Đây là những nhận định hùng hồn, sâu sắc, có tầm chiến lược rộng lớn, có nhãn quan chính trị sắc bén của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Đồng thời, đó cũng chính là sự thấm nhuần sâu sắc truyền thống văn hóa của dân tộc, sự vận dụng linh hoạt và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Do đó, trong mọi giai đoạn cách mạng, nhất là công cuộc đổi mới đất nước hiện nay với bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng và khó lường, trong nước có cả thuận lợi và nhiều thách thức đặt ra. Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vào xây dựng và phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc luôn là vấn đề chiến lược, cấp thiết của cách mạng Việt Nam.
Quan điểm Hồ Chí Minh về khối đại đoàn kết dân tộc
Thứ nhất, theo Người, “Đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết tất cả các thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam (dù thành viên đó sống ở trong nước hay ở nước ngoài), là đại đoàn kết toàn dân thành một khối vững chắc trên cơ sở thống nhất một mục đích chung và thống nhất những lợi ích cơ bản”. Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ rằng: Nói tới đại đoàn kết trước hết phải hiểu là đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân gồm công nhân, nông dân, bộ đội và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Nói rộng ra, đây là đại đoàn kết toàn thể nhân dân Việt Nam. Đó là gốc rễ, nền móng của đại đoàn kết - nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nền vững thì nhà vững, gốc tốt thì cây tốt. Qua đó, chúng ta có thể hiểu rằng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết nghĩa là đại đoàn kết tất cả các dân tộc, các giai cấp, các tôn giáo, đoàn kết mọi giới (nam, nữ), mọi lứa tuổi, mọi vùng miền của Tổ quốc.
Thứ hai, đại đoàn kết toàn dân tộc có vị trí, vai trò quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, nó quyết định sự thành công của cách mạng. Theo Người, đại đoàn kết dân tộc là tư tưởng xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng. Đại đoàn kết dân tộc không những là điều kiện tiên quyết, sống còn đối với sự nghiệp cách mạng mà đại đoàn kết dân tộc còn là mục tiêu, mục đích, là nhiệm vụ hàng đầu mà cách mạng Việt Nam cần hướng tới và đạt tới. Đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược nhằm tập hợp mọi lực lượng của đất nước nhằm hình thành và phát triển sức mạnh to lớn của toàn dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đại đoàn kết dân tộc làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công. Người đã nhiều lần nhắc đến vị trí, vai trò, tác dụng, hiệu quả của đại đoàn kết dân tộc trong quá trình lịch sử của dân tộc Việt Nam: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”[1]. Như vậy, Hồ Chí Minh đã rất coi trọng vị trí, vai trò của đại đoàn kết dân tộc, coi đó là mấu chốt của mọi thắng lợi.
Thứ ba, theo Hồ Chí Minh, lực lượng tham gia đại đoàn kết dân tộc là toàn dân Việt Nam, trong đó nền tảng là sự liên minh chặt chẽ giữa công nhân, nông dân và trí thức. Để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và nhân nguồn sức mạnh đó lên, Người chỉ rõ rằng phải luôn coi trọng việc giác ngộ công nhân, nông dân, trí thức và các tầng lớp khác, kể cả những người trước đây lầm đường lạc lối nhưng đã biết hối cải để họ tham gia vào khối đại đoàn kết dân tộc, bổ sung và phát huy vai trò của họ, làm cho họ trở thành động lực cách mạng quan trọng, trong đó sự liên minh giữa công - nông và trí thức là cơ sở, là cái gốc, là nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc. Thực tế gần 94 năm qua đã cho thấy, sự liên minh giữa công nông và trí thức không những là yếu tố khách quan của cách mạng mà còn là yếu tố quan trọng và là một trong những nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng đại đoàn kết dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là đoàn kết rộng rãi, mở rộng và tranh thủ tất cả những lực lượng mà ta có thể tranh thủ được: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ… Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”[2].
Theo Người, đại đoàn kết dân tộc phải đặt lợi ích tối cao của dân tộc và quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động lên trên hết, đồng thời phải kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, giữa lợi ích giai cấp và dân tộc, giữa lợi ích quốc gia và quốc tế.
