Mỗi khi nhắc về gia đình mình, ông Nguyễn Tấn Huỳnh, 74 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam luôn tự hào về 2 người thân của mình đã hi sinh vì sự nghiệp cách mạng, đó là người anh trai liệt sĩ Nguyễn Công Tòng, Tham mưu phó Trung đoàn 2 Sư đoàn 3 - Sao Vàng hi sinh năm 1970 tại chiến trường Nam Trung bộ (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) khi vừa bước qua tuổi 35 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và người anh thứ hi sinh năm 1971 ở chiến trường Tây Nguyên (tỉnh Gia Lai).

ii-1722480732.jpg
Ông Nguyễn Tấn Huỳnh, Chi Hội trưởng Người cao tuổi thôn Tịch Tây.

Để ghi nhớ công lao của Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Công Tòng, một con đường được mang tên anh ở thị trấn Núi Thành. Mẹ của 2 liệt sĩ được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng như thế nên lúc nào trong ông cũng dâng trào niềm tự hào. Mỗi khi nhắc đến câu chuyện về 2 người anh của ông anh dũng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đối với ông và gia đình là những kí ức đau thương, nhưng cũng là niềm tự hào.

Chính vì thế ngay từ những ngày đầu quê hương mới được giải phóng, đất nước trọn niềm vui thống nhất, ông đã tham gia xây dựng xóm làng từ đó đến nay. Hiện là Chủ tịch Hội NCT thôn Tịch Tây.

Tháng 7 năm 1975, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, lúc bấy giờ ông vừa tròn 25 tuổi. Kể từ đó ông đã được giao nhiều công việc khác nhau, kinh qua nhiều chức vụ, giữ nhiều trọng trách để phục vụ Nhân dân, phục vụ quê hương.

Năm 1996, ông trở về với gia đình sau gần 21 năm phục vụ Nhân dân. Nói là nghỉ nhưng ông đâu có nghỉ, 20 năm sau đó tiếp tục làm người “vác tù và hàng tổng” cho đến nay. Lúc nào ông cũng lấy niềm tự hào của gia đình để làm việc, để cống hiến. Ông luôn thể hiện lối sống giản dị, thẳng thắn, tận tâm, có trách nhiệm với công việc, giữ gìn đạo đức trong sáng, mẫu mực, không vụ lợi cá nhân, dám nghĩ, dám làm, gắn bó hết mình với Nhân dân, với xóm làng, với nhiệm vụ… Vì thế tài sản lớn nhất của ông hiện nay là sự mến mộ, tin yêu của người dân địa phương.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương, mất mát của cha, anh là không thể bù đắp. Thế hệ đi trước đã hi sinh xương máu vì độc lập dân tộc. Ngày nay, con cháu trong những gia đình cách mạng ấy vẫn luôn tự hào, khắc ghi và nguyện nối tiếp truyền thống anh hùng, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.