54-1683951663.jpg
Thiếu thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là hộ nghèo.

Bệnh viện và người bệnh “chịu trận”

Ngày 5/5, Báo Đại Đoàn Kết có bài phản ánh: “Bệnh viện thiếu hóa chất, sinh phẩm: Người bệnh “thiệt đơn thiệt kép”. Sau đó, nhiều bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) liên hệ với PV phản ánh về chi phí phát sinh khi điều trị tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh.

Anh Nguyễn Đ. (xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) có vợ sinh mổ tại Khoa Sản, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: Vợ tôi sinh mổ ở bệnh viện, mới được vài ngày mà phải làm xét nghiệm ngoài, mua thuốc, vật tư ngoài hết hơn 1 triệu đồng. Một trường hợp khác là bệnh nhân T.Q.H., ở phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh, điều trị nhiễm trùng tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh hồi tháng 3/2023. Theo chị T.H.T. (người nhà bệnh nhân), quá trình điều trị tại bệnh viện không chỉ em trai chị mà rất nhiều bệnh nhân phải ra ngoài mua từ cái kim luồn, ống dẫn lưu, chai nước muối đến thuốc men. Đây đều là những mặt hàng nằm trong danh mục BHYT chi trả.

Trong suốt đợt điều trị 3 tuần, em trai của chị T. phải bỏ ra số tiền gần 15 triệu đồng để mua một số loại thuốc, vật tư và làm xét nghiệm bên ngoài. “Bệnh viện nào cũng kêu thiếu hóa chất, sinh phẩm, thuốc men. Trong khi ra mấy hiệu thuốc ngoài lại mua được. Nếu kéo dài tình trạng này, người bệnh tham gia BHYT sẽ không được đảm bảo quyền lợi” - chị T. nói.

Sở Y tế Hà Tĩnh và lãnh đạo BVĐK tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận, tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, thậm chí cả thuốc điều trị trong thời gian qua không chỉ gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân tham gia BHYT. Đặc biệt là những bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, đối tượng chính sách. “Lâu nay hộ nghèo được chi trả 100% chi phí điều trị. Tuy nhiên, như mấy tháng vừa qua, bệnh nhân nghèo cũng phải ra ngoài làm xét nghiệm và mua các loại vật tư bệnh viện đang thiếu, rất thiệt thòi cho người nghèo” - lãnh đạo BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết.

Nên sửa đổi quyết định đấu thầu?

Ông Võ Viết Quang - Trưởng phòng Giám định BHYT, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, địa phương có hơn 1,54 triệu người tham gia BHYT (tỷ lệ bao phủ đạt 94%). Riêng tháng 3/2023, có hơn 175 nghìn người tham gia BHYT đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. “Đơn vị thường xuyên giám sát, theo dõi tình trạng thiếu thiết bị, vật tư y tế, hóa chất sinh phẩm và nhận thấy thiếu chủ yếu ở BVĐK tỉnh và BVĐK TP Hà Tĩnh. Việc thiếu thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia BHYT và chất lượng khám, chữa bệnh” - ông Quang nói.

Kết quả giám sát của Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh ngày 4/4/2023 về tình hình cung ứng thuốc, thiết bị, hóa chất trong khám, chữa bệnh BHYT cho thấy, thiếu hoàn toàn 140 loại thuốc tại 12 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT. Trong đó chủ yếu là vị thuốc y học cổ truyền, dược liệu. Những thuốc này tổ chức đấu thầu tập trung nhưng không có nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu hoặc nhà thầu dự thầu nhưng không trúng thầu do vượt giá.

Thiếu không hoàn toàn 59 loại thuốc tại 7 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT. Những thuốc này không trúng thầu tuy nhiên cơ sở khám, chữa bệnh còn tồn kho theo kết quả thầu cũ hoặc có thể chuyển sang sử dụng loại khác thay thế.

Thiếu hoàn toàn 59 loại vật tư y tế, hóa chất tại 5 cơ sở khám, chữa bệnh do chưa có kết quả thầu mới, nhà thầu không đồng ý gia hạn thời gian thực hiện thỏa thuận khung mua sắm tập trung theo chủ trương của UBND tỉnh tại văn bản số 187/UBND-TH1 về việc gia hạn thời gian thực hiện Thỏa thuận khung mua sắm tập trung vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm của Ngành Y tế năm 2020 hoặc đồng ý gia hạn nhưng không có nguồn hàng. Thiếu không hoàn toàn 78 loại vật tư y tế, hóa chất tại 4 cơ sở khám chữa bệnh do nhà thầu không đồng ý ký phụ lục gia hạn thời gian thực hiện thỏa thuận khung mua sắm tập trung vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm.

Thời gian qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng cơ quan chức năng đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Giải pháp trước mắt, UBND tỉnh đồng ý cho phép các đơn vị tự tổ chức mua sắm để đảm bảo vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Tại thông báo Kết luận của UBND tỉnh Hà Tĩnh, ngày 27/4/2023 mới đây giao: “Sở Y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo cơ sở y tế tổ chức thực hiện mua sắm kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, phục vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh”.

Trong khi, thỏa thuận khung đã hết hiệu lực vào ngày 28/4/2023, các bệnh viện không thể ký hợp đồng tự mua sắm. Bởi bệnh viện tự mua sắm (gói dưới 100 triệu đồng) cũng vi phạm vì các mặt hàng vật tư, hóa chất, sinh phẩm thiếu đều thuộc danh mục mua sắm tập trung.

Để giải quyết tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, ông Võ Viết Quang đề xuất bãi bỏ đấu thầu, mua sắm tập trung và giao quyền tự chủ cho các sở, ngành, đơn vị khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, phải có cơ chế kiểm soát giá cả để tránh thị trường nhiễu loạn.

Một cán bộ trong ngành tài chính Hà Tĩnh đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh cần sớm sửa đổi Quyết định 172 của UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 14/1/2019 về đấu thầu, mua sắm tập trung để sửa đổi phù hợp với thực tiễn. Giao quyền tự chủ cho các đơn vị nhưng đề ra định mức mua sắm cụ thể (dưới 200 hoặc 300 triệu đồng) để đảm bảo theo quy định của Luật và Nghị định về quản lý, sử dựng tài sản công.

Theo Hạnh Nguyên - daidoanket.vn