1. Thành công của Cách mạng Tháng Tám đã mang lại độc lập cho Tổ quốc ta, tự do cho đồng bào ta. Một kỷ nguyên mới, với những thuận lợi mới đi liền cùng khó khăn và những thách thức khôn lường. Trong bối cảnh đó, diễn biến phức tạp của tình hình thực tế, (đặc biệt là với quê hương Nghệ An - nơi ra đời những (bỏ) Xô Viết công nông đầu tiên, nơi luôn xứng đáng với danh hiệu “đỏ”), đã không khỏi làm Hồ Chí Minh băn khoăn. Với trách nhiệm và tâm huyết của người đứng đầu Nhà nước, ngày 17/9/1945, vị Chủ tịch Chính phủ đã gửi Thư cho các đồng chí tỉnh nhà. Trước tình hình: “Cán bộ ta nhiều người “cúc cung tận tụy”, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hoá, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và đoàn thể”[1], Hồ Chí Minh khẳng định: "để vượt qua những trở ngại, để bảo vệ và củng cố chính thể Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ, “chúng ta phải “chí công vô tư”, “không sợ có khuyết điểm” và phải “lập tức sửa đổi ngay”[2] những khuyết điểm đã bắt đầu xuất hiện. vì: Đảng có vững, cách mạng mới thành công, vì Đảng ta không có lợi ích nào khác là phục vụ nhân dân, vì nhân dân. Cuối thư, bằng tình cảm của một người cùng quê, bằng những kinh nghiệm đã tích lũy được trong những năm tháng hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh chân thành nhắn nhủ: “Trong công tác, có vấn đề gì khó giải quyết, các đồng chí cứ viết thư thảo luận với tôi. Tôi rất sẵn sàng giúp ý kiến”[3].
Ngày 19-12-1946, chỉ 15 tháng sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Quốc dân đọc Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945), đất nước ta đã bước vào cuộc trường chinh chống Pháp, trong một tương quan lực lượng chênh lệch. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, nhân dân cả nước từng bước triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, kiên cường chống thực dân Pháp xâm lược với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[4].
Từ những ngày đầu kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Cuộc trường kỳ kháng chiến này tức là dân tộc cách mệnh đã đạt đến trình độ tối cao”[5]. Trong lúc nhân cả nước đang dành hết tinh thần và lực lượng để chống Pháp, trong khi cả dân tộc đang “ở trên ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn”, thì cũng lại Hồ Chí Minh trực tiếp gửi đến các đồng chí tỉnh nhà những lời căn dặn chí tình. Lời nhắn nhủ đồng thời cũng là mệnh lệnh của Người trong bức Thư gửi các đồng chí Trung Bộ (viết năm 1947) là: “Mỗi một đồng chí và toàn cả Đoàn thể phải đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một mục đích: đánh đuổi thực dân Pháp, làm cho nước được thống nhất và độc lập”[6]. Để có thể làm được điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một “Cẩm nang”, đó là”: Yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn thể đoàn thể phải: “Sáng suốt, khôn khéo, cẩn thận, kiên quyết, siêng năng, nhất trí” để đồng tâm hiệp lực lãnh đạo cách mạng.
Đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, quan tâm đến sự lớn mạnh của bộ máy lãnh đạo các cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành sự quan tâm, trao đổi với lãnh đạo của Tỉnh những vấn đề về rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng ta cầm quyền, đang trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược. Bởi theo Người, nếu không có một đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về tư tưởng, chính trị, được rèn luyện đạo đức cách mạng, được trau dồi trình độ chuyên môn, luôn đi đầu trong mọi hoàn cảnh thì nhất định sẽ không có “một Đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để”, đủ năng lực lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Từ đó, có thể luận giải được những băn khoăn, những tâm tư của người đứng đầu Chính phủ trong hoàn cảnh đầy khó khăn của cuộc kháng chiến khi Người nhấn mạnh rằng, trong số những cán bộ, đảng viên của Đảng, vẫn có không ít người “chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ”. Tính cục bộ địa phương đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì dường như từ nó mà sinh ra những việc: “xem qua thì như không quan hệ gì mấy” nhưng “kỳ thực rất có hại đến kế hoạch chung”.
