Với thực trạng dạy thêm, học thêm đang diễn ra trên địa bàn, UBND TP. Hà Tĩnh ban hành văn bản về việc tổ chức phát động "Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm" giúp học sinh giảm áp lực và có ngày nghỉ bổ ích.
Theo đó, UBND TP Hà Tĩnh đã phong trào “Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm” vừa được phát động vào ngày 7/11 với mục tiêu để giáo viên, học sinh giảm bớt áp lực dạy và học, có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn cùng gia đình sau một tuần. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục TP Hà Tĩnh trong mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc.
Dù mới phát động phong trào, song phần lớn trường học tại TP Hà Tĩnh đã đồng loạt tuyên truyền và nhận được sự đồng tình của đa số giáo viên, phụ huynh và học sinh. Cô Nguyễn Thị Thương - Hiệu trưởng Trường THCS Đại Nài - nói rằng, đây là một phong trào rất hữu ích, để học sinh có điều kiện phát triển toàn diện. Thực tế, việc dạy thêm ở nhà giúp một số giáo viên có thêm nguồn thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt. Song, khi được phổ biến về ý nghĩa của ngày Chủ nhật, tất cả giáo viên của trường đều đã ngừng dạy thêm ngày này, đồng thời lan tỏa thêm trên các trang mạng xã hội…
Trên thực tế, với tâm lý sợ con không theo kịp bạn bè nên hầu hết các phụ huynh đều tìm chỗ cho con học thêm. Điều này đã trở thành “phong trào” đối với phụ huynh. Có cung ắt hẳn có cầu khiến tình trạng dạy thêm, học thêm đã trở nên khá tràn lan trên khắp các địa bàn. Hiện tượng vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm vẫn còn diễn ra đã gây ra những áp lực và ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý, thể chất, cũng như thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí của học sinh.
Sau chủ trương “Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm” đã lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành giáo dục ở TP Hà Tĩnh, đã nhận được sự đồng tình cao từ các nhà trường, thầy cô, phụ huynh.
Anh Lê Đức Thắng (SN 1986, có con học lớp 4 phường Thạch Quý), cho biết trước đây ngoài học ở trường anh cho con học thêm 5 buổi, 2 ngày thứ 7 và chủ nhật đều phải học.
"Thấy con học nhiều quá vợ chồng tôi rất áp lực và thương cháu. Nhưng thấy con người ta đi học thêm đều mà con mình ở nhà thì sợ thiếu kiến thức. Chính vì thế, việc tổ chức phát động "Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm" chúng tôi rất đồng tình", anh Thắng nói.
Học thêm là một trong những giải pháp có ích, cần thiết, giúp cho các em yếu theo kịp bạn học của mình, học sinh giỏi có thể phát triển thêm năng lực. Tuy nhiên, nếu lạm dụng việc học thêm gây ra nhiều hệ lụy, áp lực, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tinh thần và thể chất của các học sinh.
Với quan điểm đồng tình và ủng hộ cao phong trào “Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm", chị Nguyễn Thị Thảo (trú phường Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh) chia sẻ, gia đình hoàn toàn ủng hộ chủ trương “Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm” và mong muốn bên cạnh đó, thành phố tạo thêm nhiều sân chơi thiết thực, phù hợp lứa tuổi để trẻ có thể tham gia vào các ngày cuối tuần.
Cô Trần Thị Thủy Nga - Trưởng phòng GD&ĐT TP. Hà Tĩnh cho biết, phòng đang tích cực vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định. Việc phát động "Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm" nhận được sự đồng tình rất cao của các giáo viên, phụ huynh, học sinh.
"Thực tế ngày chủ nhật phải để các em học sinh tham gia các hoạt động thể thao, có thời gian nghỉ ngơi gần gũi bên gia đình. Các giáo viên họ cũng thấy thoải mái, không bị áp lực. Đây cũng là vấn đề để xây dựng một trường học hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc", Trưởng phòng GD&ĐT TP. Hà Tĩnh cho hay.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho giáo viên, phụ huynh về ý nghĩa của vệc thực hiện "Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm" góp phần giảm áp lực, căng thẳng trong học tập, đảm bảo sự hài hòa, khoa học trong bố trí thời gian học tập và vui chơi giải trí, giúp các em học sinh phát triển theo tự nhiên, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật./.