Tên của luật phải đảm bảo hành lang pháp lý

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề xuất đặt tên gọi của dự thảo luật là Luật Các tổ chức kinh tế tập thể để phù hợp và thống nhất chung với tên gọi mà các nghị quyết của Đảng đã đặt tên, đặc biệt là Nghị quyết số của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

dbqh-tranh-luan-ve-ten-goi-hop-tac-xa-can-tiep-tuc-ke-thua-1668062209.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: QH.

“Các cụm từ trong dự thảo Luật Kinh tế hợp tác nên sửa thành kinh tế tập thể, mặt khác gọi Luật Các tổ chức kinh tế tập thể thì phạm vi nhấn mạnh đúng vào các đơn vị cụ thể, gắn với mối liên kết ngang trong mối quan hệ cộng đồng; phạm trù kinh tế hợp tác rộng hơn bao gồm cả sự hợp tác giữa các tác nhân kinh tế”, đại biểu Bình cho hay

Trong khi đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi), tên gọi này đã bao trùm mọi chủ thể quy định ở trong Luật. “Đây cũng là tên gọi đi vào lịch sử, trở thành một thương hiệu trong nền kinh tế Việt Nam, cần tiếp tục kế thừa phát huy trong thời gian tới”, đại biểu Lộc cho hay.

dbqh-tranh-luan-ve-ten-goi-hop-tac-xa-can-tiep-tuc-ke-thua-hinh-2-1668062236.jpg
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội). Ảnh: QH.

Đại biểu Lộc phân tích thêm, người có công đưa mô hình hợp tác xã về Việt Nam là Bác Hồ. Trong suốt sự nghiệp, Bác vẫn luôn quan tâm, phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Hợp tác xã cũng là mô hình vừa thể hiện bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.

Tranh luận về tên gọi của Luật Hợp tác xã, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tên gọi của luật phải đảm bảo hành lang pháp lý trong tương lai và phải ít sửa đổi. Đồng quan điểm với đại biểu Lộc, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho hay, việc học tập tư tưởng của Hồ Chí Minh đối với xác định một khái niệm là rất cần thiết.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (Bình Thuận) cũng tranh luận cho rằng, không được bỏ từ “xã” trong dự án Luật.

Theo đại biểu, từ “xã” không phải là để thể hiện địa giới hành chính xã, huyện hay tỉnh mà chữ “xã” ở đây là từ Hán Việt thể hiện chữ “xã hội” và ở đây nó cũng tương tự như từ “Thông tấn xã” trong thuật ngữ chúng ta đề cập chứ không chỉ đơn thuần là hợp tác và khái niệm để hiểu được hợp tác xã. Đây chính là mô hình kinh tế thực hiện các hoạt động hợp tác vì mục đích xã hội.

dbqh-tranh-luan-ve-ten-goi-hop-tac-xa-can-tiep-tuc-ke-thua-hinh-3-1668062264.jpg
Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

Thuật ngữ hợp tác xã cũng được các quốc gia thể hiện một cách hết sức cụ thể trong pháp luật của mình và bảo vệ cái tên gọi này. Ví dụ như tại Luật Hợp tác xã của Thái Lan, Luật của Canada...

Đại biểu nhấn mạnh lại, các chủ thể được điều chỉnh trong dự thảo luật đều tuân thủ các nguyên tắc và giá trị của hợp tác xã và không có sự khác biệt về bản chất trong các loại hình này.

Cần nhiều chính sách cho hợp tác xã

Một nội dung được các đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận, đó là các chính sách để nâng cao hoạt động của hợp tác xã.

Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho hay, tuy đã có bước tiến bộ vượt bậc, nhưng nhìn chung kinh tế tập thể ở nước ta vẫn chưa tiếp cận đầy đủ, đúng bản chất của kinh tế tập thể và những giá trị, nguyên tắc cơ bản của Luật Hợp tác xã.

dbqh-tranh-luan-ve-ten-goi-hop-tac-xa-can-tiep-tuc-ke-thua-hinh-4-1668062295.jpg
Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam).

“Đây là nguyên nhân sâu xa, cốt lõi ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động hợp tác xã, làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp tác xã còn thấp so với các khu vực kinh tế khá”, đại biểu cho hay.

Vì vậy, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc nghiên cứu, thiết kế để các hợp tác xã hội đủ các yếu tố thiết yếu, cơ bản nhất của hợp tác xã, đồng thời tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa các chính sách liên quan đến hợp tác xã theo Nghị quyết 20 của Đảng, đảm bảo kinh tế tập thể phát triển bền vững, năng động, hiệu quả trong nền kinh tế quốc dân trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang) cho hay, việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác mang tính dàn trải, thiếu tập trung và thiếu tính trọng tâm, chưa đặc trưng và tính thực chất mà tổ chức kinh tế hợp tác thực sự cần.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm xác định nội dung hỗ trợ mang tính tập trung nhằm mang lại tính khả thi cao và đảm bảo được hiệu quả hỗ trợ và phù hợp với nguồn lực kinh tế. Bên cạnh đó, một số nội dung chính sách còn mang tính khái quát cao, thiếu tính định lượng.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, về tên gọi, hiện có 2 luồng ý kiến, theo đó, một số ý kiến tán thành giữ tên Luật Hợp tác xã, một số ý kiến đồng ý đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Vấn đề này, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ rà soát, nghiên cứu, phối hợp với Cơ quan thẩm tra tiếp thu về tên Luật cho phù hợp, báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội.

Về các ý kiến khác, trên cơ sở ý kiến của Cơ quan thẩm tra và ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại Tổ, tại Hội trường, Bộ trưởng giải trình, làm rõ thêm một số nội dung./.