Do dự án Đài hỏa táng và Nghĩa trang tập trung tại huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) chưa thể triển khai nên nhiều nơi ở TP Vinh và vùng phụ cận vẫn phải sống cạnh các nghĩa trang không bảo đảm vệ sinh môi trường.
Nỗi lo ngày càng lớn
Tại TP Vinh, theo ghi nhận, ở nhiều phường xã có tình trạng các nghĩa trang ở sát ngay khu dân cư. Điển hình như ở xã Hưng Lộc, phía sau trụ sở xã là nghĩa trang Lục Sót với rất nhiều ngôi mộ nằm sát bên nhà dân. Nghĩa trang này đã khiến nhiều hộ dân sống xung quanh khổ sở vì ô nhiễm môi trường. "Ở gần nghĩa trang, những hôm họ chôn cất người mới mất, hay cất mộ là y như rằng nhà tôi không dám mở cửa" - một người dân sống cạnh nghĩa trang nói.
Cách đó không xa, trên đường Hải Thượng Lãn Ông (xã Hưng Lộc), nghĩa trang Đồng Giếng vẫn đang chôn cất người chết ngay một khu đô thị khá khang trang mới được xây dựng. Để người dân bớt lo lắng, một bức tường dài và cao dọc theo đường Hải Thượng Lãn Ông được dựng lên nhằm che khuất nghĩa trang này nhưng vẫn không thể xóa được nỗi ám ảnh của người dân.
Theo ông Phạm Hồng Chương, cán bộ địa chính xã Hưng Lộc, trên địa bàn xã Hưng Lộc hiện có tới 9 nghĩa trang nhỏ lẻ nằm gần các khu dân cư. "Theo quy hoạch, đây là các nghĩa trang không bảo đảm khoảng cách quy định, phải đóng cửa. Tuy nhiên, do không có chỗ chôn cất, nên nhiều người vẫn đem người thân ra các nghĩa trang này mai táng" - ông Chương giải thích.
Ông Nguyễn Đăng Thành, Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc, cho biết trên địa bàn xã có nhiều nghĩa trang nằm sát khu dân cư ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Theo chủ trương của TP Vinh, đến năm 2020 phải đóng tất cả các nghĩa trang trong khu dân cư, nhưng thực tế không thực hiện được, vì các nghĩa trang này có từ lâu, dân không có chỗ mai táng nên không thể cấm.
Tại xã Hưng Đông và phường Đông Vinh, TP Vinh, theo ghi nhận, nghĩa trang Cơn Trai nơi có tới mấy chục ngàn ngôi mộ được chôn cất, trong đó có rất nhiều ngôi mộ mới. Nhiều vị trí mồ mả của người dân chôn cất rất gần khu dân cư đông đúc. Ông Trần Văn Hóa, trú phường Đông Vinh, lo lắng: "Mồ mả chôn cất gần khu dân cư, nguồn nước ngầm khó tránh khỏi ô nhiễm. Gần đây, có thêm nhiều người sống gần nghĩa trang chết vì bệnh ung thư nên người dân rất lo lắng".
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà việc tồn tại các nghĩa trang trong khu dân cư còn gây mất mỹ quan đô thị. Điển hình là tại tuyến đường 72 m nối phường Quán Bàu và xã Hưng Đông, mỗi khi đi qua tuyến đường trọng điểm của TP Vinh này, nhiều người dân không khỏi "rùng mình" bởi rất nhiều ngôi mô nằm sát bên lề đường.
Ông Trần Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông, cho hay trên địa bàn có 4 nghĩa trang lớn, trong đó 2 nghĩa trang có khoảng cách không bảo đảm với khu dân cư, gần đường giao thông. "Các nghĩa trang này tồn tại hàng trăm năm, giờ có người chết không có chỗ an táng đành phải để dân chôn cất. Đây là vấn đề không thể giải quyết trong một sớm, một chiều được" - ông Tấn thừa nhận.
Tại nhiều phường, xã khác của TP Vinh như: Nghi Ân, Nghi Đức, Hưng Chính, Nghi Kim… tình cảnh cũng tương tự.
Vì sao chưa thể triển khai?
Hiện tại, tỉnh Nghệ An chưa có đài hỏa táng. Mỗi khi có người qua đời muốn hỏa táng, người thân phải di chuyển hàng trăm km ra Thanh Hóa hay vào Hà Tĩnh mới có thể thực hiện được. Trước nhu cầu bức thiết của người dân, năm 2008, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch xây dựng Đài hỏa táng và Nghĩa trang vĩnh hằng tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, làm nơi an táng cho người dân TP Vinh và vùng phụ cận. Sau khi có phê duyệt, một số doanh nghiệp đã vào cuộc khảo sát, làm các thủ tục ban đầu nhưng sau đó đều bỏ cuộc.
Năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận cho một doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa thực hiện dự án Công viên Nghĩa trang sinh thái vĩnh hằng và đài hóa thân trên diện tích 85 ha tại khu vực này với tổng vốn đầu tư hơn 465 tỉ đồng. Năm 2019, dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên, khi triển khai dự án lại vấp phải sự ngăn cản của người dân ở xóm Phúc Điền, xóm Đại Huệ, xã Hưng Tây vì họ cho rằng khoảng cách giữa nhà dân trong xóm đến nghĩa trang này không đạt tiêu chuẩn quy định (không đủ 1.500 m) và lo ngại ảnh hưởng đến môi trường sống. Ông Hoàng Văn Long, Chủ tịch UBND xã Hưng Tây cho hay khi dự án triển khai nhiều người dân phản đối, dựng lán ngay đường ra vào khu vực dự án, ngăn chặn không cho thi công.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Nghệ An và UBND huyện Hưng Nguyên đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người dân để giải quyết những vướng mắc nhưng người dân vẫn chưa đồng thuận. Hệ quả, dự án thiết thực sau nhiều năm vẫn nằm "trên giấy".
Ông Hoàng Anh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên, cho biết việc xây dựng đài hỏa táng và nghĩa trang vĩnh hằng là hết sức cần thiết nhưng do chưa có sự đồng thuận của người dân nên đến nay vẫn phải dừng lại.