Thứ tư, theo Người, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc chỉ được phát huy khi khối đại đoàn kết đó được tập hợp trong một Mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi có Đảng lãnh đạo, khối đại đoàn kết đó là có sức mạnh to lớn, trở thành lực lượng vô địch bởi họ được giác ngộ sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng, được định hướng bởi một đường lối chính trị đúng đắn. Nếu không có Đảng lãnh đạo thì dù khối đại đoàn kết đó có số đông tới hàng triệu người cũng chỉ là một số đông rời rạc, không có sức mạnh. Khi có Đảng lãnh đạo, khối đại đoàn kết dân tộc mới có sức sống bền vững và trường tồn.
Thứ năm, theo Hồ Chí Minh, để thực hiện thành công đại đoàn kết toàn dân tộc, phải có phương thức cụ thể, phù hợp và hiệu quả. Phương thức đó là: Đảng phải tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong vấn đề này, Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ: Việc quan trọng hàng đầu là nội dung tuyên truyền, giáo dục, vận động phải phản ánh đúng những tâm tư, nguyện vọng chính đáng và những lợi ích cơ bản của quần chúng nhân dân. Khi đã có được nội dung tuyên truyền tốt rồi thì phải chú ý đến việc sử dụng hình thức tuyên truyền sao cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể, với từng giai đoạn cách mạng cụ thể. Phải luôn luôn chú ý đến tính hiệu quả của các hình thức tuyên truyền, vận động quần chúng vào khối đại đoàn kết dân tộc. Phải đặc biệt coi trọng việc giáo dục tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo trong cộng đồng người Việt Nam.
Suốt gần 94 năm qua, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là nguồn gốc sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết trong giờ phút quyết định vận mệnh của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần đại đoàn kết, Nhân dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám 1945, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Hiện nay, phát huy tinh thần đại đoàn kết, chúng ta đã giành được những thắng lợi to lớn, toàn diện có ý nghĩa lịch sử trong quá trình đất nước đổi mới: Sau hơn 40 năm của sự nghiệp đổi mới, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, chúng ta đã phấn đấu trở thành một nước đang phát triển có thu nhập ở mức trung bình, có kết quả khả quan trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, kinh tế tăng trưởng ở mức khá. Chúng ta đã nắm vững và luôn luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp có hiệu quả sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế. Không những thế, chúng ta còn đạt được những thắng lợi quan trọng trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc hiện nay
Giờ đây, để tiếp tục phát huy sức mạnh của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, cần thực hiện tốt các vấn đề sau đây:
Một là, phải thường xuyên củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết trong toàn dân, thống nhất thực hiện và tăng cường đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân, cần coi vấn đề đoàn kết, thống nhất là vấn đề hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, phải chú ý giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Đây là một trong những vấn đề quan trọng không thể xem nhẹ bởi vì thực tế lịch sử và thực tế cách mạng gần 94 năm qua đã chứng minh rằng nếu không giải quyết tốt vấn đề thứ hai này thì khó có thể xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc một cách vững chắc, lâu dài.
Ba là, thường xuyên tăng cường khối liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức, trong đó xác định rõ giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo khối liên minh đó. Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức quần chúng (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh…) cần phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc xây dựng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Bốn là, phát huy vai trò làm chủ và thực hiện tốt quyền làm chủ của Nhân dân, giữ vững kỷ cương, phép nước. Cần khẳng định rằng vấn đề xây dựng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn luôn gắn liền với việc phát huy vai trò và thực hiện quyền làm chủ của quần chúng nhân dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội, giữ vững kỷ cương trong đời sống xã hội trên mọi lĩnh vực. Để xây dựng khối đại đoàn kết bền vững, các cấp chính quyền cần chăm lo vấn đề phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo pháp luật, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với nhân dân để hiểu hết tâm tư, nguyện vọng của họ, để họ bày tỏ chính kiến và thực hiện quyền làm chủ của mình.
Năm là, phải tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trở thành một Đảng chân chính cách mạng, xứng đáng Đảng ta là đạo đức, là văn minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Đặc biệt là “giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” như lời Bác dặn. Đoàn kết trong Đảng là nền tảng, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để làm được việc đó, bài học kinh nghiệm hàng đầu là “có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”[3].
Tóm lại, muốn phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay, phải tiếp tục đẩy mạnh thường xuyên, nâng cao hiệu quả việc học tập, quán triệt, thấm nhuần sâu sắc và làm thật sự theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết. Hy vọng rằng với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta sẽ tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như Đảng ta đã xác định./.