v-1732287223.jpg
GRDP của Nghệ An 9 tháng đầu năm 2024 ước tăng 8,3%, đứng thứ 16 cả nước, đứng thứ 3 tại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Ảnh: Lê Thắng

Xin ông chia sẻ một số kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An?

Sau 3 năm thực hiện, Nghệ An đã đạt được một số kết quả khá tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2023 bình quân 7,45%/năm, 9 tháng đầu năm 2024 ước tăng 8,3% (đứng thứ 16 cả nước, thứ 3 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung). Quy mô GRDP năm 2023 đạt 193.302 tỷ đồng, gấp 1,33 lần năm 2020, xếp thứ 10/63 địa phương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách nhà nước có nhiều tiến bộ, đặc biệt trong 2 năm 2022 - 2023 đã vượt mốc 20.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 3,11 tỷ USD, là năm thứ 3 liên tiếp vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX đề ra.

v1-1732287275.jpg
 
 
Ông Phạm Hồng Quang

Về đầu tư, giai đoạn 2021 - 2023 có 355 dự án mới đăng ký đầu tư vào Nghệ An, 123 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt trên 148.000 tỷ đồng. Các dự án tăng cả về quy mô, số lượng và chất lượng, trong đó thu hút các dự án FDI là điểm sáng nổi bật. Năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào TOP 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước; năm 2023 lọt vào TOP 8 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh hơn 1,6 tỷ USD.

Toàn tỉnh hiện có 320/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 77,86%. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tích cực, đến nay có 583 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên...

Hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 36/2021/QH15 như thế nào, thưa ông?

Về cơ bản, những cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 36/2021/QH15 đã phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Với nhóm chính sách lĩnh vực tài chính - ngân sách, việc Nghệ An được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên là chính sách phát huy hiệu quả rõ nét nhất, giúp Tỉnh có thêm nguồn lực góp phần đáp ứng nhu cầu chi cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm trên địa bàn, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phòng chống thiên tai. Chính sách được bổ sung không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bắt đầu phát huy hiệu quả từ năm 2023 do Tỉnh đạt được kết quả tích cực về thu xuất nhập khẩu (1.277,946 tỷ đồng, số tăng thu được hưởng theo quy định trên 63 tỷ đồng), giúp Nghệ An có thêm nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ các hãng tàu biển vận chuyển container quốc tế và nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp có hàng hóa xuất, nhập khẩu vận chuyển bằng container đi, đến cảng Cửa Lò.

Nhóm chính sách về phân cấp thẩm quyền trong quản lý rừng, đất đai, quy hoạch đã phát huy hiệu quả rất tốt, giúp tăng tính chủ động trong giải quyết công việc, cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ cho các công trình, dự án trọng điểm của Tỉnh, từ đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tạo điều kiện để thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, vẫn còn một chính sách chưa được Tỉnh khai thác hiệu quả là chính sách cho phép nâng trần hạn mức dư nợ vay của chính quyền địa phương do các dự án ODA đề xuất mới đang trong quá trình làm thủ tục; vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước hiện chưa thực hiện được do chi phí vay cao hơn so với các hình thức huy động khác. Chính sách này vẫn còn dư địa để Tỉnh tiếp tục khai thác hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Việc Quốc hội tiếp tục phê duyệt bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Nghệ An tại Nghị quyết số 137/2024/QH15 có tác động như thế nào đến sự phát triển của Tỉnh? Theo ông, những lĩnh vực nào sẽ có cơ hội bứt phá nhờ cơ chế, chính sách đặc thù?

Nghị quyết số 137/2024/QH15 về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đã thể chế hóa Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có ý nghĩa rất đặc biệt, tạo bước đột phá mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của Tỉnh phát triển nhanh và bền vững không chỉ trong 5 năm tới mà còn tạo nền tảng quan trọng cho những năm tiếp theo.

Các cơ chế, chính sách được bổ sung lần này khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó được kỳ vọng là các chính sách tạo nguồn lực hỗ trợ Tỉnh hoàn thiện đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ và hiện đại, tháo gỡ được điểm nghẽn cơ bản về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trọng điểm để kết nối nội vùng và liên vùng, từ đó mở đường thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, đây là điều kiện quan trọng góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 39-NQ/TW.

Xin ông cho biết cụ thể về công tác tổ chức triển khai Nghị quyết số 137/2024/QH15 và kế hoạch thời gian tới?

Ngày 18/8/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 271-KH/TU triển khai thực hiện Nghị quyết số 137/2024/QH15. Ngày 27/9/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 737/KH-UBND phân công nhiệm vụ chi tiết cho các sở, ngành, địa phương triển khai, xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trọng tâm, trọng điểm gắn với lộ trình cụ thể, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển Tỉnh. Kế hoạch thực hiện của UBND Tỉnh đã cụ thể hóa 4 nhóm nhiệm vụ chủ yếu để triển khai thực hiện hiệu quả đối với từng cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành, đặc biệt là chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm để triển khai thực hiện Nghị quyết số 137/2024/QH15 ngay sau khi có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2025).