Vào buổi sáng 2/9/1969, trong giây phút cuối cuộc đời, Người đã hỏi: Trong các chú ai có thể hát cho Bác nghe một làn điệu ví, giặm Nghệ Tĩnh được không? Câu dân ca ví, giặm xứ Nghệ đã gắn bó, nuôi dưỡng tâm hồn Người từ thưở lọt lòng. Từ chiếc nôi văn hóa quê hương mặn mà tình nghĩa ấy, Người đã lớn lên, bôn ba tìm đường cứu nước. Dù xa quê hương nhưng tình yêu và nỗi nhớ vẫn luôn đau đáu, thường trực trong sâu thẳm tâm hồn Người. Và Người đã thanh thản ra đi trong âm hưởng của câu dân ca ngọt ngào, sâu lắng ấy.
Sinh thời, Bác Hồ dành cả cuộc đời mình phục vụ nhân dân, đất nước, tâm hồn không gợn chút riêng tư. Trước khi về với thế giới người hiền, Người chỉ có một ước nguyện: Mang theo âm hưởng của câu hát dân ca xứ Nghệ vào cõi bất tử.
Mong muốn dung dị ấy của Bác đã để lại cho các thế hệ mai sau bài học sâu sắc mà thấm thía, rằng: Tất cả mọi tình cảm vĩ đại trước hết được bắt nguồn từ tình yêu quê hương tha thiết.
Tuổi thơ của Người gắn bó với quê hương chỉ trong 9 năm. Năm 1911, Người ra đi tìm đường cứu nước với hành trình bôn ba hải ngoại suốt 30 năm. Trở về nước năm 1941, cùng Đảng lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược nên mãi tới năm 1957, Người mới có dịp về thăm quê lần thứ nhất. Đến cuối năm 1961, trở về thăm quê lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng quê hương được đón Người.
Ngày 14/6/1957, Bác về thăm quê hương lần thứ nhất trong niềm náo nức, mong chờ của nhân dân huyện Nam Đàn nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung. Đối với Bác, ngày hôm ấy đã dánh dấu một mốc lịch sử trong đời, là ngày khép kín vòng tròn 50 năm tạm biệt quê hương, đi về phương Nam, bôn ba hải ngoại và trở về từ phương Bắc.
Gặp lại đồng bào quê hương, nét mặt Bác rất xúc động, Người bắt tay, vẫy chào bà con. Vẫn giữ cho mình giọng Nghệ nằng nặng, trầm ấm, vang vọng, Bác trải lòng với nhân dân quê nhà: “Đã lâu về đến quê hương thì thường tình người ta tủi tủi, mừng mừng. Tôi không thấy tủi tủi mà chỉ thấy mừng mừng. Mừng mừng là vì sao? Từ lúc tôi ra đi và bây giờ trở lại thấy nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng có thay đổi rất nhiều. Thay đổi quan trọng nhất là lúc tôi ra đi, nước ta đang còn bị thực dân cai trị, đồng bào ta đều là những người nô lệ, bây giờ trở về thì đồng bào miền Bắc nước ta nói chung, Nghệ An nói riêng, là những công dân tự do làm chủ nước nhà. Đó là thay đổi to nhất…”.
Phát biểu tại Hội nghị Đại biểu nhân dân Nghệ An ngày 14/6/1957, Người mong muốn Nghệ An chuyển biến tốt về mọi mặt, nhất là chính trị và kinh tế. Người khẳng định: “Tỉnh ta có truyền thống cách mạng rất vẻ vang. Tôi xin hỏi đồng bào có thi đua với các tỉnh khác xây dựng để tỉnh ta thành một tỉnh gương mẫu không? Đồng bào có cố gắng được không? Một lần nữa tôi cảm ơn các cụ phụ lão, tất cả đồng bào, tất cả các cháu. Nhờ các cụ, anh chị em và các cháu chuyển lời chào của Trung ương, của tôi tới tất cả đồng bào hôm nay không có mặt ở đây”.
Ngoài hai lần về thăm quê, Bác còn có hàng chục bức thư gửi về quê hương trong thời gian lãnh đạo đất nước từ sau cách mạng cho đến lúc qua đời; trong đó Người đã dặn dò quê hương nhiều vấn đề quan trọng mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, thì đúng nửa tháng sau, ngày 17/9/1945, Người gửi bức thư đầu tiên về Nghệ An. Từ đó đến cuối đời, Bác Hồ đã gửi về quê 25 bức thư và 2 bức điện. Ngoài những bức thư gửi về Nghệ An, Bác còn nhiều bài nói chuyện, bài viết trên báo chí và các bức thư gửi chung cho cả quân, dân Liên khu IV, Bắc Trung Bộ.
Điểm chung trong các bức thư, Bác đều gửi gắm nhiều tình cảm trân trọng đối với con người ở quê hương. Và trong mỗi bức thư, Bác thường kết thúc “Chào thân ái và quyết thắng”.
Nhân kỷ niệm 34 năm ngày thành lập Đảng (3/2/2964), Bác đã căn dặn: “Cán bộ Đảng viên, đoàn viên thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng”.
Đặc biệt, ngày 21/7/1969, trong thư gửi Ban chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam Tỉnh Nghệ An, Bác đã viết: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.
Đã hơn nửa thế kỷ ngày Bác Hồ “về với thế giới người hiền”, và cũng từng ấy thời gian kể từ khi quê nhà được nhận bức thư cuối cùng của Bác, Nghệ An đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, tư duy về thu hút đầu tư đã có nhiều thay đổi, trong hai năm vừa qua, Nghệ An xếp đầu Bắc Trung Bộ về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Hầu hết các chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách vượt dự toán. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện. Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư ngày càng có nhiều đổi mới.
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội tỉnh nhà vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Tốc độ tăng trưởng GRDP chưa đạt như kỳ vọng. Chưa thu hút được các dự án lớn, mang tính động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm còn chậm. Nghệ An vẫn thiếu những dự án động lực trong thu hút đầu tư, điều mà Thanh Hóa đã làm được với KKT Nghi Sơn, Hà Tĩnh đã làm được với KKT Vũng Áng.
Hiện nay, với nhiều chính sách ưu đãi, Nghệ An đang tăng cường đổi mới các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu tiềm năng của tỉnh đến bạn bè quốc tế. Nhiều nhà đầu tư, tập đoàn có thương hiệu mạnh trong và ngoài nước đã chọn Nghệ An làm điểm dừng chân triển khai các dự án lớn như Vingroup, VSIP, WHA Hemaraj… Tuy nhiên, để làm được điều đó, Nghệ An cũng cần xác định các khâu đột phá mạnh mẽ hơn nữa về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, công tác cải cách chính sách để thu hút đầu tư, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp yên tâm về môi trường sản xuất kinh doanh mang tính bền vững hơn nữa.
Có thể khẳng định rằng, muôn vàn tình yêu thương chứa đựng trong những lời căn dặn của Người đối với quê hương đến nay vẫn mang tính thực tiễn, là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân Nghệ An tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người để xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.