Trong đời sống văn hóa nước ta, tranh Tết đã có tự xa xưa. Bên cạnh tranh thủy mặc, tranh chạm trổ xà cừ, tranh sơn son thếp vàng trong các nhà quyền quý còn có tranh bình dân. Tranh bình dân gồm những dòng tranh dân gian như: Đông Hồ, Hàng Trống, làng Sình… đây là những dòng tranh phổ biến, có chất liệu đơn giản, thường được in trên giấy dó. Tranh được in hàng loạt bằng các khuôn khắc gỗ. Chính vì vậy, tranh dân gian không đa dạng về đề tài, màu sắc cũng như nội dung. Thế nhưng, tranh dân gian lại có cả đề tài cao quý lẫn đề tài đời thường như: Lý ngư vọng nguyệt; tùng, cúc, trúc, mai; long, ly, quy, phượng; đám cưới chuột; hứng dừa, các loại hoa… Một ưu điểm khác nữa của tranh dân gian là giá thành rẻ, phù hơp với túi tiền của người lao động, phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ cũng như nhu cầu của đông đảo quần chúng nhân dân.
Là một trong những bức tranh tiêu biểu của dòng tranh Hàng Trống, bức “Cá chép trông trăng” rất được ưa chuộng để treo trong nhà ngày Tết với mong ước thịnh vượng. Đặc biệt nhà nào có con cháu đang trong tuổi học hành thi cử lại mang thêm ý nghĩa cầu công thành danh toại.
Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, vào các phiên chợ gần Tết, đặc biệt là chợ Tết (phiên cuối cùng của năm cũ) không mấy ai bỏ qua hàng tranh ảnh, câu đối Tết. Mỗi gia đình, không kể nhà tranh hay nhà ngói, ai cũng muốn sắm cho mình một bức tranh Tết căng ra trang trí cho căn nhà thêm phần sang trọng và ấm cúng. Những năm 80, tranh ảnh Tết thường được in trên những chất liệu giấy cứng nhưng cũng không đẹp lắm. So với bây giờ, giấy thời ấy chưa đủ trắng, không dày, không bóng, màu sắc cũng không tươi và đa dạng. Sau này, khi công nghệ in phát triển, rồi hàng hóa Trung quốc thâm nhập vào Việt Nam thì có tranh ảnh được sản xuất tại Trung Quốc với giấy ni lông bóng láng, hình ảnh rất sắc nét. Có lẽ thương nhân Trung Quốc rất hiểu văn hóa Việt Nam bởi sự tương đồng văn hóa hai nước nên các loại tranh Trung Quốc cũng có đề tài gần gũi với tranh Tết người Việt như cảnh thiên nhiên, ngũ quả, hoa, cuốn thư… Tranh ảnh Việt thời điểm này cũng đa dạng không kém, chủ yếu là những tờ lịch bản lớn, kích thước khoảng 50cm x 80cm hoặc 60cm x 100 cm. Thời điểm này tranh ảnh có thêm nhiều đề tài, hình ảnh cũng đa dạng hơn so với trước đây như: người đẹp áo dài, biệt thự, vườn hoa, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, cảnh nước ngoài…
Các bức tranh, ảnh được dán bằng cơm lên vách nhà tranh. Với tường nhà thì người ta gấp giấy làm lòng đèn đè lên mép bức tranh rồi đóng 4 chiếc đinh ở 4 góc tranh, nếu tranh to thì dùng từ 6 đến 8 chiếc đinh. Chính vì vậy, nhà nào nhà nấy vì treo tranh mà tường nhà nham nhở các vết đinh. Nói vậy để thấy rằng, một thời chúng ta thưởng thức nghệ thuật như thế, đơn giản, không cầu kì phô trương nhưng cũng đầy thi vị.
