Tính hai mặt của vấn đề dạy thêm, học thêm

Dạy thêm, học thêm được đánh giá là hoạt động có giá trị bổ sung thêm kiến thức cho học sinh, giúp học sinh nâng cao lực học sau một thời gian rèn luyện và cũng là cơ hội để giáo viên nắm bắt rõ hơn về năng lực của học sinh, kịp thời điều chỉnh phương pháp, nội dung dạy học phù hợp với đối tượng. Ngoài ra, ở một khía cạnh khác, việc học thêm cũng xuất phát từ ý muốn chủ quan của gia đình người học. Họ mong muốn và tin tưởng vào sự tiến bộ của con em sau thời gian đi học thêm. Bên cạnh đó, một số gia đình tìm đến việc học thêm với một mục đích khác đó là nhờ thầy cô dạy dỗ con em mình và quản lí các cháu trong thời gian gia đình bận rộn với công việc xã hội, tránh được tình trạng các cháu tham gia vào các hoạt động không lành mạnh ngoài xã hội. Trên cơ sở sự đồng thuận giữa gia đình và nhà giáo, việc học thêm không có yếu tố tiêu cực, ép buộc. Người giáo viên dạy thêm với động cơ hết sức minh bạch, nghiêm túc là tăng cường kiến thức cho học sinh, tăng thu nhập thêm cho gia đình một cách chính đáng.

h-1728894565.jpg
Ảnh minh hoạ

Ở khía cạnh tiêu cực, học thêm có thể chi phối cuộc sống của thanh thiếu niên và gia đình các em, làm giảm thời gian có thể dành cho thể thao và các hoạt động khác cũng rất quan trọng cho việc phát triển toàn diện. Việc dạy thêm, học thêm hiện nay diễn ra tràn lan, thậm chí đã bị lạm dụng và làm xấu đi hình ảnh của việc này. Để học sinh phải đi học thêm, giáo viên đã cắt xén chương trình chính khóa, không dạy hết trách nhiệm trong giờ học chính khóa. Do vậy, học sinh không đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra nếu không tham gia học thêm. Trong quan hệ thường ngày trên lớp, một số giáo viên có cách phân biệt đối xử với hai đối tượng học sinh có tham gia lớp học thêm và học sinh không tham gia lớp học thêm một cách thiếu khách quan và thiếu tính nhân văn. Một khía cạnh tiêu cực khác từ phía nhà giáo, đó là việc lạm thu trong hoạt động dạy thêm, học thêm.

Để có cái nhìn thấu triệt, chúng ta cần xem xét nguyên nhân vấn đề từ phía các chủ thể tham gia vào hoạt động dạy thêm, học thêm và những khách thể tác động tới việc nảy sinh tiêu cực của vấn đề này.

Thứ nhất, do hạn chế của đồng lương công chức. Thu nhập thấp, không đủ chi phí hằng tháng khiến một bộ phận giáo viên có thu nhập thấp phải tham gia dạy thêm. Bên cạnh đó là tác động của những mặt trái cơ chế thị trường, mặt trái của đồng tiền khiến một bộ phận giáo viên đã không giữ được phẩm chất cần có của một nhà giáo nên nảy sinh những việc làm bất hợp lí trong quá trình tổ chức dạy thêm, học thêm, vi phạm quy định của ngành, của pháp luật như: Lạm thu, ép buộc người học, cắt xén chương trình chính khóa, trù dập học sinh không tham gia học thêm...

Thứ hai, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động dạy thêm, học thêm chưa chặt chẽ, công tác xử lí bất cập của hoạt động này chưa kịp thời nên tính giáo dục chưa cao.

Thứ ba, bất cập trong công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục dẫn tới việc thực hiện không nghiêm quy định của ngành. Sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội chưa quyết liệt nên hiệu quả quản lí không cao.

Thứ tư, bệnh thành tích từ phía phụ huynh. Mong muốn con em mình học hành tiến bộ, có đủ năng lực để có thể tham gia học tập ở các bậc học cao hơn là một nhu cầu chính đáng và đáng khuyến khích, ủng hộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tâm lí xã hội hiện nay thường mong muốn con em vào học đại học. Tranh đua trong thành tích học lực của con em đã khiến việc dạy thêm, học thêm nảy sinh tiêu cực.

Một vài kiến nghị

Hệ lụy từ mặt trái của vấn đề là điều chúng ta đã nhận ra rất rõ: Uy tín ngành Giáo dục bị ảnh hưởng, uy tín nhà giáo bị giảm sút, hình ảnh nhà giáo ít nhiều bị đánh giá thấp trong con mắt của người học, của gia đình và xã hội. Tính công bằng trong tiếp cận cơ hội giáo dục bị hạn chế. Để hạn chế và tiến đến chấm dứt những tiêu cực của vấn đề này chúng ta cần có giải pháp đồng bộ, hài hòa, hợp lí vì đây là hoạt động có bản chất khởi điểm là tốt, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới cũng tồn tại hoạt động dạy thêm, học thêm và cũng thừa nhận những khía cạnh tích cực của hoạt động này.

Thứ nhất, theo lộ trình hợp lí, chính sách giáo dục cần có những điều chỉnh kịp thời về thang bảng lương của giáo viên nhằm khắc phục dần những bất hợp lí về thu nhập của giáo viên.

Thứ hai, cần thống nhất quan điểm là khuyến khích những mặt tốt của hoạt động dạy thêm, học thêm và kiên quyết xử lí những mặt tiêu cực của hoạt động này.

Thứ ba, quán triệt đầy đủ, sâu sắc những chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về việc chấn chỉnh những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm. Tăng cường cơ chế giám sát các địa phương trong việc thực hiện chính sách giáo dục nói chung và quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm nói riêng. Kiên quyết xóa bỏ những lớp, những trung tâm dạy thêm học thêm có biểu hiện tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội. Gắn trách nhiệm đúng người, đúng đối tượng.

Thứ tư, tuyên truyền để nâng cao nhận thức toàn ngành và toàn xã hội về vấn đề dạy thêm học thêm. Đối với nhà giáo, cần nắm rõ và thực hiện đầy đủ các quy định của ngành nói chung và quy định về dạy thêm, học thêm nói riêng. Đối với các cấp quản lí và tổ chức xã hội cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lí kịp thời những bất cập phát hiện trong hoạt động dạy thêm, học thêm, tránh tình trạng biến các trung tâm dạy thêm, học thêm là "sân sau" thu nhập cho một số nhà quản lí. Đối với gia đình và học sinh cần có ý thức rõ về học lực của con em mình, không tạo áp lực về thành tích học tập và chạy đua thành tích một cách không khoa học, không thực tế và cần xác định đúng đắn động cơ, mục đích việc tham gia học thêm, đồng thời cần kiên quyết với các biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.