năm, trải qua rất nhiều biến cố thì càng không có cơ sở. Đó là chưa nói đến tính cách con người là một thực tế động, luôn luôn thay đổi chứ không nhất thành bất biến.

Một cá nhân đã thế, hàng triệu cá nhân thì sự thay đổi đó càng trở nên vô cùng phức tạp. Do đó, trong văn bản thông báo kết luận hội thảo nói trên, UBND tỉnh Nghệ An đã khẳng định "Chưa đủ căn cứ lý luận và thực tiễn để kết luận tính đặc trưng của người Nghệ”.

Mặc dù vậy, câu chuyện về tính cách Nghệ nói riêng và tính cách vùng miền nói chung không bao giờ kết thúc trong đời sống thực tế. Người ta vẫn tiếp tục tìm tòi, đúc kết, tranh cãi. Mặt tích cực của câu chuyện này là ý thức tự hào và giữ gìn những phẩm chất tốt đẹp truyền thống, khắc phục những mặt hạn chế trong tính cách để không ngừng hoàn thiện bản thân, không làm “xấu mặt” và cố gắng làm rạng danh quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mỗi người.