Họa sĩ Nguyễn Đình Truyền, người có thời gian vẽ trang trí cho Công ty Vật phẩm văn hóa Nghệ Tĩnh cho biết: Năm xưa, không khí chơi tranh Tết tấp nập lắm. Vào những dịp giáp Tết, đi ra đường là thấy các hiệu sách, các cửa hàng tạp hóa trưng ra những tranh ảnh Tết, câu đối, cuốn thư với những màu xanh, đỏ, tím, vàng… rực rỡ. Họa sĩ Nguyễn Đình Truyền kể tiếp: khoảng những năm 80, 90, cứ mỗi dịp trước tết, tôi và một số họa sĩ được các công ty in, công ty vật phẩm văn hóa đặt hàng vẽ trang trí cho những kiểu mẫu câu đối, cuốn thư, tranh ngũ quả, tranh lộc bình… Chúng tôi vẽ phác họa trên một bản thảo có kích cỡ tương đương với sản phẩm khi in ra. Kích thước thường là 1,2m x 0,25m, cũng có khi kích thước là 1,4m x 30 để in 02 cặp câu đối. Sau khi họa sĩ vẽ xong thì nhân viên kĩ thuật can một lớp giấy bóng mờ rồi in ra. Để cho ra đời một sản phẩm tranh, ảnh tết đẹp sẽ mất khá nhiều công đoạn nhưng các bước chính cơ bản là thế.
Tranh ảnh Tết làm cho một góc chợ từ quê đến phố trở nên rực rỡ. Trong bối cảnh xã hội xưa không nhiều những vật phẩm trang trí giá trị, có lẽ tranh ảnh Tết là một trong những mặt hàng “quý phái” nhất.
Một họa sĩ khác cũng có thời gian khá dài tham gia vào thị trường tranh ảnh Tết năm xưa là họa sĩ Hồ Thiết Trinh, ông kể: Trong khoảng thời gian những năm đầu thập kỷ 80, khi ông mới về công tác tại Nhà Xuất bản Nghệ Tĩnh thì phong trào chơi tranh Tết của dân ta rất sôi động. Mỗi năm, Nhà Xuất bản Nghệ Tĩnh in ra hàng vạn sản phẩm tranh ảnh Tết, cuốn thư, câu đối… bán đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Khoảng tháng 7 hàng năm là Nhà Xuất bản đã chuẩn bị màu và chế bản, khoảng tháng 9 tháng 10 bắt đầu in, tháng 11 thì tiếp tục in và đưa ra thị trường. Đến tháng 12 thì công việc in ấn cũng như phân phối các sản phẩm văn hóa Tết bước vào giai đoạn cao trào. Trước Tết chừng một tháng, các anh chị em cán bộ nhân viên Nhà Xuất bản thường xuyên phải có mặt ở chợ Vinh để phân phối sản phẩm. Tại đây, các tiểu thương ở Vinh tranh nhau mua hàng, những người kinh doanh từ các huyện và ngoài tỉnh cũng đổ về lấy hàng. Tuy nhiên, từ năm 2010 về sau thì hoạt động sản xuất kinh doanh tranh ảnh Tết của Nhà Xuất bản Nghệ An đã không còn nhộn nhịp như trước nữa. Nhu cầu chơi tranh Tết, ấn phẩm văn hóa Tết của dân giảm đi rõ rệt.
Không biết chính xác từ bao giờ thú chơi tranh ảnh Tết của Nhân dân ta mai một rồi dần mất hút. Có lẽ, trong xã hội hiện nay những người đam mê chơi tranh thì vẫn chơi quanh năm chứ không riêng gì dịp Tết. Vả lại, những bức tranh hiện nay có thể treo từ năm này qua năm khác nên người ta không còn nữa cái háo hức đi mua tranh mỗi dịp Tết đến xuân về. Nhớ lại một thời, đời sống vật chất của Nhân dân ta có thể nghèo nhưng đời sống tinh thần thì vô cùng phong phú. Thú chơi tranh ảnh Tết muôn đời vẫn là một thú chơi thanh nhã cần được phát huy./.