Sau khi nhạc sĩ Phú Quang qua đời vào sáng ngày 8/12, trên Fanpage của ông đăng câu hát trong bài “Lời rêu”: "Ngày mai ta bỏ đi/ Trần gian xin trả lại...".
Là một trong những ca sĩ quen thuộc trong các liveshow của nhạc sĩ Phú Quang, ca sĩ Thanh Lam không khỏi bồi hồi: “Cháu nhớ những đêm hát chú cháu bên nhau. Chú đã để lại biết bao bản tình ca Hà Nội sẽ mãi trường tồn”.
Nữ ca sĩ vĩnh biệt người nhạc sĩ mình yêu quý bằng hai câu hát trong ca khúc “Trong miền ký ức” của ông: “Xa xa trong miền ký ức có lẽ một dòng sông. Xa xa đôi bờ dốc nắng mênh mang một chiều đông”.
Trong khi đó, ca sĩ Tùng Dương thổn thức: “Người đã hoàn thiện bức tranh đẹp, thâm trầm của Hà Nội bằng thi ca và âm nhạc. Người đã đi trọn sứ mệnh nghệ thuật của mình. Người nghệ sĩ không còn lang thang hoài trên phố nữa mà đã dạo chơi ở một cảnh giới khác”.
Đạo diễn Tạ Huy Cường bàng hoàng trước tin người nhạc sĩ mình yêu quý đã rời bỏ cõi tạm. Anh nhớ lại một câu thơ ông từng nói với anh và mọi người: “Ai bảo chăn trâu là khổ/Tôi đây chăn bồ, còn khổ hơn chăn trâu. Một câu nói vui đùa của chú làm cho cả ê-kíp bật cười vui vẻ. Nhớ mãi câu nói ấy của chú. Giờ thì không được nghe chú nói nữa rồi. Vĩnh biệt chú, một nhạc sĩ tài hoa, chú đã để lại cho đời hàng chục bài hát tuyệt vời”, anh nghẹn ngào.
Còn với nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, những ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang đã đi theo tuổi trẻ của anh và nhiều bạn bè đồng trang lứa. Trong ngày thi vào trường Nhạc viện Hà Nội, anh đã hát ca khúc “Điều giản dị”, để từ đó bước vào thế giới âm nhạc mà mình mơ ước. Hàng loạt ca khúc như “Tình khúc 24”, “Nỗi nhớ”, “Đâu phải bởi mùa thu”... đã đồng hành cùng anh trong quá trình học tập.
Anh đã rất nhiều lần tiếp xúc, cộng tác với ông trong các sản phẩm âm nhạc của NXB Âm nhạc - Dihavina, hoặc trong các album do Phú Quang tự sản xuất.
Anh cũng từng được một lần duy nhất trong đời đứng chung sân khấu với vị nhạc sĩ cách nay gần 10 năm, trong một chương trình âm nhạc diễn giải dành cho tuổi trẻ, học sinh, sinh viên Hà Nội tổ chức tại Cung Văn hóa Thanh niên Hà Nội (Số 1 Tăng Bạt Hổ). Khi ấy, anh làm người dẫn chương trình và nhạc sĩ Phú Quang là khách mời. Cả hai đã cùng trò chuyện về âm nhạc Hà Nội, về sáng tác của Phú Quang.
“Nhiều khi, ta hay nghĩ nhạc của Phú Quang không được phong phú về màu sắc, hay thậm chí cứ tạm gọi là một màu. Nhưng thực tế, đó lại là đóng góp lớn nhất của ông. Màu sắc âm nhạc trữ tình, tự sự và đoạn điệp khúc bùng nổ cảm xúc là một trong những đặc trưng Phú Quang.
Nó phù hợp với gu nghe nhạc của người Việt và Phú Quang đã nắm bắt được, hoàn chỉnh và đưa nó đến mức độ phổ cập, mặc định với cái tên Phú Quang”, anh nhìn nhận. Đối với anh, rất nhiều ca khúc của Phú Quang sẽ còn cháy mãi trong trái tim người yêu nhạc./.