Tin nhạc sĩ Phú Quang qua đời sau một thời gian chống chọi với bệnh tật làm nhiều người đau buồn. Nhiều ca sĩ, đồng nghiệp của ông không giấu nổi niềm tiếc thương với một người nhạc sĩ tài ba, cả đời sống và sáng tác về những khúc tình ca và Hà Nội.
Phú Quang đặc biệt yêu Hà Nội, ông rất thích đi bộ lang lang quanh các khu phố cổ để ngắm những trầm tích của thời gian, hay đơn giả chỉ là nhìn cuộc sống chân thực của người dân quanh đây. Phú Quang quê gốc ở Hà Nội nên chất hào hoa, phóng khoáng cũng làm nên tính cách của ông.
Ít ai biết rằng, yêu Hà Nội, nhưng ông cũng thích sự phiêu lưu, ông từng có thời gian ở Tp.HCM sinh sống. Người đàn ông gốc Hà Thành muốn đi tìm điều mới lạ và có những chuyện buồn bã muốn giã từ, nhưng chỉ sau ba tháng, ông đã khao khát trở về Hà Nội.
Ông từng kể với Người Đưa Tin: "Tôi nhớ Hà Nội không chịu được nên lại về, tôi thích mùa đông Hà Nội, yêu từng con phố. Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác. Đó cũng là lý do tôi viết về Hà Nội nhiều như vậy".
Những ai quen Phú Quang đều biết ông có thói quen ngồi cà phê mỗi sáng trên quán cá phê đầu phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ông ngồi nhiều tới mức nhân viên ở quán biết ông thích gì, mỗi lần ông đến không cần hỏi Menu, họ mang cho ông một tách cà phê đen và vài gói đường dành cho người ăn kiêng. Ông thích ngắm phố phường vào sáng sớm và gặp gỡ bạn bè. Ở quán cà phê này, nhiều người biết ông. Nhiều lần không hẹn mà gặp, ông và đồng nghiệp đã có những cuộc gặp gỡ ngẫu hứng nhưng rôm rả. Hoặc bất kỳ ai nhận ra ông cũng đến xin ông chụp ảnh cùng, nhưng ông không thấy phiền, vẫn hàng ngày duy trì thói quen uống cà phê của mình.
Ông bảo: "Tôi thích uống cà phê đen đắng, nhiều năm rồi cứ sáng nào cũng phải uống cà phê rồi mới thảnh thơi làm được việc khác. Uống cà phê tại quán rất hay, vừa uống vừa ngắm người đi lại, thấy sảng khoái hơn nhiều. Tôi uống cà phê từ năm 14 tuổi vì hay được bố sai đi pha cà phê. Ông già uống rồi cho tôi thử, mỗi ngày một tí, riết rồi uống được lúc nào không biết. Thói quen này không thể bỏ được".
Với hơn 600 bài hát, trong đó hơn nửa viết về Hà Nội, ông bảo: "Viết về Hà Nội bao giờ cũng có nhiều thú vị riêng. Sáng tác thế nhưng tôi ít làm show, hầu hết những show âm nhạc của tôi đều do những người bạn của tôi hoặc bầu show gợi ý. Nhiều người bảo, Phú Quang nổi tiếng thế sao một năm không làm 2-3 show đi để còn thu tiền? Tôi làm âm nhạc đâu chỉ vì tiền? Vì mình thích thôi.
Có lần chương trình của tôi làm ở Nhà hát Lớn, gần đến giờ diễn còn thấy một cụ già đang thập thò ngoài cửa không vào được vì không có vé. Tôi nhìn thấy hỏi thì cụ bảo, không vào được vì không có vé. Tôi đã đưa vé cho cụ và cụ được vào xem. Hôm sau chương trình còn một đêm nữa, khi tôi lên Nhà hát Lớn thì người bán vé chạy ra chỗ tôi bảo "Cụ già được tặng vé hôm qua gửi anh bao thuốc cảm ơn vì đã tặng vé cho cụ ấy. Chương trình rất hay". Tôi cảm động và luôn muốn làm âm nhạc cho mọi người, để ai cũng nghe được nhạc Phú Quang".
Nhạc sĩ của Hà Nội vừa lên một cuộc hành trình, hành trình này dài nhất của cuộc đời. Ở đó, sẽ không còn những cơn đau bệnh tật hành ông nữa. Ở đâu đó, chắc ông đang hát bài hát của mình: "Dường như ai đi ngang cửa gió mùa đông bắc se lòng/ Chiếc lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi" (Nỗi nhớ mùa đông).
Nhắc về Phú Quang, Diva Mỹ Linh luôn dành cho ông những lời tâm sự chân thật: "Tôi và chú Phú Quang có nhiều kỷ niệm. Chú Quang đi diễn ở đâu cũng hay mời Mỹ Linh đi hát cùng chú. Chú có sức ảnh hưởng ở giai đoạn đầu sự nghiệp của tôi một cách tương đối rõ nét. Và nhạc của chú Quang rất sang trọng, đẹp, thơ. Chú khéo để cảm ca từ, luôn chọn được những tứ chắt lọc vào âm nhạc.
Chú Phú Quang đã tạo cơ hội rất lớn cho chúng tôi. Những bài hát của chú đã làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ thành danh. Chú mất đi là mất mát lớn của nền âm nhạc Việt Nam"./.