Những nhận định và đánh giá đó giúp chúng tôi - những cán bộ giảng dạy lớp đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hiểu một cách đầy đủ và toàn diện hơn về người Thủ trưởng đầu tiên của mình: Thầy Hiệu trưởng - Giáo sư Tạ Quang Bửu.
Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh ngày 23.10.1910 tại làng Hoàng Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà nho yêu nước. Năm 1917, tại phủ Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam có mở kỳ thi đặc biệt cho những học sinh 7 tuổi với ba môn thi là Toán, Việt và chữ Hán. Cậu Bửu đã đỗ với điểm cao và nổi tiếng từ đó.
Năm 1922, ông thi đỗ vào Trường Quốc học Huế. Sau đó, ông ra học Trường Bưởi (Hà Nội). Năm 1929, Tạ Quang Bửu đỗ đầu kỳ thi tú tài bản xứ, rồi đỗ đầu tú tài Tây ban Toán, đỗ hạng ưu tú tài Tây ban Triết. Do học giỏi, đỗ cao ông được học bổng để sang Pháp học tiếp.
Đến Paris, ông đăng ký học lớp Toán đặc biệt, của trường Louis le Grand về toán học và vật lý lý thuyết, đồng thời đăng ký học cử nhân toán ở Viện Henri Poincaré. Ông cũng đã đến nghe giảng ở giảng đường Hémite dành cho cử nhân và tham dự các buổi thuyết trình ở giảng đường Darboux dành cho những người học trên đại học. Tại đây, ông đã gặp gỡ nhiều nhà toán trẻ nổi tiếng nước Pháp thời đó.
Ông thi vào ngành toán học tại Đại học Sorbone. Theo Giáo sư Lê Văn Thiêm, đây là một ngành rất khó. Trong 100 người dự thi khóa đó chỉ có 4 người trúng tuyển, trong đó có Tạ Quang Bửu. Học hết chương trình cử nhân khoa học ở Sorbone, ông xuống Bordeaux học thêm về cơ học. Do thành tích học xuất sắc, ông nhận được học bổng của đại học Oxford nước Anh để sang đó học cơ học lượng tử. Đây chính là thời gian ông hoàn thiện tiếng Anh của mình.
Năm 1934 trở về nước, ông từ chối lời mời của Chính phủ Nam Triều ra làm quan, mà đi làm nghề dạy học. Ông dạy Toán và tiếng Anh tại trường tư thục Phú Xuân, sau đó là trường Providance (Thiên Hựu) ở Huế. Ngoài tiếng Anh và Toán, Lý, Hóa, ông còn dạy các môn khoa học tự nhiên khác theo yêu cầu của nhà trường như động vật, thực vật, khoáng vật, do ông tự nghiên cứu trong các sách chuyên ngành.
Theo ông kể lại, cùng với việc dạy học, ông tập trung vào học chữ Hán “vì không biết chữ Hán không thể hiểu sâu sắc văn học Việt Nam”. Với sự chỉ bảo ân cần của cụ Phan Bội Châu, ông đã tiếp thu rất nhanh “loại văn tự vào loại khó bậc nhất này”.
Tháng 8.1945, ông tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, sau đó tham gia làm việc tại Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuối cùng chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trong cuộc bầu cử đầu tiên của nước ta, ngày 6 tháng giêng năm 1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội ở Hà Tĩnh và được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu vào tháng 3.1946 và đã từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trong những ngày đầu cuộc kháng chiến của Nhân dân ta chống thực dân Pháp đầy khó khăn và căng thẳng, ông là một thành viên trong phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Pháp tại Đà Lạt. Và sau đó, ông được cử đi tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Fontainebleau tại Pháp. Trong chuyến đi này, ông đã mua và đưa về nước rất nhiều sách khoa học - kỹ thuật quý, đặc biệt là những sách về kỹ thuật quân sự. Ông cũng là người tiến cử với Bác Hồ những trí thức tài năng và yêu nước Việt Nam tại Pháp như: Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân... về tham gia kháng chiến, kiến quốc.
Cuối năm 1956, Giáo sư Tạ Quang Bửu được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Quyết định làm Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa thay kỹ sư Trần Đại Nghĩa.
Đối với chúng tôi, lớp cán bộ giảng dạy đầu tiên của trường, “Giáo sư Tạ Quang Bửu là Thủ trưởng, là người thầy của nhiều thế hệ thầy, là người có công rất lớn trong việc xác định những định hướng ban đầu xây dựng và phát triển lâu dài của Trường Đại học Bách khoa sau này”.
Về nhận chức, việc đầu tiên ông lo là nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giảng dạy của trường. Ông yêu cầu thực hiện ngày làm việc ít nhất 8 tiếng tại tổ bộ môn... Trừ số giờ lên lớp, thời gian còn lại là học tập, học tập và học tập ở bộ môn, theo hình thức semina do các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao thuyết trình. Trong đó, Giáo sư Tạ Quang Bửu giảng về Vật lý lý thuyết, Đại số học toán tử...
Lúc đầu, không phải ai cũng đồng tình cách quản lý chẳng giống ai, chẳng giống trường đại học nào khiến một số anh em thắc mắc. Nhưng rồi, lâu cũng thành quen và đã rèn luyện cho nhiều người năng lực tự học, tự học theo kinh nghiệm của bản thân ông, như nhà toán học nổi tiếng Lê Văn Thiêm đã từng nhận định: “Năng lực tự học của anh Bửu gần như là một thiên huyền thoại”. Cũng chính vì tự học, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã sử dụng thành thạo tiếng Anh, Pháp, Đức, có thể đọc hiểu tiếng các thứ tiếng Nga, Hán, Hy Lạp, Cổ La tinh.
