Mỗi dịp Tết đến Xuân về, ngoài cái hối hả ngược xuôi chuẩn bị cho 3 ngày sum họp thì thứ người ta trân quý, không thể quên chính là mùi hương của Tết. Mùi của Tết là mùi của hoa mai, hoa đào, hoa quất, bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Mùi của Tết còn là mùi của thứ cây thân thảo đun lên tỏa hương thơm ngát trong mỗi nếp nhà. Những ngày cuối năm ai cũng bận rộn, nhưng dù bận đến mấy, rất nhiều gia đình không quên mua nắm lá mùi tắm chiều 30 Tết. Nồi nước mùi già ngày Tết gợi nhắc chúng ta về sự sum họp gia đình, về những kí ức tốt đẹp, như chất keo gắn bó mỗi người gần nhau hơn giữa những thăng trầm của cuộc sống hiện đại.
Chợ ngày Tết, giữa bạt ngàn những loại hoa, rau củ quả, thịt thà, dưa hành,… là những chiếc xe đạp của các bà, các cô chở những bó mùi già đi bán. Người đi chợ ai cũng nhanh tay mua một vài nắm, cả người bán lẫn người mua đều vui vẻ, không mặc cả, không thêm bớt.
Phiên chợ ngày giáp Tết, bên cạnh cây quất, cành mai, thịt lợn, bánh chưng là các bà, các cô cần mẫn chở những bó mùi già tỏa hương thơm ngát để phục vụ nhu cầu, thói quen của người dân mỗi dịp Tết về. Mùi Tết là mùi của Tết, mùi của chiều 30.
Ngày Tết, mọi người thường trao cho trẻ con món tiền nhỏ để cầu may, gọi là lì xì, nhưng ít ai biết hai chữ “lì xì” nghĩa là gì?
Mừng tuổi, hay lì xì là một tục lệ trong dịp Tết Nguyên đán ở các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam. Người ta đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ màu sắc rực rỡ để mừng tuổi trẻ em. Tục lệ này xuất hiện từ thời xa xưa, và có nhiều câu chuyện về sự ra đời của nó.
Tương truyền, ở Đông Hải có rất nhiều yêu quái nhăm nhe gây hại cho người dân. Ngày thường, chúng luôn bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ. Tuy nhiên, hàng năm các vị thần tiên đều phải về trời vào thời điểm Giao thừa. Lúc này, yêu quái lộng hành, xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến chúng giật mình khóc thét lên. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng.
Một lần, 8 vị tiên đi ngang thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên mấy đứa trẻ, bảo cha mẹ chúng đem gói vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Không ngờ phép lạ ấy lại thật sự hữu dụng. Khi quái vật đến, những đồng tiền lóe lên khiến nó sợ, phải bỏ chạy.
Hai vợ chồng vui mừng đem chuyện kể lại cho mọi người nghe. Từ đó cứ Tết đến là người ta lại bỏ tiền vào những phong bì đỏ tặng trẻ con để trẻ chóng lớn và khỏe mạnh. Hành động này ngày càng phổ biến, người ta gọi đó là tục lì xì hay mừng tuổi đầu năm mới.
Lì xì là phiên âm của từ “lợi thị” trong tiếng Hán, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Do đó, tiền lì xì là tiền đem lại may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm.
Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn được để trong phong bao màu đỏ, kín đáo. Người nhận được tiền lì xì dù là trẻ em hay người lớn đều vui vẻ, thích thú.
Lì xì đầu năm là một phong tục, nét văn hóa tốt đẹp của người Việt, với mong muốn đem lại những điều may mắn đến trong năm mới. Việc lì xì không chỉ giới hạn trong ngày mùng 1 Tết, bạn có thể lì xì trong suốt 3 ngày đầu năm, thậm chí kéo dài đến tận những ngày mùng 9, mùng 10.
Bắt đầu từ thời khắc Giao thừa, những người lớn tuổi trong gia đình sẽ lì xì cho con cháu rồi tới lượt con cháu mừng tuổi lại ông bà để lấy may cho cả năm. Những người tới chơi cũng được nhận lì xì từ chủ nhà hoặc ngược lại. Ý nghĩa của lì xì không nằm ở giá trị của đồng tiền mà là ở mong ước trẻ hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, ngoan ngoãn; còn người lớn tuổi thì khỏe mạnh để có thể bên con cháu thật lâu. Ngày nay, mọi lứa tuổi đều có thể được nhận lì xì để lấy may.
Phong bao lì xì cũng mang nhiều ý nghĩ tốt đẹp, tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, tránh dẫn đến những xích mích không đáng có. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm, màu của niềm hi vọng và sự may mắn.