Tất bật đêm ngày
Ở Hà Tĩnh, ram (hay còn gọi là chả cuốn) là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Để có những chiếc ram giòn tan thì phải được cuốn với loại bánh làm từ làng nghề bánh đa nem xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh). Nghề tráng bánh đa nem đã đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình ở đây hơn 50 năm qua.
Mới 4h sáng, trên những con đường vào các thôn tại xã Thạch Hưng đã tấp nập người ra kẻ vào. Anh Hồ Viết Đồng, chủ cơ sở bánh đa nem Đồng Đào, chia sẻ: "Nghề làm bánh đa nem ở thôn Bình có từ xa xưa, gia đình tôi cũng nối nghiệp cha ông để lại. Trước kia, bánh được tráng thủ công, hơn 10 năm trở lại đây, chúng tôi đã đầu tư máy móc để làm".
Cách cơ sở của anh Đồng không xa là cơ sở của gia đình chị Thu Hiền. Nồi hơi làm bánh hoạt động hết công suất khiến khu nhà xưởng rộng hơn 400m2 của chị nghi ngút hơi nước. "Những ngày giáp Tết, chúng tôi thường dậy từ 2h sáng để tráng bánh đến 5h mang đi phơi, tầm 11h mang bánh về cắt, đóng gói để giao cho khách", chị Hiền chia sẻ. Cũng theo chị Hiền, bánh đa nem Thạch Hưng được nhiều người ưa chuộng vì không sử dụng hóa chất, chất bảo quản. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo, đường và muối. Bánh được làm và xuất đi trong ngày với ưu điểm mỏng, dai, dễ cuốn, khi rán lên lại giòn rụm.
Trăn trở đầu ra
Theo đại diện UBND xã Thạch Hưng, hiện nay, thôn Bình có gần 80 hộ sản xuất bánh đa nem, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động. Doanh thu của làng nghề này đạt hơn 31 tỷ đồng/năm. Mặc dù vậy, bánh đa nem Thạch Hưng vẫn gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ.
Chị Trương Thị Định (thôn Kinh Nam) chia sẻ: "Mỗi ngày, chúng tôi sản xuất khoảng 2 - 3 vạn cái. Làm bánh phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu đầu vào. Năm nay, giá gạo cao. Mọi năm chúng tôi chỉ mua gạo với giá 9 - 10 ngàn đồng/kg thì nay tăng lên 16 ngàn đồng/kg, trong khi đó bánh làm ra bán với giá 16.000 đồng/xấp (mỗi xấp 100 cái), trừ các chi phí tính ra lỗ".
Bà Trần Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Hưng, cho biết: "Làng nghề bánh đa nem Thạch Hưng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Các cơ sở bánh đa nem ở Thạch Hưng hiện nay kinh doanh theo kiểu mệnh ai người đó làm. Ngoài ra, quá trình sản xuất bánh, đặc biệt là khâu phơi bánh, còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Về lâu dài, nội đô hết quỹ đất sẽ không có đất cho người dân phơi bánh, phải đầu tư hệ thống lò sấy bánh. Tuy nhiên, chi phí trang bị lò sấy, nhà xưởng cao, rất khó để người dân đầu tư".