Mong ước này chính là gốc rễ của đạo lí, sống có trước có sau, có thủy có chung, kết nối chúng ta với đạo hiếu - một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.
Tỏa sáng tấm lòng
Đạo hiếu là một giá trị đạo đức truyền thống quý báu, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một gia đình hạnh phúc, xã hội tốt đẹp. Nó được hình thành, phát triển từ nhiều yếu tố khác nhau như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nền nông nghiệp lúa nước, tinh thần đạo hiếu của Phật giáo…
Nền văn hoá của người Việt gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước. Sự gắn bó với đất đai, mật thiết với thiên nhiên đã cho người Việt niềm tin rằng, tổ tiên luôn bên cạnh, đồng hành, chở che giúp họ cùng con cháu vượt qua chông gai, thách thức và luôn phù hộ cho họ có những vụ mùa bội thu, bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Như thế, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp thời kì phụ quyền và nền kinh tế tiểu nông. Do đó, việc thờ cúng được chú ý ngay từ cấp độ gia đình.
Đạo hiếu vốn là một truyền thống văn hóa lâu đời, hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Là người con đất Việt, hẳn không ai không biết đến câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ, kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống, tổ chức ma chay, cúng giỗ khi cha mẹ về với ông bà tổ tiên, đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo làm con. Cho nên, đạo hiếu được thể hiện qua lòng biết ơn, kính trọng, sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, được cụ thể hóa qua lối ứng xử, lối sống, phong tục tập quán, lễ nghi,…
Dịp Tết Nguyên đán, tục thờ cúng và chăm sóc bàn thờ là một trong những bản sắc văn hóa, truyền thống của người Việt. Những ngày giáp Tết, nhà nhà sắm sửa, quét dọn sạch sẽ. Bàn thờ gia tiên luôn được sắp đặt, sửa soạn cẩn trọng, trang hoàng, thơm tho. Công việc này thường diễn ra sau 20 tháng Chạp với niềm tin “Chết không phải là hết”. Bởi cõi này chỉ là cõi tạm, cõi bên kia mới là cõi vĩnh hằng.
Thứ nữa, tín ngưỡng đạo hiếu cũng ảnh hưởng sâu sắc quan niệm Phật giáo về việc báo hiếu phụ mẫu, tổ tiên. Theo quan điểm của Phật giáo, đạo hiếu phải xuất phát từ tấm lòng thơm thảo, từ trái tim giàu lòng yêu thương, phải được giữ gìn, phát huy qua nhiều thế hệ, chứ không phải thực hiện nửa vời, thực hiện theo kiểu có lệ. Ngày nay, quan niệm đạo hiếu Phật giáo vẫn phù hợp với lối sống của người Việt, vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh vừa có ý nghĩa giáo dục về mặt đạo đức. Đạo hiếu Phật giáo vì thế có vai trò quan trọng, góp phần củng cố, khẳng định giá trị, truyền thống tốt đẹp về đạo hiếu của người Việt Nam.
Con người có tổ có tông
Tết Nguyên đán có nhiều tên gọi như Tết Cả, Tết ta, Tết âm lịch, Tết cổ truyền. Tết Nguyên đán là nét đẹp văn hóa, nhân văn, đậm đà bản sắc của người Việt. Từ bao đời nay, Tết Nguyên đán luôn là dịp để con người trở về với quê hương, với nguồn cội. Không khí linh thiêng và nhộn nhịp của Tết Nguyên đán diễn ra khắp nơi, từ không gian nhỏ của gia đình đến không gian rộng lớn của miếu, đình, chùa, trung tâm đô thị, hành chính văn hóa, các thành phố,…
Một năm dẫu có tất bật theo công việc, lao động, học tập, đi ngược về xuôi,… nhưng không một ai không nóng lòng, thổn thức, rạo rực, chờ mong mỗi khi Tết đến Xuân về: “Đi đâu mặc kệ đi đâu/ Đến ngày giỗ chạp phải mau mà về”. Khoảng thời gian quý giá ấy đưa chúng ta trở về, tắm táp trong dòng suối mát rượi, trong lành của gia đình, quê hương, tổ tiên, cội nguồn. Đó cũng là khoảng thời gian chúng ta được nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, lắng nghe tiếng nói của bản thể, không bị vùi lấp, đổi thay bởi sắc lạnh của đồng tiền, danh vọng và quyền lực. Chúng ta như xích lại gần nhau hơn, tận hưởng và hết mình trong mối giao hòa tuyệt diệu của đất trời, vạn vật, cỏ cây.
Việc chuẩn bị, bài trí trên bàn thờ tùy thuộc vào gia cảnh của mỗi nhà nhưng tối thiểu phải có mâm ngũ quả và một tấm lòng thành kính, biết ơn. Bởi thế, trong quan niệm của người Việt, không gian thờ tự được xem là nơi thể hiện sự tôn trọng, là nguyên tắc đạo đức, là giềng mối vô hình nhưng đầy mật thiết giữa các thế hệ. Việc chăm sóc bàn thờ tổ tiên không chỉ thể hiện truyền thống, đạo lí “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, mà còn giúp chúng ta ý thức chăm sóc, gìn giữ cái phần hồn của mình. Nén hương như là cầu nối, gửi gắm những ước nguyện, lòng thành của người đang sống với người đã khuất. Làn khói mong manh nhưng chứa đựng biết bao tình cảm. Tình cảm theo khói hương bay lên thơm ngát. Chăm sóc bàn thờ tổ tiên vì thế là cội nguồn của đạo hiếu, truyền thống tốt đẹp của người Việt.
Công việc lau dọn bàn thờ, thờ cúng tổ tiên được mở rộng hơn về mặt đạo đức, đạo lí, từ vấn đề gắn kết, tôn trọng của gia đình còn hướng đến vấn đề gắn kết, tôn trọng của xã hội, của dân tộc. Công việc tưởng giản đơn nhưng trong đó ẩn chứa những giá trị nhân văn lớn lao. Về phía các thành viên trong gia đình, họ như được tiếp thêm niềm tin, nguồn sống, bản lĩnh để có thể chống chọi những va đập nghiệt ngã của cuộc sống. Sự thanh sạch trong tâm hồn sẽ mở ra những hành động, lối sống văn minh và lành mạnh. Lúc này, tín ngưỡng thờ cúng vừa gắn bó các thành viên trong gia đình, vừa gắn bó giữa các thành viên với xã hội. Cứ thế, thế hệ này đến thế hệ khác đảm nhiệm trọng trách gìn giữ nền nếp gia phong, đạo hiếu, góp phần bảo tồn, phát triển, tôn vinh và lan tỏa giá trị văn hóa quý báu của dân tộc.
Tục thờ cúng tổ tiên ngày Tết đã tạo nên đời sống văn hóa tâm linh phong phú, là nét đẹp truyền thống về đạo hiếu của người Việt, trở thành phương tiện gắn kết gia đình và người trong dòng họ. Tết do vậy không chỉ là không gian của gia đình mà còn là không gian đoàn kết, tương thân tương ái, cố kết của cộng đồng. Khi chúng ta thắp lên ngọn nến long trọng, trang nghiêm tưởng nhớ ông bà tổ tiên là chúng ta cũng đồng thời thắp lên ngọn lửa tự hào dân tộc, ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đang khôn nguôi thổn thức, trào sôi trong trái tim.