Về dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh uỷ. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; Phan Đức Đồng- Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Vinh; đại diện các Sở, ban, ngành và đông đảo du khách thập phương.
Ngược dòng lịch sử, cách đây 235 năm, vào tháng 10 năm 1788, Lê Chiêu Thống cầu viện triều đình Mãn Thanh nhằm lật đổ nhà Tây Sơn. Lợi dụng cơ hội ấy, triều đình nhà Thanh cử quân sang với mục đích xâm chiếm Đại Việt. Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị của nhà Thanh chỉ huy 29 vạn quân, chia thành 3 hướng tiến đánh nước ta.
Trước thế sự cấp bách thù trong giặc ngoài, vào ngày 25/11/1788, Nguyễn Huệ đã làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân, hiệu là Quang Trung và tiến quân ra Bắc. Ông đưa ra lời dụ thể hiện ý chí độc lập tự chủ cao độ và tinh thần quyết tâm tiêu diệt địch: “Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Với nghệ thuật chuyển quân thần tốc và nghệ thuật tác chiến, chiến lược kỹ càng, trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), Hoàng đế Quang Trung ngự trên lưng voi, tiến vào kinh thành Thăng Long cùng đại quân của mình. Nhân dân mừng vui khôn xiết. Với thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta đã đập tan âm mưu xâm lược của quân Thanh, giữ vững nền độc lập dân tộc.
Sau khi đại thắng quân Thanh giải phóng Thăng Long, Hoàng đế Quang Trung đã thực hiện canh tân xây dựng đất nước, giao thiệp với nhà Thanh bằng nhiều chính sách bang giao khéo léo để tránh được việc binh đao, chăm lo xây dựng đất nước hòa bình, củng cố chính quyền và tăng cường lực lượng quốc phòng để bảo vệ đất nước.
Cũng trong thời gian này, Hoàng đế Quang Trung đã chọn vùng đất Yên Trường và Vĩnh Yên, nơi có Núi Dũng Quyết và Miêu Sơn (nay thuộc phường Trung Đô, thành phố Vinh, Nghệ An) để xây dựng kinh đô gọi là Phượng Hoàng Trung Đô.
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789 là một trong những chiến công hiển hách bậc nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Với tầm vóc và ý nghĩa to lớn đó, Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được nhân dân trân trọng ghi nhớ và trở thành lễ hội truyền thống hàng năm vào ngày 5 tháng Giêng âm lịch.
Tại đền Quang Trung, phường Trung Đô, thành Phố Vinh, hàng năm chính quyền và Nhân dân thành phố đều long trọng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa nhằm tri ân công lao của vua Quang Trung cùng các tướng lĩnh của ông trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm thống nhất đất nước và ôn lại truyền thống hào hùng cùng ý nghĩa lịch sử to lớn của Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, đồng thời biểu thị cao độ tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, yêu tự do, độc lập từ ngàn đời của người dân đất Việt.
Trong không khí vui tươi phấn khởi của mùa Xuân mới,tại Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, các đại biểu tham dự đã thực hiện nghi thức Khai bút đầu Xuân với ý nghĩa nêu cao tinh thần khuyến học, khuyến tài và tham dự các hoạt động thi đấu thể thao truyền thống chào mừng Lễ kỷ niệm.