u-1707631087.jpg
Chơi hoa ngày Tết

1. Cúng ông Công, ông Táo: Theo quan niệm truyền thống của người Việt, hàng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) là ngày mà ông Táo, ông Công lên thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng mọi việc trong gia đình nhà chủ một năm qua. Vì vậy, vào ngày này, nhà bếp thường được dọn dẹp sạch sẽ và người trong gia đình làm một mâm cơm cúng ông Công, ông Táo để tiễn ông về chầu trời, trong nghi lễ này thường có mũ, áo mã bằng giấy và một hoặc ba con cá chép vàng được thả trong một chậu nước để ông Táo cưỡi về trời...

Theo quan niệm của cha ông ta thì ông Táo chính là người đại diện cho sự ấm no, hạnh phúc của một gia đình, gia đình ấy có sung túc, no ấm, hạnh phúc hay không là phụ thuộc vào bữa cơm gia đình. Vì vậy, việc cúng ông Táo, ông Công trong ngày Tết cũng chính là hình ảnh biểu tượng cho sự êm ấm, hạnh phúc của một gia đình, mong muốn sang năm mới sẽ càng hòa thuận hạnh phúc hơn.

uu-1707631125.jpg
Chơi hoa ngày Tết

2. Đi thăm mộ Tổ tiên: Trong thời gian từ ngày 23 đến 30 tháng Chạp hàng năm, con cháu trong gia đình chọn một ngày để đi thăm và quét dọn phần mộ Tổ tiên. Trong ngày đó, gia đình thường mang hương, hoa quả đến cúng và mời vong linh Tổ tiên về nhà ăn Tết với gia đình. Đây là một phong tục phổ biến của tất cả người Việt Nam, thể hiện lòng hiếu đạo, sự thành kính đối với đấng sinh thành và những người đã mất, đây cũng chính là thể hiện tình cảm “uống nước nhớ nguồn”, một đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam.

3. Dọn nhà: Vào những ngày giáp Tết, người Việt thường có thói quen dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, vứt bỏ những đồ cũ không dùng đến, sắm sửa những cái mới với ý nghĩa mong muốn một năm mới tất cả những điều không tốt của năm cũ đều được xóa bỏ, đón chào những cái mới, những cái may mắn trong năm sắp đến.

4. Gói bánh chưng, bánh tét: Hàng năm cứ vào khoảng 27, 28 hoặc 29 Tết, các thành viên trong gia đình đều ngồi quây quần bên nhau gói bánh chưng, bánh tét, các gia đình ở miền Bắc thường gói bánh chưng hình vuông, còn ở miền Nam gói bánh tét hình trụ, tuy hình dáng của bánh khác nhau nhưng nguyên liệu để gói bánh thì hoàn toàn giống nhau, trong đó nếp là nguyên liệu chính.

5. Chơi hoa ngày Tết: Trong những ngày Tết, mỗi gia đình không thể thiếu hoa. Các gia đình ở miền Bắc thường chọn cây đào hoặc cây quất để trang trí trong nhà, họ quan niệm rằng hoa đào màu đỏ là tượng trưng cho sự may mắn, còn cây quất có nhiều quả thì sẽ càng nhận được nhiều lộc trong năm mới. Còn miền Trung và miền Nam thường chọn cành mai vàng tượng trưng cho sự cao sang, là biểu tượng cho sự phát triển, thăng tiến. Tuy mỗi miền chọn màu sắc hoa khác nhau nhưng nét chung đều tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng, giàu có của gia đình.

6.  Đi chợ Tết: Khác với chợ ngày thường, chợ Tết bao giờ cũng nhộn nhịp, tấp nập, đông vui hơn hẳn. Người đi chợ Tết không chỉ để mua sắm những đồ dùng, thực phẩm thiết yếu trong ngày mà còn để gặp mặt nhau, trò chuyện vui vẻ, tận hưởng cái không khí ngày giáp Tết.

