Phía đông, Mường Quạ giáp huyện Anh Sơn, phía nam giáp nước Lào, phía tây giáp huyện Tương Dương, phía bắc giáp xã Yên Khê (Con Cuông). “Mường Quạ” là một địa danh Thái đã có từ rất lâu đời. Bằng chứng là nó đã được nói đến trong sử thi của người Thái vùng Đông Nam Á lục địa vào khoảng thế kỷ XI – XII, sử thi Khủn Chưởng. Trong sử thi này, Chủ Mường của người Thái là Khủn Chưởng đã chinh phục đất của Tạo Quạ – thủ lĩnh của người Pák Căn (thuộc tộc người Môn – Khơ me), vùng đất Lạn Xạng (Lào) tiếp giáp với miền Tây Nghệ An ngày nay[1]. Muộn hơn, vào khoảng thế kỷ thứ XV, sử thi Trông mường của người Thái miền Tây Nghệ An cũng đề cập đến địa danh này “Vung tay về giữa ruộng Tạo Quạ/Trông thấy rừng tre dọc bờ sông (Giăng), rừng tre đương tốt/Cát mịn trộn cát trắng đẹp quá!/ Phía bên ấy là Mường Lào” (Ngoáy hén tầu cáng na tạo quạ/Mổng hến pả phảy tòng liệp nặm pả phảy đáng pun/Xai mun lộn xai háo đú lạc/ Phạc ạ phạc mương lao)[2].
Theo tài liệu nghiên cứu của các nhà dân tộc học đi trước thì Mường Quạ có những nét văn hóa Thái đặc sắc, thậm chí là độc đáo, riêng có; một tiểu vùng văn hóa, xét dưới góc độ văn hóa Thái trong tỉnh Nghệ An và rộng hơn.
Các dòng họ Thái ở đây là các dòng họ thuần Thái như họ Lương, họ Lô (hay Lò). Từ xưa đã có câu tục ngữ Thái “Họ Lương làm mo, họ Lò làm quan” (Lương hệt mo, Lo hệt tạo). Phong tục tập quán người Thái Mường Quạ là phong tập quán truyền thống của người Thái. Nó còn được thể hiện một cách sinh động trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần.
Cái áo cánh mà phụ nữ Thái ở đây gọi là áo “sựa mạk nệt” được xem là áo đặc trưng Thái. Nét độc đáo của nó là đường viền đỏ ở cổ áo và tay áo. Nếu như các nhóm Thái ở Tây Bắc giấu nó (đường viền đỏ) vào phía trong thì ở đây nó lại được phô ra bên ngoài. Cái áo này không thấy có ở Tây Bắc nhưng lại phổ biến trong cộng đồng Thái trên thế giới, như ở nhóm Choang (Trung Quốc), Thái Lạn Na (Thái Lan), Thái Y Sản (Thái Lan), nhóm Đai (Trung Quốc), Lào Lùm (Lào). Cái váy Thái Mường Quạ cũng đặc trưng bởi đường viền đỏ ở gấu váy. Nếp nhà sàn ở đây cũng rất điển hình với dáng vẻ truyền thống thoáng mát, chỉ có 2 hàng cột, 2 đầu hồi mở toang.
Các nghi thức, nghi lễ truyền thống gắn với vòng đời một con người vẫn được duy trì. Đứa trẻ sinh ra được đặt trên nong, nia, bên cạnh cái chài, cái nỏ nếu là con trai, cái giỏ, cái vợt nếu là con gái. Sau lễ đặt tên “ệt khoăn”, đứa trẻ được mẹ bế đến chân cầu thang, cắt tóc để chỏm. Tên của trẻ nhỏ là những cái tên thuần Thái, trai thì Nọi, È, Ón, Pọt, Pẹt; gái thường là Lả, Ót, Ủa… Lớn lên, con trai học đan chài, bắt cá, con gái trồng bông, dệt vải… Trai gái được tự do tìm hiểu, yêu đương. Khi cưới, cô gái nào cũng có chăn màn, áo váy mang về nhà chồng. Khi ốm đau, họ được thầy mo “xên” (cúng) và “xù khoăn” (buộc vía), kết hợp với uống thuốc. Khi chết, hồn ma được làm lễ tiễn lên mường Phạ-Bôn-Then (trời) với tổ tiên (Mưa xủ pậu xủ pủ). Các lễ hội truyền thống của người Thái Mường Quạ chủ yếu cũng gắn với nông nghiệp như cầu mưa, cầu mùa, mừng tiếng sấm đầu năm, mừng lúa mới… Từ xưa, thiết chế bản – mường (tổ chức xã hội Thái truyền thống) đã được thiết lập chặt chẽ trên cơ sở chủ yếu là huyết thống và thân tộc…
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, người Thái ở Mường Quạ là hậu duệ của nhóm Thái cổ, gần gũi với nhóm Mol (Mường) về văn hóa, sau này tiếp thu thêm các yếu tố của văn hóa Lào và Việt (cận hiện đại).