Chốt là nhà
Phường Vinh Tân là một trong những tâm dịch phức tạp nhất ở TP. Vinh, do địa bàn gần với chợ đầu mối. Đây là phường ghi nhận nhiều ca bệnh nhất ở TP. Vinh hiện nay, hàng loạt khu vực bị phong tỏa ngay từ đầu đợt dịch… Khi chúng tôi đề cập đến đề tài về “những người thổi tù và hàng tổng” trong thời dịch, ông Nguyễn Trung Dũng - Bí thư Đảng ủy phường Vinh Tân lập tức giới thiệu ông Trần Văn Phú - khối phó khối Cộng Hòa.
Tuy nhiên, phải sau rất nhiều cuộc gọi, chúng tôi mới có thể có một cuộc trò chuyện trọn vẹn với ông Phú. Bởi cứ mỗi lần đang nói chuyện, điện thoại của ông Phú lại đổ chuông liên tục. Đó là những cuộc gọi nhờ trợ giúp của bà con trong khối này. Vì thế, chúng tôi đành phải tạm dừng để ông tiếp chuyện người dân, sau đó lập tức lên đường hỗ trợ họ…
Ông Phú kể rằng, từ 10 ngày nay, điện thoại ông nóng ran bởi những cuộc gọi như thế. Khối Cộng Hòa có khoảng 300 hộ dân, đã ghi nhận 4 ca F0 trong vòng 10 ngày qua. Trong khối, 2 khu dân lần lượt bị phong tỏa, người dân không được ra khỏi nhà. Chính vì thế, mọi nhu cầu của người dân gần như đổ lên vai ông khối phó nhiệt tình. Kể từ khi đại dịch ập đến, ông Phú dần trở thành “người vận chuyển”, bất đắc dĩ. Từ việc đi chợ búa giúp các hộ dân, ông Phú còn đảm nhiệm công việc của một shipper miễn phí. Nào là chuyển công văn, giấy tờ, nào là lương thực, thực phẩm… thậm chí, những F1 hoàn thành cách ly tập trung, cũng “ông khối phó ơi”, để được đón về cách ly tại nhà.
“Cũng may là trước đây tôi làm việc ở chợ nên khi người dân nhờ đi chợ giùm, cũng không khó khăn lắm. Vì quá quen rồi”, ông Phú nói.
Từ khi TP. Vinh xuất hiện F0, ông Phú gần như không có một giấc ngủ trọn vẹn. Ngoại trừ những lúc đi mua hàng giùm các hộ dân, vận chuyển các thứ, phần lớn thời gian còn lại ông luôn có mặt ở các chốt trực Covid-19. Những lúc quá mệt mỏi, ông ngủ ngay bên cạnh chốt. Đã nhiều ngày nay, rất hiếm khi vợ con thấy ông có mặt tại nhà. “Vợ cũng thi thoảng cằn nhằn. Nhưng mà kệ”, vị khối phó 60 tuổi cười nói.
Ông Phú từng nhiều năm phục vụ trong quân ngũ. Rời chiến trường, ông về quê làm việc ở chợ đầu mối Vinh. Hơn một năm trước, do chân bị đau, ông xin nghỉ. Ông kể rằng, ngay sau khi xuất ngũ, ông về quê là làm “công việc xã hội” luôn. Từ bảo vệ dân phố, sau đó là gần 20 năm gắn với các chức khối phó với mức phụ cấp hiện nay là gần 800.000 đồng. “Làm vì cộng đồng, vì trách nhiệm với xã hội là chính. Chứ thật ra phụ cấp còn chẳng đủ tiền xăng đâu”, ông Phú nói.