7. Bày mâm ngũ quả: Trong những ngày Tết, mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu được trên bàn thờ Tổ tiên. Tùy theo vùng miền mà có những loại quả khác nhau, nhưng trên bàn thờ Tổ tiên lúc nào cũng phải đầy đủ ngũ quả với mong muốn cầu cho một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý; cầu mong một năm mới sẽ đầy đủ, sung túc hơn.

8. Làm lễ cúng Tổ tiên: Theo phong tục của người Việt Nam, trong mỗi gia đình đều có bàn thờ Tổ tiên; cuối năm, mỗi gia đình đều lau dọn bàn thờ để chuẩn bị đón Tết. Đến chiều 30 Tết, thức ăn và trái cây được xếp lên bàn thờ dâng lên Tổ tiên. Đây cũng chính là việc làm thể hiện giá trị nhân văn, đạo đức, lối sống của người Việt, nhắc nhở con cháu phải biết giữ gìn đạo lý của gia đình “uống nước nhớ nguồn”.

9. Đón giao thừa: Đây là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là thời khắc thiêng liêng đất trời giao hòa. Việc đón giao thừa được diễn ra vào thời khắc cuối cùng của năm cũ, bởi vậy việc này còn có ý nghĩa là đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới.

10. Hái lộc: Vào đúng thời khắc đêm giao thừa hoặc vào buổi sáng mùng 1 Tết, người Việt thường có thói quen đi hái lộc đầu năm mới với mong muốn rước lộc về nhà, để đón một năm mới thật nhiều may mắn, mùa màng bội thu...

11. Xông đất đầu năm: Vào thời điểm giao thừa kết thúc, bước sang một năm mới thì gia chủ thường chọn người đầu tiên bước vào nhà mình trong năm mới, đó phải là người họp tuổi với gia chủ, là người có gia đình hạnh phúc, hiền lành, bao dung, đức độ, làm ăn phát đạt. Sở dĩ phải chọn người xông đất như vậy là để gia chủ mong muốn một năm mới mọi điều đều tốt đẹp, thuận lợi.

12. Xuất hành: Vào ngày mùng 1 Tết, mọi người thường chọn giờ, chọn hướng để lần đầu tiên ra khỏi nhà trong năm mới với mong muốn bước sang một năm mới tất cả đều thuận lợi, cả năm gặp điều tốt lành, may mắn...

13. Chúc Tết và lì xì đầu năm: Nét văn hóa này đã có từ thời xa xưa, việc chúc Tết không chỉ là truyền thống mà còn là một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết. Ngày mồng một Tết, mọi người trong gia đình thường cùng nhau đi chúc Tết bên nhà nội, nhà ngoại, rồi chúc Tết bà con, họ hàng... Tiền mừng tuổi (lì xì) ít hay nhiều không quan trọng mà ý nghĩa của nét văn hóa ấy là tượng trưng cho tài lộc, cho sự may mắn của cả người cho lẫn người nhận.

14. Đi lễ chùa đầu năm: Đây được coi là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam, đầu năm mọi người thường đi chùa với mong muốn cầu cho một năm mới may mắn, bình an, hạnh phúc. Đi lễ chùa đầu năm còn tạo cho bản thân mình thanh tịnh hơn, gọt rửa những điều cũ để bắt đầu một năm mới với những điều may mắn, tốt đẹp.

15. Xin chữ đầu năm: Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân, năm mới, mọi người lại rủ nhau đi xin chữ đầu xuân để về treo trong nhà với mong muốn cầu cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình, người thân của mình. Từng nét chữ hiện ra, may mắn càng đong đầy hơn, cả người cho chữ và người xin chữ đều nhận được lộc đầu hăm, mỗi người xin một chữ khác nhau với những mong muốn khác nhau, nhưng tất cả đều mong một năm mới mọi sự đều tốt lành, gia đình, con cái hòa thuận, êm ấm, hạnh phúc, đạt được thành công trong cuộc sống, trong sự nghiệp.

Ngày nay, việc xin chữ ngày càng phổ biến, nó trở thành một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt khi Tết đến, xuân về./.