Stent động mạch vành là những khung kim loại dài 1-3 cm, đường kính 2,5-4 mm, được đưa vào trong mạch bị tắc hẹp để phục hồi lưu thông máu tới cơ tim, theo Hội Tim mạch Việt Nam.

Dụng cụ kích cỡ chỉ tương đương que tăm, là vật tư can thiệp tim mạch đắt nhất trong gói mua sắm của Bệnh viện Tim Hà Nội năm 2016, giá 37 triệu đồng mỗi chiếc.

Phải gần 6 năm sau, khi vụ án bị điều tra, giá thật của vật tư này mới được nhà chức trách xác định chỉ hơn 17 triệu đồng, chưa bằng nửa giá ký với nhà thầu. Hơn 2.300 stent thuộc danh mục 4.500 vật tư bị thổi giá trong vụ án Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng do cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn "chỉ đạo, quyết định", theo cáo buộc của VKSND Tối cao.

Ông Tuấn, 56 tuổi, cùng 11 đồng phạm (trong đó có 4 cựu cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội) sẽ ra tòa ngày 17/4, trong phiên xét xử kéo dài 5 ngày.

Cáo trạng thể hiện, cuối năm 2015, Bệnh viện Tim Hà Nội thu thập báo giá, chuẩn bị đấu thầu mua sắm vật tư cho cả năm 2016, tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Lúc này, ông Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Nga, và Phan Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty cổ phần Kim Hoà Phát, đều kinh doanh dụng cụ, vật tư y tế và có "quen biết từ trước" đã gặp ông Tuấn bàn chuyện làm ăn, như công thức điển hình của các vụ tham nhũng đầu tư công.

g-1681525293.jpg
Ông Nguyễn Quang Tuấn là đại biểu Quốc hội khóa 14 song tháng 5/202 đã bị rút khỏi danh sách chính thức ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị bầu cử số 10 của Hà Nội. Ảnh: VGP

Theo cơ quan điều tra, hai doanh nhân xin ông Tuấn để công ty họ bán vật tư cho bệnh viện theo giá tự đề xuất và được đồng ý. Biết kế hoạch đã được giám đốc Tuấn duyệt, bị can Đoàn Trọng Bình, Phó phòng Vật tư y tế của Bệnh viện Tim Hà Nội, yêu cầu hai công ty này cung cấp các báo giá, để đảm bảo chắc chắn trúng thầu. Ông Bình cùng người đồng cấp Nghiêm Tuấn Linh xây dựng danh sách mua sắm và dự toán, dựa trên báo giá hai công ty trên cung cấp.

Ký biên bản họp mua sắm mà không cần họp

Để hợp thức hóa thông tin này, ông Bình lập biên bản họp của Hội đồng mua sắm của bệnh viện, thể hiện có bàn bạc nội dung trên và đưa cho 8 thành viên ký, dù thực tế, Hội đồng này chưa từng họp, VKS cáo buộc.

Sau khi được giám đốc Tuấn ký duyệt danh mục, lần thứ hai ông Bình và Linh yêu cầu 8 thành viên Hội đồng mua sắm ký các biên bản họp khống. Lần này, "cuộc họp" bàn về lựa chọn đơn vị thẩm định giá.

Nhà chức trách cáo buộc, ông Tuấn thực tế đã "nhắm" trước và có thỏa thuận với Công ty thẩm định giá AIC. Hội đồng mua sắm của Bệnh viện Tim Hà Nội không được họp bàn, thống nhất gì.

AIC theo chỉ đạo của ông Tuấn, không khảo sát thực tế, không so sánh giá thị trường mà đưa ra các chứng thư thẩm định khớp với giá hai nhà thầu Hoàng Nga và Kim Hoà Phát đã đưa ra từ trước.

VKS đánh giá hành vi này của 3 bị can thuộc AIC vi phạm Quy tắc đạo đức hành nghề, do Bộ Tài chính ban hành. Đó là "không được thẩm định giá khi ý kiến, kết luận thẩm định và kết quả thẩm định giá được đề ra có chủ ý từ trước".

Tại cơ quan điều tra, họ thừa nhận giá thẩm định chỉ dựa trên giá Bệnh viện Tim Hà Nội đưa ra. Đây cũng chính là giá Công ty Hoàng Nga và Kim Hoà Phát xây dựng.

Tới giai đoạn đấu thầu, Phó phòng Vật tư y tế Nghiêm Tuấn Linh áp dụng "cách cũ": lập sẵn hồ sơ để các thành viên Tổ chuyên gia và Tổ thẩm định chỉ việc ký mà không cần họp vì đã "biết rõ việc thông đồng về giá", cáo trạng nêu.

Đúng kế hoạch, Công ty Hoàng Nga và Kim Hoà Phát nằm trong các doanh nghiệp trúng thầu, và trúng những gói thầu giá trị lớn nhất, lần lượt 41,6 và 11,5 tỷ đồng.

Kết quả thầu được giám đốc Tuấn ký phê duyệt ngày 31/3/2016. Song thực tế, phía Hoàng Nga đã gửi cho viện 109 stent, trước khi công bố kết quả thầu.

