Thái Minh là một bản cổ có người Thái sinh sống lâu đời tại xã Tiên Kỳ. So với các vùng Thái tập trung như Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp thì người Thái ở Tân Kỳ không còn lưu giữ được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống. Nhưng ở bản Thái Minh, người dân tộc Thái vẫn còn gìn giữ được nhiều vốn cổ của ông cha để lại. Đó là làng nghề dệt thổ cẩm được tỉnh công nhận từ năm 2016 với hơn 30 khung dệt vẫn còn hoạt động. Trong bản còn hơn 60 ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái. Cùng với đó là các nét văn hóa truyền thống đang được người dân lưu giữ, khôi phục và phát huy vào phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, có nghề làm rượu cần truyền thống vốn khá nổi tiếng ở nơi đây.

r-1720336879.PNG
Lá nhâm – một loại lá được người Thái ở Thái Minh sử dụng để làm men rượu cần

Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, người Thái ở Thái Minh làm rượu cần bằng sắn hoặc gạo tẻ. Ngày nay, chủ yếu người dân dùng gạo nếp để làm rượu cần vì chất lượng rượu tốt hơn, thơm ngon hơn. Phải là loại nếp nương truyền thống của người dân nơi đây thì mới đảm bảo chất lượng của rượu sau khi ủ. Để làm được rượu ngon, ngoài việc có gạo nếp tốt còn phải làm được men thật chuẩn. Có nhiều cách để làm men rượu nhưng người Thái ở Thái Minh chủ yếu làm men từ lá cây nhâm – một loại cây thuốc khá phổ biến ở vùng này. Gạo nếp và lá nhâm được xay nhỏ lấy bột rồi trộn thật kỹ theo một tỷ lệ nhất định phù hợp với lượng men cần để làm rượu. Sau đó cho một lượng nước vừa đủ vào và ủ kỹ trong rơm. Khoảng một tuần sau là có thể sử dụng men để ủ rượu. Chất lượng men có vai trò quyết định đọ ngon dở của rượu nên kỹ năng làm men trở thành một nhân tố quan trọng, là bí quyết nghề. Chỉ cần mở ra đã nghe mùi thơm lan tỏa, ấy là men tốt.

h-1720336904.PNG
Men rượu là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng của rượu cần

Bà Võ Thị Thu, một người có kinh nghiệm gần 40 năm làm rượu cần tại bản Thái Minh chia sẻ rằng làm rượu cần cho ngon cũng công phu lắm. Làm được men tốt thì bắt đầu công đoạn làm rượu. Bà phải đi tìm mua trấu mới xay xát xong, về sàng thật sạch để loại bỏ các bụi bẩn; tiếp tục ngâm và rửa qua 5-6 nước để trấu thật sạch đồng thời cũng làm ngấm một lượng nước nhất định. Lấy gạo nếp đã xay bột trộn đều với trấu, cho vào nồi để hông. Hông đến khi chín thì lấy cơm rượu này rải ra bạt sạch hong nguội. Sau khi đã nguội thì cho men vào trộn thật đều. Phải trộn kỹ để trấu, gạo và men thấm đều, nhuyễn vào nhau mới đảm bảo được chất lượng cho rượu sau này. Cơm rượu sau khi trộn kỹ thì cho vào các loại bình để ủ rượu. Ủ tầm một tháng phải mở ra kiểm tra. Nếu có mùi thơm ngon lan tỏa thì là rượu ngon, còn có mùi chua hay mùi lạ nghĩa là rượu không đạt chất lượng. Rượu cần Thái Minh ủ sau ba tháng đã uống ngon, nhưng càng để lâu chất lượng rượu càng thêm mặn nồng.

hh-1720336934.PNG
Bà Võ Thị Thu – người có gần 40 năm làm rượu cần ở bản Thái Minh, hiện là nhà cung cấp rượu cần lớn cho người trong vùng

“Làm rượu cần nghe có vẻ đơn giản nhưng để làm cho thật ngon là việc không dễ. Tôi may mắn từ nhỏ đã được mẹ là bà Vi Thị Khoa – một phụ nữ Thái làm rượu cần nổi tiếng trong vùng dạy cách làm rượu. Ban đầu học theo mẹ để làm, nhưng cũng phải mất cả chục năm mới có thể tự làm được những bình rượu ngon. Mỗi khâu trong quy trình làm rượu cần đều quan trọng, đòi hỏi phải thực hành một cách chỉn chu. Không làm được men tốt thì không có rượu ngon. Có men tốt mà các bước khác không thực hiện một cách bài bản và cẩn thận rượu cũng kém chất lượng, thậm chí có thể hỏng. Hiện nay nếp nương cũng khá hiếm, giá cả lại đắt đỏ. Nhiều khi phải mua gạo nếp từ chợ về làm, đương nhiên chất lượng không bằng được nếp truyền thống của người Thái. Làm rượu ngon để dùng đã khó, làm để bán được càng khó hơn vì khách hàng rất đa dạng và mỗi người một khẩu vị khác nhau, không phải ai cũng biết thưởng thức đúng kiểu”. Bà Võ Thị Thu tâm sự.

