Tuy chỉ có 2 lần Bác Hồ về thăm quê hương vào dịp tháng 6/1957 và tháng 12/1961, nhưng trong ký ức của người dân xứ Nghệ, đặc biệt là những người đã từng được gặp và tiếp xúc với Bác vẫn còn nhớ như in những mẩu chuyện nhỏ, giản dị, gần gũi và sáng ngời nhân cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1957, tình hình trong nước và thế giới có nhiều chuyển biến thuận lợi. Miền Bắc sau 3 năm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh đã thu được những thành quả lớn. Vì vậy, Bác muốn đi thăm các nước anh em và bầu bạn trên thế giới. Trước khi đi công tác xa, Bác quyết định về thăm một số địa phương thuộc khu IV, trong đó có Nghệ An. Theo lịch trình, ngày 12 - 13/6/1957, Bác thăm tỉnh Thanh Hóa. Ngày 14/6, Bác về TP Vinh. Ngày 15/6, Bác thăm Hà Tĩnh. Sau hơn 50 năm xa cách, đúng ngày chủ nhật 16/6/1957, lần đầu tiên Bác mới về thăm quê cha, đất tổ ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Theo ông Trần Minh Siêu (85 tuổi, trú tại TP Vinh) - người phụ trách công tác nghiên cứu khoa học tại Khu di tích Kim Liên từ năm 1969 - 1990, người dành cả đời nghiên cứu và viết hàng trăm bài báo, hàng chục quyển sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì trước đây, có nhiều bài báo đưa tin Bác Hồ về thăm Kim Liên lần thứ nhất vào ngày 14/6/1957 là chưa chính xác. Theo quá trình xác minh từ các cụ già trong làng Kim Liên, tra cứu lịch năm 1957 và để chính xác hơn, ông đã gặp ông Vũ Kỳ và được khẳng định: Bác Hồ về Vinh vào ngày 14, đi Hà Tĩnh ngày 15 và về Kim Liên vào ngày 16 là ngày chủ nhật. 11 năm trước đó, cũng vào ngày chủ nhật (27/10/1946), Bác đã tiếp chị ruột - bà Nguyễn Thị Thanh, rồi tiếp anh ruột là ông Nguyễn Sinh Khiêm cũng vào ngày chủ nhật (3/11/1946), sau mấy chục năm xa cách. Ông Trần Minh Siêu chia sẻ: “Bác dành thời gian làm việc trong tuần cho việc chung. Gặp chị, gặp anh, về thăm nhà là việc riêng nên Bác chọn ngày chủ nhật. Đó là biểu hiện một nét phẩm chất, đạo đức “chí công vô tư” của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Sáng sớm ngày 16/6/1957 (tức ngày 19/5 năm Đinh Dậu), sau khi lên thăm Sư đoàn 324, lính Quảng Ngãi của Quân khu IV (đóng ở rú Đụn thuộc huyện Nam Đàn), Bác Hồ đã về làng Kim Liên, quê hương của mình. Gặp lại đồng bào quê hương, trong bộ quần áo ka ki và đôi dép cao su, Người bắt tay, vẫy chào bà con.
Theo nhiều nhân chứng kể lại, khi lãnh đạo xã nhà và bà con mời Bác về nhà khách để nghỉ, Bác vui vẻ nói: “Nhà khách là dành để tiếp khách, cho khách ở. Bác là người nhà chứ có phải là khách đâu!”. Nói rồi, Bác đi về phía nhà mình. Bác đi vào nhà ngoài, vào gian trong, gian bếp… Bác cảm động khi nhìn thấy tất cả những đồ dùng của gia đình hầu như vẫn còn nguyên vẹn, gợi lại ký ức tuổi thơ những ngày Bác cùng cha, mẹ và các anh, chị của mình sống quây quần, ấm cúng trong cảnh thanh đạm, tình cảm mến thương, kính trọng giữa bà con chòm xóm ở Kim Liên. Người không quên lối đi nhỏ vào nhà ngày xưa, cây bưởi trước nhà, cây mít, hàng cau phía sau, chiếc võng bằng sợi đay, án thư dùng để đọc sách và uống trà, chiếc rương gỗ nhỏ đựng đồ đạc, khung cửi của mẹ, chiếc phản gỗ…
Khi ra đến ngõ, rẽ về phía bên trái cổng, đến cạnh dãy chuối hai bên đường, chỉ vào một lối đi, Bác hỏi: “Trong này có lò rèn cố Điền (Hoàng Xuân Luyến) nay còn nữa không?”. Cố Điền là người thợ cần mẫn, thật thà, hiền lành và vui tính. Trong thời kỳ sống ở làng Kim Liên, những lúc rảnh rỗi, Bác thường ra lò rèn chơi và giúp cố Điền thổi bễ, đập đe. Đặc biệt, Bác hay hỏi han, trao đổi, đàm luận với cố Điền và bà con về những vấn đề xã hội và thời cuộc lúc bấy giờ.
Tiếp đó, Bác vào nhà thờ họ Nguyễn Sinh thắp hương trên bàn thờ tổ tiên. Khi đến gần nhà thờ, Bác chỉ tay về bên trái và nói: “Trong này có nhà cố Phương, nay có đủ ăn không?”. Nghe vậy, mọi người đều nghẹn ngào, có người bật khóc. Nhà cố Phương là nhà nghèo nhất ở Kim Liên. Một người bận trăm công nghìn việc như Bác, xa quê đã 50 năm, vậy mà vẫn nhớ...
Sau đó, Bác ra nói chuyện với bà con xã Kim Liên và đại biểu các xã vùng phụ cận dưới gốc đa tại sân vận động của làng. Bác căn dặn Đảng bộ, chính quyền sửa sai cải cách ruộng đất cho tốt, nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, đừng để “đèn nhà ai rạng nhà nấy”. Bác nhắc nhở mọi người phải chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, đừng để các cháu gầy gò, ốm yếu, đau mắt hột. Hầu như việc gì Bác cũng đề cập đến và có những lời khuyên cụ thể, thiết thực. Trước lúc ra về, Bác còn hứa “Cán bộ và nhân dân Kim Liên làm tốt, Bác sẽ về thăm!” (Giữ đúng lời hứa, 4 năm sau đó, ngày 9/12/1961 Bác về thăm quê hương Nghệ An lần thứ 2). Rồi Bác giơ tay bắt nhịp cho toàn thể bà con hát chung bài “Kết đoàn”.
Đi khắp 4 phương trời, lòng Bác vẫn hướng về quê hương xứ Nghệ “nghĩa trọng tình cao” với tấm lòng “Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”, như nước sông Lam không bao giờ cạn. Người mà như nhạc sĩ Lê Đăng Khoa xúc động viết: “Đi khắp năm châu hiếm có ai như Bác. Cuộc đời giản dị, tình người bao la. Như có Bác bên ta cùng lội đồng, thăm những công trình nhà máy vút cao. Như có Bác bên ta trên giảng đường học tập. Chắp cánh cho ta bay xa, bay xa…”. Nghĩ tới Người, ông Trần Minh Siêu xúc động: “Bác của chúng ta là một tấm gương thanh cao về nếp sống giản dị, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, dĩ công vi thượng, suốt đời hết lòng phục vụ nhân dân”.