Có thể nói, múa Rồng là một trò trình diễn kết hợp tài khéo (xũ) và sức mạnh (võ) phổ biến trong cư dân ở vùng Đông Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Rồng trong múa rồng vải là vật linh. Đó là loài rắn có chân, vảy ngũ sắc, đầu lạc đà, sừng nai, mắt quỷ, tai bò, cổ rắn, chân cọp, móng chim ưng, bụng cá sấu. Trong những màn múa Rồng luôn phải có “trái châu”. Dùng một thanh sắt uốn cong hình bán nguyệt, đường kính độ 20 - 22cm, giữa gắn một cây trục để xỏ qua trái cầu đan bằng dây kẽm, bọc vải đỏ. Trái châu này có thể quay tròn quanh trục. Phía dưới trái châu phải gắn bốn lá đồng (hay lục lạc) để tạo âm thanh. Đặc điểm chính yếu của múa Rồng là “hồng châu dẫn lộ” (người cầm trái châu dẫn đường); còn rồng múa thì “lắc đầu vẫy đuôi”, lúc thành hàng chiếc, lúc thành hàng đôi: số lẻ thành hàng, số chẵn thành đôi, trên nhảy dưới lòn, tả xung hữu đột… theo cấu đồ bài bản mà biến hóa đội hình linh hoạt, nhanh lẹ mà nhịp nhàng tạo nên các điệu thức hoàn mỹ.

k-1707371300.jpg
 

Múa Rồng là tài nghệ tập thể của vũ công làm cho con rồng chuyển động trong âm thanh, tiết tấu, trên những đội hình phong phú, với những động tác đa dạng nhằm thể hiện một đề tài nào đó. Đòi hỏi phải có nhiều người tập rất công phu để thể hiện được các động tác đồng bộ khi rồng uốn khúc, rồng phóng tới, rồng đảo lại. Múa Rồng cần ít nhất 6 người, hoặc nhiều cũng đến 20-30 người cùng điều khiển con rồng phô diễn thần oai. Trong một lần về với vùng đất Tổ Hùng Vương, chúng tôi đã vô cùng thích thú khi được chứng kiến điệu múa Rồng Rắn diễn ra ở ba thôn Thượng, Trung, Hạ ở xã Thạch Hà (Phong Châu). Vâng, tại đây, cứ vào ngày 10/10 âm lịch hằng năm, người dân ba thôn này lại rước kiệu tập trung về sân đình. Và điệu múa Rồng Rắn được diễn ra quanh ba kiệu đó. Đội múa gồm có 5 cô gái mặc áo và đội khăn khác nhau. Riêng cô gái đi đầu luôn mặc áo vàng. Cô gái đi đầu đưa tay trái về phía trước làm đầu Rồng, còn tay phải thì múa. Các cô đi sau, một tay níu thắt lưng người phía trước, một tay múa. Còn cô gái đi sau cùng, tay kia níu thắt lưng người kế mình, tay còn lại vòng ra phía sau làm đuôi Rồng. Cứ thế, con Rồng Rắn uốn lượn quanh kiệu, múa đi múa lại nhiều vòng. Điệu múa này hao hao với trò chơi Rồng Rắn gắn với bài đồng dao “Rồng rắn lên mây/ Có cây lúc lắc/ Hỏi thăm thầy thuốc/ Có nhà hay không?...”. Sau múa Rồng Rắn, một cô gái ra múa cây bông (khúc tre vót xơ, tua ra ở vài ba đốt; tượng hình sinh thực khí) và tung ra cho mọi người cướp lấy may. Điệu múa Rồng Rắn gắn với trò múa cây bông đã chỉ ra đây là một tổ hợp múa nghi lễ phồn thực - một dạng cổ sơ của tín ngưỡng nông nghiệp mà sau này gọi là cầu cho “mưa thuận, gió hòa”, “người yên, vật thịnh”.

Đến với múa Rồng, chúng ta sẽ được chứng kiến rất nhiều loại hình thể hiện. Nào là múa biểu diễn, múa diễu hành, múa chào mừng, múa phối hợp, múa sân khấu hóa v.v… Trong các lễ hội xưa và nay, màn múa đầu tiên mà ta được thưởng ngoạn là màn múa biểu diễn. Lối múa này cần một sân bãi rộng tối thiểu 30m x 30m cho một đoàn rồng dài 30 mét. Đoàn rồng múa ở giữa, khán giả đứng xem xung quanh. Các điệu múa lần lượt được biểu diễn với kĩ thuật cao, tốc độ nhanh và có nhiều đoạn múa cao trào. Với lối múa này Rồng được biểu diễn nhiều điệu múa khác nhau không theo một kịch bản nhất định nên Huấn luyện viên Đoàn Rồng phải chỉ đạo trực tiếp cho người múa đầu rồng và dàn gõ gồm trống, chiêng, xõa. Còn lối múa diễu hành thường diễn ra trong các đêm đón Giao thừa của Tết Nguyễn đán, đêm rằm Trung thu hay các lễ hội khác. Rồng vừa múa vừa diễu hành qua các con phố, đường làng với ánh sáng mờ ảo lung linh của đèn lồng hay ánh đuốc lập lòe. Trong một không gian kì bí như thế, hình tượng con rồng như sống động và kì thú hơn. Ngoài múa biểu diễn,múa diễu hành còn có lối múa chào mừng. Đây là lối múa có nhiều điệu “tưng bừng”, “sôi nổi” tạo thành những điểm nhấn xen kẻ với những điệu múa lượn lờ, dính dắc. Tuy nhiên, lối múa gây nên sự hưng phấn đặc biệt nhất là lối múa phối hợp. Múa Rồng phối hợp với ca, múa, nhạc, xiếc. Rồng múa phối hợp với lân, sư. Màn múa phối hợp Lân - Sư - Rồng luôn là tâm điểm chú ý của mọi người. Bởi đây là ba con thú tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc, hanh thông... Múa Lân - Sư - Rồng không những là nghệ thuật trong dân gian mà còn là sự tranh tài với nhau giữa các đội múa. Tùy theo không gian rộng hay hẹp, tùy theo ý nghĩa của dịp lễ hội, đội Lân - Sư - Rồng biểu diễn từng bài, từng cách múa cho phù hợp. Trong múa Lân - Sư - Rồng, không thể thiếu Ông Địa. Ông Địa được cho là hiện thân của Đức Di Lặc, một vị Phật lúc nào cũng tươi vui hiền lành. Đức Di Lặc hóa thân thành người, hàng phục quái thú để quái thú trở thành thú lành, cái ác trở thành cái thiện…

Một loài thiêng vốn vẫy vùng trong sông nước mà có quyền năng biến hóa giữa không trung làm ra sấm chớp, mây mưa bão tố. Một loài thiêng đã đi vào thế giới tâm linh của người Việt mang đến những khát vọng vô cùng của con người về mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân cư sinh sôi đông đúc, sống bình an không tai ương bão lũ, không thủy quái, tà ma… Có phải với ý nghĩa vậy chăng mà hình tượng con Rồng nói chung và những điệu Múa Rồng nói riêng luôn có sức sống mãnh liệt neo đậu trong lòng mỗi một người con dân đất Việt.