Chẳng biết món “Bún, giá, cá, ruốc” có tự khi nào. Còn về xuất xứ thì đại đa số đều cho rằng, nguồn gốc của món ăn này là ở làng Quỳnh Đôi – huyện Quỳnh Lưu, quê của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, cũng là mảnh đất nổi tiếng với truyền thống hiếu học từ xưa. Có lẽ món ăn này được bắt nguồn từ các làng ngư như Quỳnh Phương, Quỳnh Lộc, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long … vì trong đó có cá và ruốc bể. Sau đó nó được phát triển đến các làng quê khác nhau theo chân những người buôn bán. Nhưng rồi món ăn này lại kết tinh ở đất Quỳnh Đôi. Có lẽ do Quỳnh Đôi là nơi có món bún ngon nức tiếng từ xưa. Hơn nữa, từ thưở xưa, người Quỳnh Đôi được học hành nhiều, đi nhiều. Có lẽ vì thế mà họ biết cách kết hợp các vị ngon ngọt của đất trời hơn chăng?
Món ăn này có cái tên khá dài nhưng cũng khá giản dị. Ngay tên gọi của nó đã nói như gần đủ các nguyên liệu chính làm nên món ăn, đó là bún lá, giá đỗ, cá và ruốc. Mỗi nguyên liệu chính đều phải có những yêu cầu riêng. Bún thì thì phải là bún lá được làm từ gạo quê, trải qua các công đoạn kĩ lưỡng để cho ra những sợi bún trắng, thơm, dai ngon. Giá đỗ phải chọn loại cây ngắn, mập để thực sự có độ giòn và ngọt. Cá biển nướng thì có thể chọn cá nục, cá bạc má những chuẩn vị nhất phải là cá trích. Một thứ không thể thiếu là bát ruốc (mắm tôm) đã được làm chín bởi gió trời, nắng trời và giờ đây chỉ cần vắt thêm một chút chanh, cho thêm một chút đường, một chút ớt là có được bát ruốc đậm đà. Ngoài ra còn một số loại rau ăn kèm như rau diếp, các loại rau thơm, rau cải cay, cải mầm, mấy lát khế chua,… Bây giờ nhiều người biến tấu món ăn nên còn có thêm đĩa rau nhót, mấy cái bánh đa nướng, bánh đa nem để cuốn, mấy miếng đậu phụ rán giòn hoặc giò lụa.
Cách thưởng thức món này cũng không quá cầu kì. Thực khách chỉ cần trải lá rau diếp hoặc rau cải cay, gỡ chút cá, thêm một chút bún, vài cọng rau thơm, một vài gia vị đi cùng, nhẹ nhàng cuốn tròn lại rồi chấm nhẹ vào bát ruốc đã đán.h nhuyễn. Khẽ khàng đưa vào miệng, nhai thật chậm, bạn sẽ cảm nhận rõ hết cái vị thơm ngon của nó. Vị dai dai của bún, vị nồng nồng của ruốc biển, vị cay cay của ớt, vị bùi bùi của cá, vị thơm thơm của những loại rau, vị chua chua thanh thanh của khế, vị giòn giòn sần sật của rau nhót… tất cả hòa quyện để tạo nên một món ăn hấp dẫn.
Món ăn ấy như là sự kết tinh vị ngọt ngon của đồng bằng và vị mặn mòi của xứ biển. Tất nhiên, không phải ai cũng quen được mùi nồng đượm của cá, của ruốc biển. Nhưng bạn hãy thử một lần đi. Tôi tin bạn sẽ gật gù hài lòng bởi cái vị ngon tuyệt vời của nó.
Bây giờ, cuộc sống hiện đại hơn, nhu cầu thưởng thức ẩm thực cũng cao hơn. Vì vậy, không chỉ người dân đất Quỳnh mà nhiều vùng khác cũng đang cố gắng biến tấu món ăn dân dã của quê mình sao cho vừa ngon miệng, vừa có tính thẩm mĩ . Đến Vinh, đến Cửa Lò, Cửa Hội hôm nay bạn cũng sẽ được thưởng thức món ăn này.
Có lẽ bởi sự đặc biệt đó nên khi tham gia “Festival Văn hoá Ẩm thực Du lịch Quốc tế Nghệ An năm 2019″ tổ chức tại thành Vinh vào trung tuần tháng 7 vừa rồi món “Bún, giá, cá, ruốc” đã đạt giải cao. Sự ghi nhận của Ban tổ chức, nhất là sự đón nhận nhiệt tình của người thưởng thức chính là phầ.n thưởn.g tuyệt vời nhất cho món ăn bình dị nhưng đậm vị của người làng Quỳnh nói riêng và xứ Nghệ nói chung.
Hôm trước bạn tôi từ miền Nam về, nói rằng muốn ăn món quen thuộc này. Khổ nỗi, đúng hôm trời động, thuyền không đi nên chẳng tìm đâu ra món cá nướng cho đúng vị. Tôi đành thay bằng một loại cá khác, bạn thưởng thức nhưng không thực sự ưng ý. Mấy hôm sau, bạn đi. Tôi có gói theo một ít cá trích nướng và rau nhót. Bạn hồ hởi: ừ, thế là chiều nay mình có thể đãi bạn bè trong nớ món quê mình rồi! Trong giọng nói, nụ cười của bạn tôi nghe thấy một niềm vui, một niềm tự hào về những sản vật của quê hương. Bạn đi, mang theo bao nhiêu niềm thương nhớ dành cho quê nhà. Tôi nghe vừa thấy rưng rưng vừa thấy mát ngọt trong lòng!