Theo yêu cầu của Cơ quan điều tra Bộ Công an, Hội đồng định giá tài sản cấp Bộ thẩm định lại giá các vật tư này và kết luận, 6 loại vật tư được hai công ty bán đều bị đội giá cao hơn thực tế 2-22 triệu đồng. Trong đó, cao nhất là stent, bị Công ty Hoàng Nga thổi giá từ 17,6 triệu đồng lên 37 triệu đồng mỗi chiếc, tức hơn hai lần.

4-1681525348.PNG
 

Cuộc thông thầu cho năm 2016 trót lọt. Năm 2017, 4 gói thầu liên tiếp được tự động giao cho Hoàng Nga và Kim Hoà phát mà không cần đấu thầu lại.

Theo cáo buộc, để thực hiện việc này, ông Tuấn gửi công văn lên Sở Y tế, Sở Tài chính Hà Nội và Trung tâm mua sắm công đề xuất áp dụng kết quả đấu thầu từ 2016 để áp dụng cho năm 2017, tức chỉ định thầu rút gọn. Các cơ quan trên đều có văn bản chấp thuận, nhưng yêu cầu "phải đảm bảo tuân thủ Luật Đấu thầu".

Cụ thể, Luật Đấu thầu quy định, hình thức chỉ định thầu rút gọn chỉ được áp dụng khi có yêu cầu "cấp bách", cần triển khai ngay, tránh nguy hại trực tiếp đến "tính mạng, sức khỏe và tài sản cộng đồng". Song thực tế, cơ quan điều tra cáo buộc Bệnh viện Tim Hà Nội chỉ định thầu rút gọn, ngoài phục vụ khám chữa bệnh, còn để "thanh toán tiền hàng đã sử dụng trước của các nhà thầu".

Nhà chức trách kết luận từ 2015, ông Tuấn đã có chủ trương cho các nhà thầu này ký gửi vật tư tại Bệnh viện Tim để dùng trước. Chuỗi hành vi gian lận, thổi giá nêu trên nhằm hợp thức việc trúng thầu để thanh toán nốt tiền cho doanh nghiệp.

Tổng hợp hai năm thông thầu, Hoàng Nga và Kim Hoà Phát đã hưởng chênh lệch lần lượt 47 tỷ và 6,6 tỷ đồng từ bán vật tư khống giá cho bệnh viện. Tổng 53,6 tỷ đồng này được xác định là thiệt hại vụ án.

Ông Tuấn tự nguyện khắc phục 6,23 tỷ đồng

Tại cơ quan điều tra, ông Tuấn khai được ông Đảng biếu tiền mặt tại phòng làm việc ở bệnh viện, vào dịp Tết âm lịch 2016 và 2017, tổng 10.000 USD (hơn 230 triệu đồng). Mục đích việc biếu tiền để cảm ơn ông Tuấn đã tạo điều kiện để công ty Hoàng Nga trúng 5 gói thầu. Lời khai được ông Đảng xác nhận.

Ngoài ra, nhà chức trách cáo buộc, ông Tuấn cũng giao cho cấp phó, Hoàng Thị Ngọc Hưởng, yêu cầu các công ty trúng thầu phải trích lại 2-5% giá trị gói thầu dưới hình thức "hỗ trợ bệnh viện" chi hội thảo, đào tạo bác sĩ... Do đó, Hoàng Nga nộp mỗi năm 300 triệu đồng, song các khoản đều không được kế toán hạch toán.

lp-1681525383.jpg
Cựu phó giám đốc bệnh viện tim Hà Nội Hoàng Thị Ngọc Hưởng khi bị bắt. Ảnh: Bộ Công an

Trong vụ án, bà Hưởng được xác định với vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng mua sắm, Tổ trưởng Tổ thẩm định, biết rõ việc ông Tuấn và nhà thầu thông đồng nâng giá vật tư "vẫn ký hợp thức hóa các biên bản họp, tờ trình, ký các hồ sơ, báo cáo" để hợp thức hóa quy trình đấu thầu vật tư năm 2016.

Do nghỉ hưu từ 30/9/2016, bà Hưởng được cho rằng chỉ liên quan sai phạm của gói thầu năm 2016. Cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm với bà trong 4 gói thầu năm 2017.

Trước phiên xét xử, nhà chức trách cho hay, ông Tuấn tự nguyện nộp khắc phục 6,23 tỷ đồng. Hơn 21 tỷ đồng đã được các bị can nộp lại. 13 bất động sản của 6 bị cáo đang bị kê biên.

Ông Tuấn là đại biểu Quốc hội khóa 14, nhiều năm làm giảng viên bộ môn Tim mạch, Đại học Y Hà Nội. Từ tháng 3/2020 đến khi bị bắt, ông từng giữ các cương vị Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hiệu trưởng Cao đẳng Y tế Bạch Mai; Chủ tịch Hội Tim mạch học Hà Nội; Ủy viên Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ miền Bắc thuộc Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương.

Năm 2016, ông Tuấn được trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú song bị thu hồi vào tháng 1/2022.

Theo Thanh Lam - vnexpress.net