Lễ viếng nhạc sĩ Phú Quang được tổ chức từ 7 giờ 5 đến 8 giờ 45 ngày 13-12-2021 (tức ngày 10-11 năm Tân Sửu), tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Từ rất sớm, người thân, gia đình, bạn bè cùng đông đảo người hâm mộ có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia để tiễn đưa nhạc sĩ tài hoa.

7cc15ae3eaa103ff5ab0-1639355316.jpg
Tang lễ nhạc sĩ Phú Quang được tổ chức sáng 13-12. Ảnh: Hòa Nguyễn

Nhạc sĩ Phú Quang (1949-2021) đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 8 giờ 45 sáng ngày 8-12-2021 (tức ngày 5-11 năm Tân Sửu) tại bệnh viện hữu nghị Việt Xô sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo.

Sự ra đi của ông là một mất mát to lớn với nền âm nhạc nước nhà, với Hà Nội - nơi ông đã gắn bó, đã rời xa, đã đau đáu nhớ thương và đã trở về.

Đó còn là niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, tang quyến, bạn bè cộng sự, những thế hệ ca sĩ học trò được ông dìu dắt và của quý khán giả mà ông luôn trân trọng.

Hai năm qua, sức khỏe nhạc sĩ rất yếu. Ông bị tiểu đường biến chứng cộng thêm ung thư đại tràng, được điều trị đặc biệt tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. Nhạc sĩ phải thở máy và lọc thận mỗi tuần.

2-1639355339.jpg
Người thân, gia đình, bạn bè cùng đông đảo người hâm mộ có mặt tại nhà tang lễ để tiễn đưa nhạc sĩ - Ảnh: Hòa Nguyễn

Nhạc sĩ Phú Quang có một tuổi trẻ đầy ký ức Hà Nội, từ những con phố êm đềm tới trận bom B52 trút xuống Khâm Thiên năm 1972. Và vì thế, với ông, "mối tình đầu và mối tình đẹp nhất cũng đều ở Hà Nội". Trong kho tàng hơn 600 bài hát của ông, đa số sáng tác viết về Hà Nội.

Phú Quang từng chia sẻ ông yêu Hà Nội vì Hà Nội là quê hương. Ông là một phần của Hà Nội, nên lẽ đương nhiên như bao người có quê khác, ông thiên vị với Hà Nội. Thêm vào đó, ông là một "thổ dân" của Hà Nội chứ không phải là một lữ khách thích ồn ào thường vội vàng lướt qua rồi không ngoái đầu nhìn lại. Ông quan sát Hà Nội kỹ, cảm nhận sâu, hiểu Hà Nội tỉ mỉ hơn người khác, và bởi thế mà yêu say đắm.

Nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca. Những bản tình ca ấy được viết xuất phát từ những rung động, xúc cảm từ tình yêu có thật và cả mơ mộng, khát vọng, ám ảnh về tình yêu. Tình yêu trong âm nhạc Phú Quang không chỉ là cuộc tình của con người, mà còn là những giai điệu để tình tự với đất Thăng Long, Hà Nội cổ kính và thanh quý.

Nhiều bài thơ được ông phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Tình khúc 24, Dương cầm lạnh (thơ Dương Tường), Romance (thơ Ý Nhi), Biển nỗi nhớ và em (thơ Hữu Thỉnh), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo)... Phú Quang không phổ nguyên bài mà chọn những ý hay nhất, linh hồn của bài để làm nên những tác phẩm sống mãi với thời gian.

Ca sĩ Tấn Minh, người sát cánh cùng nhạc sĩ Phú Quang trong rất nhiều chương trình của Phú Quang, nhận xét mỗi tác phẩm của nhạc sĩ là một câu chuyện đời. Và mỗi người khi nghe tác phẩm của ông đều thấy mình ở đâu đó, rất gần gũi.

Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng màu sắc âm nhạc trữ tình, tự sự và đoạn điệp khúc bùng nổ cảm xúc là một trong những đặc trưng Phú Quang. Nó phù hợp với "gu" nghe nhạc của người Việt. Phú Quang đã nắm bắt được, hoàn chỉnh và đưa nó đến mức độ phổ cập, "mặc định" với cái tên Phú Quang, khiến ca khúc của Phú Quang sẽ còn cháy mãi trong trái tim người yêu nhạc.

Lễ truy điệu nhạc sĩ được tổ chức từ 8 giờ 45 đến 9 giờ, lễ di quan lúc 9 giờ 05.

Lễ an táng được tổ chức từ 15 giờ đến 17 giờ cùng ngày tại công viên tưởng niệm Thiên Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ./.