Cách quản lý đó của thầy Hiệu trưởng Tạ Quang Bửu đã giúp cho thế hệ cán bộ giảng dạy lớp đầu tiên của Trường sớm trưởng thành. Nhiều người sau này có học hàm, học vị cao: giáo sư, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, viện sĩ... Cuối năm 1958 khi toàn thể cán bộ, sinh viên trường tình nguyện tham gia lao động xây dựng công trình “Đại thủy nông Bắc – Hưng - Hải”, thầy Hiệu trưởng Tạ Quang Bửu đã nhiều ngày xuống công trường lao động với cán bộ và sinh viên.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người gọi ông là “cây cầu nối khoa học thế giới với Việt Nam”. Một sự kiện mà cán bộ, giảng viên trường Đại học Bách khoa mãi mãi không bao giờ quên. Đây cũng là một chứng minh cho nhận xét đó.
Sáng ngày 16.7.1967, trong lúc nhà toán học Noam Chomsky người Mỹ đang báo cáo về đề tài “ngôn ngữ toán” cho cán bộ của trường và một số trường bạn theo lời mời của Bộ trưởng Tạ Quang Bửu và do ông đích thân chủ trì thì máy bay Mỹ ném bom phá và nhiều bom bi vào khuôn viên nhà trường. Nhiều nhà bị sập và hư hỏng nặng, 3 cán bộ hy sinh, 20 người khác bị thương. May thay, do có hầm trú ẩn tốt, Bộ trưởng và nhà toán học Mỹ an toàn. Sau sự kiện trên, Noam Chomsky phát biểu: “Tôi chân thành cảm ơn Giáo sư Bửu. Sự kiện vừa xảy ra khiến tôi càng quyết tâm công tác nhiều hơn với giáo sư trong việc đào tạo các nhà khoa học Việt Nam mỗi khi có yêu cầu”.
Sau này, khi là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, với tầm nhìn chiến lược của nhà quản lý, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã đề xuất cải tiến nội dung giảng dạy theo yêu cầu: “Dạy những điều cơ bản nhất, hiện đại nhất và sát hợp với điều kiện Việt Nam nhất”.
Theo sự chỉ đạo của ông, hệ thống các ban thư ký các bộ môn và các ngành đào tạo được thành lập để cải tiến chương trình đào tạo, đồng thời ông tập hợp lớp cán bộ có trình độ cao và có kinh nghiệm giảng dạy để biên soạn các giáo trình. Những năm 1970, ông đề ra chủ trương thi tuyển vào các trường đại học, thi chọn học sinh, nghiên cứu sinh đi học tập và nghiên cứu ở các nước Xã hội Chủ nghĩa. Với phương pháp đó, mỗi năm có hàng nghìn sinh viên giỏi, cán bộ ưu tú được gửi đi đào tạo ở nước ngoài.
Năm 1966, ông đề xuất với Chính phủ cho thành lập phân hiệu II Đại học Bách khoa Hà Nội, nay là Học viện Kỹ thuật quân sự với một quy chế đặc thù được Bộ Đại học và Trung học, Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo về nội dung chương trình.
Cùng với tổ chức phân hiệu II Đại học Bách khoa, cuối năm 1966 - 1967 được Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng quy mô đào tạo, ông quyết định thành lập thêm nhiều trường đại học mới trên cơ sở những khoa học hiện có như: Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Mỏ - Địa chất (tách từ Khoa Xây dựng và Khoa Mỏ địa chất của Đại học Bách khoa)...
Ngoài công tác giáo dục ông vẫn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật quân sự và có những cống hiến xuất sắc cho quốc phòng. Ông trực tiếp chỉ đạo nhóm nghiên cứu kỹ thuật phát thanh do Giáo sư Bùi Minh Tiêu phụ trách phối hợp cùng cán bộ, công nhân Đài Tiếng nói Việt Nam nghiên cứu các phương án dự phòng khi Đài bị địch đánh phá. Vì vậy, khi Đài bị bom Mỹ đánh trúng, chỉ ít phút sau tiếng nói Việt Nam vẫn dõng dạc vang lên thông báo với toàn thế giới ý chí bất khuất của Nhân dân Việt Nam.
Mùa hè năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh thả thủy lôi trên sông, biển và phong tỏa cảng Hải Phòng, ông đã trực tiếp chỉ đạo một tổ nghiên cứu thiết kế, chế tạo khí tài phá thủy lôi (Mật danh GK1) để chống lại thủy lôi chiến lược MK52 của Mỹ và khí tài phá bom từ trường (Mật danh GK2) do tiến sĩ Vũ Đình Cự làm tổ trưởng.
Khi giặc Mỹ dùng bom TN (từ trường) nổ chậm phong tỏa các tuyến vận tải ở khu IV, đường Trường Sơn, Giáo sư đã cùng các nhà khoa học Trường Đại học Kỹ thuật quân sự tìm ra nhiều phương pháp phá nổ nhằm vô hiệu hóa bom TN, thông tuyến cho người và xe ra Mặt trận.
Có thể nói Giáo sư Tạ Quang Bửu là con người “văn võ song toàn, “Một bộ óc của Lê Quý Đôn thời nay” như một số học giả đánh giá là không quá. Bộ óc đó chỉ ngừng làm việc vào ngày 21.8.1986 do tai biến máu não.