Đình làng Tứ Mỹ thuộc thôn Tứ Mỹ, tổng Đậu Xá (nay là thôn Đình, xã Sơn Châu). Nơi đây đã từng diễn ra nhiều cuộc tập hợp lực lượng, đấu tranh của quần chúng nhân dân trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.
Đình Tứ Mỹ - chứng tích hào hùng của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.
Tháng 4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hương Sơn được thành lập tại đình Tứ Mỹ với 17 đảng viên. Nơi đây đã trở thành điểm liên lạc, hội họp của Đảng bộ huyện Hương Sơn. Đình Tứ Mỹ nói riêng, tổng Đậu Xá nói chung được coi là nơi “gieo hạt, nảy mầm” của cách mạng Hương Sơn.
Là một trong những người cao tuổi ở địa phương, ông Đinh Văn Thủy (84 tuổi, trú tại thôn Đình) cho biết: Cha của ông là cụ Đinh Nhụy (1913-1950) - nguyên Thư ký Mặt trận Liên Việt thôn Tứ Mỹ. Cụ Đinh Nhụy tham gia cách mạng từ những ngày đầu Chi bộ thôn Tứ Mỹ được thành lập.
Ông Đinh Văn Thủy giới thiệu về đình Tứ Mỹ.
Tại nhà riêng của cụ Đinh Nhụy thường xuyên diễn ra cuộc họp kín của các đồng chí cốt cán trong chi bộ. Với sự hoạt động tích cực của các đảng viên trong chi bộ, các tổ chức như Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ, Tự vệ đỏ… nhanh chóng được thành lập, tập hợp, cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân.
Trong phong trào Xô viết, đình làng Tứ Mỹ là nơi tập trung đi biểu tình, tranh đấu của Nhân dân Tứ Mỹ, Đậu Xá và một phần miền hạ Hương Sơn. Trước Cách mạng tháng Tám, cán bộ Đảng cũng mở nhiều lớp truyền bá chữ quốc ngữ, đọc sách báo cách mạng cho người dân.
Hiện nay, đình trở thành nơi người dân thờ Bác Hồ và các vị cán bộ lão thành cách mạng.
“Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Tứ Mỹ lại trở thành địa điểm tập trung con em Đậu Xá trước khi lên đường nhập ngũ. Đình như một biểu tượng tinh thần thiêng liêng của người dân làng Tứ Mỹ nói riêng, tổng Đậu Xá nói chung” - ông Thủy chia sẻ.
Năm 1990, đình Tứ Mỹ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hiện nay, đình là nơi thờ Bác Hồ và cán bộ lão thành cách mạng. Đình Tứ Mỹ được người dân, đặc biệt là các ĐVTN thường xuyên chăm sóc, gìn giữ.
Tủ sách ở đình trở thành nguồn tư liệu quý cho cán bộ, người dân xã Sơn Châu.
Tủ sách với hơn 1.000 đầu sách, báo, tạp chí ở đình là nguồn tư liệu quý để cán bộ và Nhân dân trong xã trau dồi kiến thức lịch sử cũng như những kiến thức mới về các lĩnh vực kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội...
Phấn đấu vì mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao
Kế thừa truyền thống anh hùng cách mạng, các thế hệ lãnh đạo và người dân xã Sơn Châu đang ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bà Trần Thị Thúy Linh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Quá trình xây dựng NTM, xã gặp nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, kinh tế còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự đồng lòng, quyết tâm của chính quyền và Nhân dân, Sơn Châu đã đạt xã NTM năm 2014 và đang phấn đấu cho mục tiêu NTM nâng cao vào năm 2022”.
Một minh chứng rõ nét nhất cho sự đồng lòng của người dân trong công cuộc xây dựng NTM là tự nguyện hiến đất để mở đường, đóng góp tiền của xây dựng các công trình văn hóa. Tiêu biểu như các thôn: Đình, Yên Thịnh, Đông, Bãi Trạm, Sinh Cờ...
Nhà văn hóa thôn Yên Thịnh được đầu tư xây dựng khang trang.
Ông Trần Hữu Thọ - Trưởng thôn Yên Thịnh cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, người dân trong thôn đã hiến gần 4.000 m2 đất, đập bỏ hàng trăm mét tường rào kiên cố; đóng góp hơn 2 tỷ đồng và hàng vạn ngày công để mở đường, xây dựng nhà văn hóa, làm kênh mương thoát thải, đường điện... Nhờ đó, Yên Thịnh đã đạt thôn dân cư kiểu mẫu cuối năm 2020”.
Bên cạnh vận động người dân hiến công, hiến của cho phong trào xây dựng NTM, xã còn định hướng xây dựng các mô hình kinh tế trên địa bàn. Địa phương đã linh hoạt khi biến khó khăn về địa hình đồi núi thành thuận lợi cho việc xây dựng các mô hình trang trại, chăn nuôi. Hiện nay, xã đang tập trung phát triển các đàn hươu, dê, ong...
Nuôi hươu mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân xã Sơn Châu (Trong ảnh: Mô hình hươu của gia đình anh Trần Trung Thái - thôn Yên Thịnh).
Chỉ tính riêng hươu, toàn xã đã có trên 1.000 hộ nuôi hơn 2.100 con; mỗi năm thu hoạch hơn 1 tấn nhung, doanh thu gần 20 tỷ đồng. Thu nhập của người dân từ chăn nuôi nói chung, nuôi hươu nói riêng ổn định, đời sống dần được nâng lên. Xã còn có 322 cơ sở hoạt động thương mại, dịch vụ; 3 HTX; hàng chục cơ sở sản xuất các ngành nghề khác.
Chính quyền và người dân xã Sơn Châu phát huy truyền thống cách mạng, lấy đó làm nền tảng xây dựng quê hương.
Làng quê cách mạng nghèo đói năm xưa giờ đây căng tràn sức sống mới với những khu vườn rợp bóng cây xanh, những mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. “Phát huy truyền thống của quê hương, chính quyền và người dân xã Sơn Châu luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng cho mục tiêu xây dựng xã nhà giàu đẹp, văn minh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất chú trọng việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, lấy đó làm nền tảng để phát triển bền vững, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ” - Phó Chủ tịch UBND xã Trần Thị Thúy Linh cho biết.