Công khai 3 đơn vị chưa thực hiện giải ngân (0%)
Ngày 19/8, thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An, đơn vị vừa có Công văn số 6893/UBND-KT về việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Tính đến ngày 31/7/2024, tổng kế hoạch đầu tư công của tỉnh mới giải ngân hơn 2.000 tỷ đồng, đạt 39,77%. Trong đó, kế hoạch năm 2024 giải ngân 1.938,674 tỷ đồng, đạt 41,88%; kế hoạch kéo dài giải ngân 157,438 tỷ đồng, đạt 24,52%.
Nguồn vốn còn lại chưa giải ngân là hơn 3.100 tỷ đồng, trong đó: nguồn đầu tư công tập trung còn hơn 1.800 tỷ đồng (kế hoạch năm 2024: hơn 1.700 tỷ đồng, kế hoạch năm 2023 kéo dài: hơn 87,5 tỷ đồng); nguồn chương trình mục tiêu quốc gia còn hơn 1.300 tỷ đồng (kế hoạch năm 2024: 942 tỷ đồng, kế hoạch kéo dài: 397,1 tỷ đồng).
Trong đó, các đơn vị đến ngày 31/7/2024 chưa thực hiện giải ngân (0%) gồm: Trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An (24,1 tỷ đồng), Trường cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (hơn 10 tỷ đồng), Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Phúc Sơn (2,9 tỷ đồng).
Có 16 đơn vị với tổng 20 dự án nguồn đầu tư công tập trung chưa thực hiện giải ngân. Trong đó, Con Cuông, Quỳnh Lưu và sở Y tế (còn 2 dự án); còn 14 đơn vị còn 1 dự án. Ngoài ra, còn 7 đơn vị với 177 dự án thuộc nguồn chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân.
Đơn cử dự án xây dựng cầu Thanh Nam qua sông Lam tại huyện Con Cuông, kết nối thị trấn với vùng tả ngạn sông Lam.
Dự án có tổng mức đầu tư lên đến gần 166 tỷ đồng (trong đó 126 tỷ đồng là phần xây lắp). Công trình được thiết kế là cầu vĩnh cửu bằng kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài cầu 412m, đường hai đầu cầu có tổng chiều dài 1,78km.
Dự án này do UBND huyện Con Cuông làm chủ đầu tư. Thời gian thi công từ tháng 9/2021 và theo kế hoạch đến tháng 9/2023 đưa vào sử dụng. Do vướng mặt bằng nên dự án này đã phải gia hạn đến ngày 30/4/2024 hoàn thành, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa giải phóng được mặt bằng để thi công hạng mục còn lại.
Ông Lô Văn Thao, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết thêm, huyện đang tiếp tục vận động, đối thoại với các hộ dân trên nhận tiền hỗ trợ đền bù, để di dời đến nơi tái định cư, trả lại mặt bằng cho dự án cầu thi công xong trong tháng 8/2024.
Phấn đấu mục tiêu giải ngân đạt 95%-100%
Theo công văn của UBND tỉnh Nghệ An, có nhiều địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân đầu tư công chưa cao, trong đó nhiều huyện còn hàng trăm tỷ đồng chưa giải ngân.
Các chủ đầu tư ngoài huyện: Sở Giao thông vận tải (670,4 tỷ đồng), ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (356,8 tỷ đồng), sở Lao động - Thương binh và Xã hội (59,2 tỷ đồng), sở Y tế (47,3 tỷ đồng), bệnh viện Sản Nhi Nghệ An (41,6 tỷ đồng).
Điều đáng nói, các đơn vị có các dự án đã hoàn thành các hồ sơ thủ tục, không có vướng mắc nhưng tiến độ giải ngân vẫn còn chậm, bao gồm 3 dự án ngân sách trung ương với số vốn chưa giải ngân 69,56 tỷ đồng và 28 dự án ngân sách địa phương với số vốn chưa giải ngân 260,6 tỷ đồng.
Trong đó UBND huyện Anh Sơn 3 (dự án), Diễn Châu, Kỳ Sơn (2 dự án), Quỳ Hợp, Nam Đàn, Tân Kỳ, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, Công an tỉnh Nghệ An, công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Nghệ An (1 dự án)...
Trước sự chậm trễ trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các ban quản lý dự án và các chủ đầu tư có dự án chưa thực hiện giải ngân hoặc có số vốn còn lại chưa giải ngân lớn cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thủ tục, thực hiện các giải pháp cần thiết.
Trong đó huy động nhân lực, tăng ca, tập trung nhiều mũi thi công... để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm giải ngân hết chỉ tiêu kế hoạch được giao. UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nêu trên khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện.
Tổng số vốn đầu tư công năm 2024 mà tỉnh Nghệ An được Chính phủ giao là 9.076,67 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương chiếm 2.916,069 tỷ đồng, bao gồm vốn trong nước là 1.388,88 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 37,97 tỷ đồng. Nguồn ngân sách tỉnh chiếm phần còn lại với 6.160,601 tỷ đồng.