“Dù đã khá lớn tuổi, nhưng ông Phú vẫn rất năng động. Những ngày qua, ông gần như thức thâu đêm cùng với lực lượng tại điểm chốt. Ông chưa bao giờ từ chối một yêu cầu giúp đỡ nào từ người dân. Mặc dù ngày thường đó có thể là việc nhỏ, nhưng trong thời buổi dịch bệnh này thì rất cấp thiết. Từ việc đưa các loại giấy tờ đến chở nhu yếu phẩm đến cho các hộ gia đình trong khu vực phong tỏa…”, chị Phan Thị Thúy Hằng, một cư dân ở khối Cộng Hòa nhận xét.
Việc gì cũng đến tay
Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, ông Bùi Đức Quang - Khối trưởng khối 1 (phường Trung Đô), dành phần lớn thời gian ở ngoài đường. Từ việc truy vết, trực chốt, giám sát cộng đồng, đi tuần tra cho đến việc chợ búa, vận chuyển hàng hóa cho người dân, ông đều làm tất. Khối có hơn 300 hộ dân, đến nay ghi nhận 4 ca F0, hàng loạt hộ dân bị phong tỏa từ sớm. Cũng chính vì thế, gần như việc gì cũng đến tay vị khối trưởng 63 tuổi này.
Ông Quang kể rằng, ngay sau khi phát hiện ca F0, ông phải thức trắng đêm để hỗ trợ lực lượng y tế truy vết những người tiếp xúc. Bởi chẳng ai gần dân hơn những vị khối trưởng như ông. Truy vết xong, ông Quang cùng các tổ trưởng dân phố có trách nhiệm giám sát chặt chẽ những người thuộc diện cách ly tại nhà. Trước khi toàn TP Vinh thực hiện biện pháp “ai ở đâu ở yên đó”, khối 1 phường Trung Đô có hàng chục hộ dân bị phong tỏa, không được phép ra khỏi nhà. Việc cung cấp thực phẩm và những nhu cầu thiết yếu khác của người dân trong vùng phong tỏa đều do khối đảm nhiệm.
“Các hộ dân trong vùng phong tỏa có nhu cầu mua gì, cứ việc nhắn cho tổ dân phố, rồi tổ tổng hợp gửi lên khối. Chúng tôi sẽ mua giùm rồi đưa đến tận nhà cho họ. Ngoài ra, chúng tôi cũng không từ chối bất kỳ nhu cầu chính đáng nào, và bất cứ giờ giấc nào”, ông Quang nói.
Tương tự ông Quang, ông Bùi Đăng Hạ 71 tuổi, Khối trưởng khối Vinh Mỹ, phường Vinh Tân, cũng mệt nhoài vì dịch suốt gần nửa tháng qua. Khi chúng tôi liên hệ, ông Hạ đã bị mất giọng, chỉ có thể nói chuyện nhỏ tiếng sau nhiều ngày liên tục đi tuyên truyền, kêu gọi người dân chấp hành quy định phòng dịch. Ông Hạ theo đạo Công giáo, 70% dân cư khối ông cũng là giáo dân.
Ông Hạ nói rằng, công việc của một người khối trưởng ngày thường cũng khá nhàn rỗi. Nhưng kể từ khi đại dịch ập đến, ông “xoay như chong chóng”. Điện thoại ông Hạ gần như lúc nào cũng trên tay. Không chỉ nhận điện thoại nhờ trợ giúp từ người dân, ông là người kết nối thông tin giữa chính quyền với người dân. Ông phải liên tục cập nhật những công văn, chỉ đạo mới nhất từ chính quyền, sau đó kịp thời truyền đạt tới người dân thông qua loa phát thanh. Khi địa bàn có F0, ông chạy như một con thoi, từ trụ sở phường đến khối, từ chợ đến khu phong tỏa…
Những người như ông Phú, ông Quang, ông Hạ vốn dĩ quyền lợi rất ít, quyền lực lại chẳng nhiều, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, vai trò của những người này lại cực kỳ quan trọng. Đặc biệt là khi TP Vinh đang phải “ai ở đâu ở yên đó”, thì việc cung cấp thực phẩm cho hơn nửa triệu dân TP. Vinh phần nhiều nhờ vào những con người nhiệt huyết này.