Cấm làm lộ thông tin cá nhân trong giao dịch điện tử
Sáng 11/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho hay, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng cần được hết sức quan tâm. Chúng ta đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, các quy định chưa hoàn toàn cụ thể và sát hợp với hoạt động giao dịch điện tử.
“Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định vào Điều 8 về các hành vi bị cấm, đó là nghiêm cấm hành vi làm lộ, lọt thông tin cá nhân khi chưa được sự cho phép hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch điện tử”, đại biểu Cường nêu ý kiến.
Cũng góp ý về an toàn thông tin mạng khi giao dịch điện tử, đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, khoản 4 Điều 3 có giải thích từ ngữ: "phương tiện điện tử là phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin hoặc phương tiện khác hoạt động dựa trên công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, kỹ thuật số. Từ tính truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ khác tương tự".
Như vậy thì việc đảm bảo an toàn thông tin trong giao dịch điện tử không chỉ thực hiện theo Luật An toàn thông tin mạng, an ninh mạng mà còn cả Luật Công nghệ thông tin.
Cho nên đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung dẫn chiếu Điều 53 của dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đến Luật Công nghệ thông tin để thực hiện một cách thống nhất hơn.
Về nghĩa vụ của các bên liên quan trong tuân thủ quy định về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng khi thực hiện giao dịch điện tử, đại biểu cho rằng, hiện chưa thể hiện được quyền chủ động của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
“Đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc, rà soát và bổ sung những quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử”, đại biểu nêu.
Làm sao bảo đảm an toàn khi giao dịch điện tử?
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cũng đặt vấn đề về việc liệu có thể bảo đảm được an toàn trong giao dịch điện tử.
Theo đại biểu Mai Hoa, một số thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh, quốc phòng, bí mật công tác, bí mật kinh doanh có thể có nguy cơ lộ lọt, bị chiếm đoạt khi thực hiện giao dịch điện tử.
“Một số giấy tờ như đăng ký kết hôn hoặc quyết định ly hôn cần thể hiện ý chí của các cá nhân liên quan khi tham gia giao dịch. Vậy có hợp lý không khi chúng ta đưa hết tất cả vào phạm vi điều chỉnh và nếu đưa vào thì cần phải kèm theo những điều kiện nào”, đại biểu Mai Hoa nêu ý kiến.
Theo đại biểu Mai Hoa, báo cáo của cơ quan soạn thảo, trong số hơn 100 nước có khung pháp lý liên quan đến giao dịch điện tử thì phạm vi điều chỉnh cũng rất khác nhau và nhiều nước hiện nay cũng chưa áp dụng được việc thực hiện giao dịch điện tử ở một số lĩnh vực đặc biệt như trong đất đai hoặc thừa kế.
Đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện thực tiễn của Việt Nam, cũng như kinh nghiệm quốc tế, từ đó cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, làm sao để việc triển khai thực hiện phải đi vào thực tiễn một cách thực chất nhất.
Đồng thời, nghiên cứu chỉnh sửa thể hiện lại Điều 1 dự thảo luật về phạm vi điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm đúng mục tiêu, an toàn, tức là phải rõ được trách nhiệm của các bên liên quan như phân tích của đại biểu Tấn Quân - Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) lại cho rằng, bản chất của thương mại điện tử là các giao dịch thương mại truyền thống được thực hiện thông qua các giao dịch điện tử. Chính vì vậy, nếu xem xét phạm vi điều chỉnh của luật thì pháp luật về giao dịch điện tử của một số nước trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc có sự quy định rộng hơn so với luật nước ta.
Cụ thể, luật Hàn Quốc được áp dụng cho tất cả các giao dịch điện tử, trừ khi có sự quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật khác. Trong khi đó, pháp luật nước ta không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.
Điều này sẽ giúp cho luật của Hàn Quốc bao trùm được toàn bộ các giao dịch điện tử trên thực tế, đồng thời tạo sự ổn định cho các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử khi có sự thay đổi của các văn bản luật khác.
Sửa theo nguyên tắc “thực sao thì số vậy”
Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số
Giải trình, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu làm không tốt, vi phạm các nguyên tắc căn bản của môi trường số thì sẽ không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi, thậm chí có thể là vật cản cho sự phát triển số của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm, Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi theo nguyên tắc “thực sao thì số vậy” và “số phải phong phú hơn thực”. Luật sửa đổi phải bảo đảm có độ phủ rộng và bảo đảm chi phí phải thấp hơn trong môi trường thực, làm phong phú hơn các loại giao dịch; đồng thời, phải bảo đảm tính khả thi khi áp dụng tính đồng bộ với các luật khác cũng như tính thống nhất, xuyên suốt trong luật này.../.