bbb-1720336968.PNG
Để làm được những chiếc cần rượu đạt tiêu chuẩn cũng đòi hỏi lắm công phu

Một yếu tố quan trọng khác trong văn hóa rượu cần là làm cần để uống. Phải vậy chăng mà nó được đưa vào tên gọi của loại rượu độc đáo này. Trông một chiếc cần thật đơn giản nhưng để làm được những chiếc cần đạt tiêu chuẩn không dễ. Già làng Vi Văn Bích – một người Thái có uy tín ở xã Tiên Kỳ khẳng định người làm cần cũng phải có kinh nghiệm. Trước hết phải lựa chọn được những cây trúc nhỏ hoặc các cành trúc đủ độ lớn, có các đoạn mắt đều và suôn thẳng để làm cần uống rượu. Để thông các mắt của cần trúc thì phải dùng một que thép nhỏ nung nóng đâm xuyên đoạn cần nhiều lần nhằm tạo ra một dòng thông suốt. Sau đó, đun một nồi nước sôi lớn rồi cho một đầu cần vào nước, một đầu thì dùng miệng hút nước sôi vào trong cần. Khi thực hiện bước này phải biết chừng mực một cách chính xác để nước sôi đạt gần đầy cần nhưng không được quá đà sẽ gây bỏng miệng. Khi hút nước sôi lên đến gần miệng mình thì dừng lại, lấy tay bịt đầu phía miệng vừa hút để nước không chảy ra. Xong rồi uốn cần trúc theo ý của mình với một độ cong nhất định. Nước nóng không chỉ rửa sạch phần trong ruột cần mà còn làm cho việc uốn cần trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Tiếp theo, dùng một que thép nhỏ và nhọn nung nóng khoan các lỗ nhỏ ở phía gốc cần. Các lỗ này không được quá lớn nhằm ngăn không cho trấu trôi vào khi uống rượu. Sau khi làm xong thì rửa sạch, đem phơi khô rồi sử dụng. Để dùng lâu dài, người Thái thường gác cần rượu lên gác bếp để tăng độ bền.

jh-1720336999.PNG
Những sự kiện quan trọng trong gia đình hay trong cộng đồng người Thái thường có bình rượu cần để cùng nhau giao lưu, thưởng thức. Nó trở thành một nét văn hóa trong đời sống của người Thái.

Người Thái ở Thái Minh có nhiều loại bình rượu cần khác nhau được chia thành loại nhỏ và loại lớn. Loại nhỏ thường là các loại bình từ 10 lít, 15 lít, 20 lít, 30 lít, dùng trong các việc gia đình với số lượng người không quá đông. Còn loại lớn thường là các chum từ 50 lít, 80 lít, 100 lít, 120 lít, chủ yếu dùng trong các sự kiện lớn với số lượng người uống đông hơn như đám cưới, lễ Tết hay ngày hội trong làng bản. Theo ông Vi Chiến Thắng, cán bộ văn hóa xã Tiên Kỳ thì: “Trong những sự kiện lớn của người Thái ở đây, từ giỗ chạp đến cưới xin hay tang ma, từ làm nhà mới hay những ngày lễ tết, và cả khi có bạn quý đến chơi… phải có bình rượu cần thì mới trang trọng, mới tình cảm. Người ta uống rượu cần để kết giao cộng đồng, để cùng nhau chia sẻ. Dù ngày nay, rượu nấu và bia đang dần phổ biến hơn, nhưng rượu cần vẫn có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân tộc Thái nơi đây”.

Hiện tại, ở bản Thái Minh còn 5 hộ gia đình thường xuyên làm rượu cần bán cho người dân trong vùng. Dù rượu cần không còn quá phổ biến trong đời sống bởi sự xuất hiện của rượu nấu và bia, nhưng nó vẫn là một đặc sản gắn liền với nhiều sinh hoạt văn hóa của người Thái nơi đây. Không những vậy, Tiên Kỳ đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Cùng với làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, các yếu tố văn hóa đặc sắc, rượu cần Thái Minh cũng trở thành một điểm nhấn thu hút du khách đến vùng đất này.