Nguy cơ nền kinh tế giậm chân tại chỗ

Thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước ngày 24/10, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh tới kết quả nổi bật, đó là Việt Nam không cần thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng vẫn kiểm soát lạm phát hiệu quả với mức lạm phát cả năm 2023 ước từ 3 - 3,5%, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới phải thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt để ngăn chặn lạm phát tăng cao.

44-1698204962.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu tại tổ ngày 24/10. Ảnh: Mai Loan.

Ngoài ra, dự báo cả năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 5%, dù thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy vậy, ĐB Hoàng Văn Cường cũng lưu ý, tình trạng đình trệ diễn ra khá phổ biến, không chỉ ở khu vực công mới có tình trạng một bộ phận cán bộ không dám nghĩ, không dám làm, sợ trách nhiệm, mà còn lan sang cả khu vực doanh nghiệp.

Điều này có thể thấy qua việc các nguồn lực đầu vào đang rất sẵn có, nguồn vốn ưu đãi và vốn vay của ngân hàng thương mại đều sẵn sàng, nhưng doanh nghiệp hiện không có nhu cầu vay, khả năng hấp thụ vốn thấp.

"Khi các yếu tố lao động và chính sách hỗ trợ gần như bị bão hòa, nếu không có các giải pháp mang tính bứt phá thì nền kinh tế nước ta sẽ đứng trước nguy cơ giậm chân tại chỗ", đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Giải ngân chậm do… tâm lý cán bộ

Đại biểu Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Thọ nhận định sự khó khăn của nền kinh tế Việt Nam không nằm ngoài bối cảnh chung của thế giới, vì vậy kết quả đạt được đã là điều tích cực và đáng ghi nhận.

Đối với những tồn tại, vướng mắc, đại biểu cho rằng có nhiều nguyên nhân, có vấn đề kéo dài, có vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, theo ông, các vướng mắc khó có thể xử lý trong một sớm một chiều vì liên quan đến thể chế, quy định pháp luật.

Như trong đầu tư công, ông Châu cho rằng tất cả các địa phương, bộ ngành đều mong muốn giải ngân nhanh, nhưng vướng mắc do trình tự, thủ tục. Từ khi có ý tưởng đến thực hiện là cả quá trình dài, qua tất cả các khâu, liên quan đến giải phóng mặt bằng, thẩm định, đền bù, đấu giá đấu thầu, đất rừng... không thể làm tắt được.

Vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước nên bắt buộc phải qua quy trình chặt chẽ, nhất là trong giai đoạn thanh tra, kiểm tra, xét xử các vụ án... được đẩy mạnh, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ.

09-1698205015.jpg
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên).

Trong khi đó, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho hay, theo báo cáo tính đến ngày 30/9/2023, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình ước đạt tương đương 28,9% kế hoạch vốn được giao, trong khi thời gian còn lại để thưc hiện Chương trình chỉ còn chưa đến 03 tháng.

Đối với những chính sách mà việc triển khai chưa hiệu quả, kết quả chưa đạt so với kế hoạch đặt ra, giải ngân chậm trễ, đại biểu tỉnh Điện Biên cho rằng, cần phải có sự phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân để rút kinh nghiệm từ khâu nắm bắt tình hình; cho đến khâu nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách; tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp ra quyết định và thực thi chính sách; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Nếu cần thiết, phải làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng đơn vị, cá nhân để bảo đảm nguồn lực tài chính công được sử dụng một cách kịp thời, tiết kiệm, đúng mục tiêu và đạt hiệu quả tốt nhất, tránh lãng phí, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực tài chính công đang rất hạn chế, lại càng eo hẹp hơn do suy giảm kinh tế, suy giảm nguồn thu do đại dịch.

Theo đại biểu, việc để nguồn vốn không thể giải ngân và cũng chậm đề xuất, kiến nghị với Quốc hội để chuyển sang thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu khác là vấn đề cần phải được rút kinh nghiệm sâu sắc.