Cũng trong bức thư này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra một căn bệnh không kém phần nguy hiểm, luôn là nguy cơ dẫn đến sự thoái hóa, biến chất của mỗi cán bộ, đảng viên, đó là óc bè phái. Chỉ ra căn bệnh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc rằng, “cánh hẩu” là biểu hiện rõ nhất óc bè phải: “Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không thân với mình thì dù họ có tài cũng tìm cách dìm họ xuống, họ nói phải mấy cũng không nghe[7]. Từ căn bệnh này, những người có quyền lực hoặc kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu của mình dù không có tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài, có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài và họ đã quên mất rằng, việc nước là việc chung của tất cả mọi người chứ không phải việc riêng của một số người, một dòng họ. Đó thực sự là một khuyết điểm lớn, rất có hại, rất nguy hiểm, “làm cho Đoàn thể mất cán bộ, kém nhất trí, thường hỏng việc”.
Không chỉ dừng lại ở đó, Người còn nêu ra một căn bệnh phổ biến thường thấy ở mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng khi đang đảm nhiệm một chức vụ nhất định. Tính cô độc, hẹp hòi, luôn luôn có biểu hiện ở nhiều dạng vẻ khác nhau như: “Có đồng chí còn giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ, đem bà con bằng hữu vào chức này việc kia, làm được, không làm được mặc kệ. Hỏng việc đã có đoàn thể chịu”; “có nơi, các đồng chí chẳng những không phê bình giúp nhau sửa đổi, mà lại che đậy cho nhau, tha thứ cho nhau, giấu cả đoàn thể”[8]. Tất cả những biểu hiện đó, dù dưới dạng nào cũng thật là có hại. Hoặc do vô tình, hoặc do cố ý, họ không hiểu rằng: “Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở”. Vì vậy, muốn sự nghiệp kháng chiến thành công, muốn nguồn sức mạnh nội lực của cả dân tộc được nhân lên, thì những người lãnh đạo phải biết: Dùng chỗ hay của người, giúp người sửa chỗ dở và là người lãnh đạo giỏi thì phải “gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tuỳ chỗ mà dùng được”.
Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh đến căn bệnh ưa chuộng hình thức bên ngoài để phô oai, không xét đến nội dung thực chất của một số người. Đồng thời từ đó, Người đặc biệt chỉ ra những tác hại to lớn, những hiểm nguy quan trọng là hệ quả xấu của bệnh ích kỷ, kiêu ngạo cộng sản,… Chúng ta từng nói rằng, Đảng là bộ tham mưu của toàn dân tộc, bao gồm những người con ưu tú nhất, song như vậy không có nghĩa là mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng không cần rèn luyện, phấn đấu và tu dưỡng đạo đức cách mạng nữa. Trong điều kiện chiến tranh ngày càng ác liệt, cùng với những biểu hiện như: chỉ lo ăn ngon, mạc đẹp, lo phát tài, nhiều lộc từ của công, cố tranh được chức Chủ tịch này, uỷ viên nọ, đạo đức cách mệnh thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc…, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã không ngần ngại chỉ ra rằng: “Còn những đồng chí hay có tính kiêu ngạo, tự mãn, tự túc, cho mình là cựu đồng chí, cựu chính trị phạm thì giỏi hơn ai hết, ai cũng không bằng mình”[9] thì thực sự đã quá tự mãn, đã “bó mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”.
Không chỉ căn dặn cán bộ, đảng viên của Đảng ở Tỉnh nhà, những người sẽ góp phần không nhỏ vào sự lớn mạnh của Đảng những điều mà Người từng tiên liệu và đã từng được chứng kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời khẳng định: các đồng chí có nhiều ưu điểm như: “Nhẫn nại, chịu khó, kiên quyết, tháo vát và nhiều sáng kiến. Nhưng trong thời kỳ khó khăn nặng nề này, chỉ có những ưu điểm ấy thôi cũng chưa đủ. Các đồng chí cần phải đem căn bản tốt đó mà kiên quyết khắc phục cho những khuyết điểm vừa kể trên thì chúng ta mới chắc đi đến hoàn toàn thắng lợi”.
Cuối cùng, Người nhấn mạnh: Các đồng chí phải làm tốt công tác cán bộ. Chọn người phải đích đáng, quyền hạn phải phân minh và nhất là phải tránh “cái lối lạm quyền, bao biện, xung đột, phù diện và suy tỵ, không phụ trách”. Người mong những người con ưu tú của Tỉnh nhà, những công bộc của dân luôn hướng đến chí công, vô tư và phải “đem toàn bộ tinh thần kách mệnh mà khắc phục khuyết điểm, phát triển các ưu điểm”, để chấn chỉnh công tác, để lãnh đạo toàn dân hăng hái tham gia kháng chiến.
2. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đứng trước nhiệm vụ lịch sử mới, đó là vừa xây dựng một chế độ xã hội mới ở miền Bắc, vừa tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam chống đế quốc Mỹ và tay sai. Đối với Nghệ An, một tỉnh miền Trung nghèo về kinh tế và giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, thì việc: không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng thắng lợi Chủ nghĩa xã hội và đảm bảo đánh thắng giặc Mỹ xâm lược là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.
Tháng 6-1957, sau nhiều năm xa cách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm quê hương Nghệ An lần thứ nhất. Trong lần gặp gỡ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung nói với cán bộ, đảng viên về ba vấn đề: Ưu điểm, khuyết điểm và nhiệm vụ trước mắt. Trao đổi về những ưu, khuyết điểm, Người nói: “Đại đa số các đồng chí đã chịu cực, chịu khổ, chịu khó để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao phó. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn hiện tượng mất đoàn kết nội bộ và “đây là một khuyết điểm quan trọng”[10]. Mặt khác, bệnh suy bì về đãi ngộ và địa vị, làm việc gì cũng sợ khó, tự kiêu tự đại, chưa thực hiện được khẩu hiệu cần, kiệm, liêm, chính, thậm chí có người còn mê tín là những tồn tại hiện thời trong một số cán bộ, đảng viên và những tồn tại ấy làm suy yếu tổ chức Đảng. Sau đó, Người nói về những nhiệm vụ trước mắt của toàn tỉnh, đặc biệt là phải: Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và mong đội ngũ lãnh đạo của tỉnh cùng toàn dân quyết tâm đưa Nghệ An giàu truyền thống cách mạng thành “một tỉnh gương mẫu”.
Bốn năm sau, khi về thăm quê lần thứ hai (12/1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An. Lần này, cũng đề cập đến vấn đề vai trò và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là tổ chức cơ sở Đảng trong việc lãnh đạo nhân dân tổ chức sản xuất, Người khẳng định: “Nói Đảng cũng rộng đấy. Nhưng trước hết là ai? Chi bộ. Hễ chi bộ tốt thì hợp tác xã tốt, chi bộ kém thì hợp tác xã kém. Đó là kinh nghiệm chung”[11] và “Muốn biết Đảng địa phương của mình mạnh hay yếu, khá hay kém hãy nhìn vào sự lãnh đạo của cấp uỷ”[12]. Từ thực tế của Nghệ An, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Muốn thực sự đoàn kết nội bộ, muốn thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thì nhất định “phải dân chủ nội bộ. Muốn dân chủ nội bộ tốt thì cần gì nữa? Phải phê bình, tự phê bình”[13].
Khi về thăm cán bộ xã Nam Liên, Nghệ An (ngày 9/12/1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rất cụ thể: “Trong xã có lực lượng lãnh đạo, có lực lượng giúp lãnh đạo, phải làm gương cho đồng bào. Xã ta có hơn 230 đảng viên, đoàn viên, phải làm gương mẫu trong mọi công việc trong tăng gia sản xuất, trong học tập. Nên như thế mà phải như thế. Nếu đảng viên không gương mẫu thì không xứng đáng là đảng viên”[14]. Và theo Người, chỉ có làm được như thế thì những người cán bộ, đảng viên của xã mới hoàn thành nhiệm vụ cách mạng mà nhân dân xã đã giao cho họ, mới đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng đời sống mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với những cán bộ, đảng viên lâu năm của tỉnh và không quên nhắc lại mấy điều cốt yếu. Đó là: Đảng ta là Đảng chỉ có một điều là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Ngoài ra, Đảng ta không còn có lợi ích nào khác. Vì thế trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, trong thời kỳ kháng chiến, nhiều đồng chí: “Khi Đảng giao việc gì, bảo việc gì đều làm nấy, không kể sang hèn, địa vị cao thấp; không có việc gì khó Đảng giao không làm. Đó là những anh hùng… không đòi hỏi gì cho gia đình và cá nhân cả. Đó là những người con ưu tú của Đảng, của cách mạng”[15]. Họ đã thực sự vì Tổ quốc và nhân dân, lo thì lo trước mọi người, vui thì vui sau mọi người. Và cũng vì thế, họ góp phần làm cho Đảng ta lớn mạnh, chắc chắn, ngày càng phát triển. Song giờ đây, công việc khó khăn hơn, to lớn hơn, phức tạp hơn, phải làm cho “nước nhà ngày càng mạnh, dân càng ngày càng giàu”, nên cần phải có lớp cán bộ trẻ kế cận. Công việc ngày càng nhiều, “một mặt, Đảng phải đào tạo, dìu dắt đồng chí trẻ. Một mặt, đảng viên già phải cố gắng mà học” để thực hiện tốt hai nhiệm vụ:
“1, Bất kỳ Đảng giao cho việc gì, nhân dân giao cho việc gì, phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ.
2, Đào tạo thanh niên cho họ làm việc hơn mình, không nên nạnh kẹ. Mặt khác, thanh niên nên phải biết công lao của các đồng chí già, phải thấy các đồng chí già đã trải qua phong ba bão táp, có kinh nghiệm, thanh niên phải học tập”. Tại cuộc nói chuyện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trao đổi với các đồng chí cán bộ, đảng viên của Tỉnh nhiều nội dung quan trọng khác liên quan đến công tác xây dựng Đảng và khẳng định: Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị.
Vào những năm sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không có điều kiện để về thăm quê hương Nghệ An, tuy nhiên, Người vẫn dành cho Nghệ An sự quan tâm sâu sắc. Trước khi từ biệt đồng bào và chiến sĩ cả nước để trở về với “thế giới người hiền”, ngày 21/7/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư cuối cùng cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An. Vẫn không ngoài những băn khoăn, trăn trở của một người đứng đầu Đảng và Nhà nước đối với quê hương Xô Viết khi “kinh tế của Nghệ An tiến còn chậm”. Dù rất vui mừng trước những tiến bộ của Tỉnh nhà như: đã bước đầu sửa chữa được tệ quan liêu, mệnh lệnh, cố gắng đi sát nhân dân để tổ chức, động viên nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, song Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu rõ bốn nhiệm vụ (thực hiện dân chủ, khôi phục và phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu) mà Đảng bộ tỉnh phải thực hiện trong thời gian tới. Điểm đầu tiên và cũng là điểm Người nhấn mạnh nhất trong thư, chính là phải “tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân”. Đồng thời, Người mong “cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần thường xuyên phê bình trước nhân dân, khuyến khích nhân dân phê bình. Khiêm tốn lắng nghe ý kiến của nhân dân để phát huy những việc tốt, sửa chữa những việc sai, làm công tác tốt hơn”. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn cán bộ, đảng viên cần khuyến khích nhân dân góp phần xây dựng Đảng như: góp ý kiến về việc chọn người vào Đảng, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, để mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân ngày càng thêm mật thiết.
Cuối thư, Người viết: Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc.
Trong suốt ¼ thế kỷ là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, là vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho công tác xây dựng Đảng sự quan tâm sâu sắc. Thấm nhuần những nguyên tắc về xây dựng một chính Đảng kiểu mới, trong sạch, vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức rất rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Họ thực sự là “vốn quý” của đoàn thể, là gốc rễ của mọi công việc và đoàn thể mạnh hay yếu, tiền phong hay tụt hậu phụ thuộc rất nhiều vào họ. Vì vậy, trong nhiều nội dung của công tác quan trọng này, những tiên liệu, những chỉ dẫn của Đảng nói chung và quê hương Nghệ An nói riêng từ những ngày đầu của chính thể dân chủ cộng hoà đã thực sự là những cảnh báo kịp thời, có ý nghĩa thời sự sâu sắc.
60 năm đã trôi qua kể từ lần cuối Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê, cùng với cả nước, Nghệ An đã từng bước phát triển giầu mạnh và liên tục phấn đấu không ngừng, đã (bỏ) trở thành một tỉnh có kinh tế, văn hoá phát triển, an ninh chính trị ổn định, xứng đáng là quê hương của Bác. Tuy nhiên những lời dạy của Bác về công tác Đảng và xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thực sự vì dân, về không ngừng rèn luyện phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên vẫn còn nguyên giá trị. Nhớ về Bác, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An xin nguyện (tiếp tục) thực hiện tốt nhất lời Bác dậy năm xưa:”. ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc”.