Hơn nửa thế kỷ liên tục rèn luyện, chiến đấu, công tác trên nhiều cương vị khác nhau, ông vẫn luôn nêu tấm gương sáng của một người chiến sỹ cộng sản kiên cường, một cán bộ, vị tướng xuất sắc của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta. Với quê hương là thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, dù thời gian gắn bó với quê không nhiều nhưng ông đã để lại nhiều dấu ấn với lãnh đạo và nhân dân địa phương.
Hun đúc tinh thần yêu nước từ thuở ấu thơ
Chu Văn Điều được sinh ra trong một gia đình có tám chị em ở xã Yên Lưu bên bờ sông Lam thuộc tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).
Làng Yên Lưu bên bờ sông Lam là vùng đồng chua, nước mặn. Những năm tháng thiếu thời của Chu Văn Điều gắn bó chặt chẽ với quê hương Yên Lưu xứ Nghệ. Đó là những năm tháng chứng kiến người dân quê hương luôn phải chống chọi với bao thử thách để có bát cơm, manh áo. Vừa lao động, vừa học tập, Chu Văn Điều luôn chia sẻ, cảm thông với những người nông dân một nắng hai sương nơi quê nhà. Sông Lam, núi Hồng như được đánh thức với những tiếng còi của Nhà máy xe lửa Trường Thi - Bến Thủy đã gắn liền với ký ức tuổi thơ và theo suốt cuộc đời Chu Văn Điều không thể phai mờ.
Đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước nổ ra mạnh mẽ nhưng đều bế tắc và thất bại. Tuy vậy, thực dân Pháp vẫn không thể dập tắt được ngọn lửa yêu nước, ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc của dân tộc Việt Nam nói chung, của nhiều người con xứ Nghệ nói riêng. Nhiều thanh niên xứ Nghệ, đặc biệt là thanh niên Hưng Nguyên đã đi theo tiếng gọi của lòng yêu nước, tìm đến với “Trại Cày” của Đặng Thúc Hứa ở Xiêm (Thái Lan ngày nay).
Khoảng từ năm 1923, từ Vinh, Bến Thủy, người ta đã truyền miệng với nhau những câu chuyện mới lạ về Yên Lưu rằng, ở nước Nga xa xôi, có ông Lý Ninh (Lê Nin) đã lãnh đạo giai cấp vô sản thành công, xây dựng chủ nghĩa cộng sản(1).
Mặc dù chưa hiểu nhiều về nghĩa của các từ này, nhưng dần dần những từ đó đã trở nên quen thuộc với lớp học sinh như cậu bé Điều thuở ấy. Những câu chuyện về các văn thân, sỹ phu yêu nước tập hợp lực lượng, chiêu mộ nhân tài, kêu gọi đồng bào đoàn kết đấu tranh chống thực dân phong kiến. Các phong trào Duy Tân, Đông Du, Việt Nam Quang phục hội tuy không thành nhưng lòng yêu nước và ý chí căm thù quân xâm lược của các bậc cách mạng tiền bối luôn trở thành những tấm gương, tạo khích lệ và khơi nguồn cảm hứng cho nhiều người dân yêu nước muốn cứu nước, trong đó có Chu Văn Điều của làng Yên Lưu(2).
Người dân Yên Lưu thuở ấy đã đón nhận với một tâm trạng háo hức, vui mừng nhưng bâng khuâng suy nghĩ. Rồi những từ “cách tân”, “tiến bộ cách mạng”, “đấu tranh”... cũng xuất hiện từ đâu đó tới xứ Nghệ. Nhiều thanh niên yêu nước như Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Thiết Hùng, Ngô Tuân, Lê Xuân Đào... ở quê Hưng Nguyên đã sang Trung Quốc hoạt động. Trong số này có 2 thanh niên tiêu biểu là Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu. Đầu năm 1923, họ đã lập ra tổ chức “Tâm tâm xã”, đến năm 1924 kết nạp thêm Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Phong.
Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô trở về Quảng Châu (Trung Quốc) cuối năm 1924 đã tiếp xúc và giác ngộ những thanh niên yêu nước này để thành lập nên “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” vào tháng 6 năm 1925. Người đã xúc tiến những hoạt động tuyên truyền lý luận chủ nghĩa Mác - Lê Nin về cách mạng giải phóng dân tộc, đào tạo cán bộ, chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức cho việc sẽ thành lập ở Việt Nam Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ở Yên Lưu nhưng Chu Văn Điều cũng được nghe đến sự kiện Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở nước ngoài, đặc biệt là được nghe nói nhiều đến các tác phẩm báo chí của Người, nhiều bài thơ của Phan Bội Châu, lễ truy điệu Phan Chu Trinh ở chùa Diệc. Tin tức đó làm cho người dân Yên Lưu phấn khởi, háo hức, khiến cho nhiều thanh niên, trong đó có Chu Văn Điều sớm hình thành tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân và cuộc đời mình cho quê hương, Tổ quốc.
Khi được tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng, Chu Văn Điều đã nhanh chóng tiếp thu và hòa nhập vào phong trào đấu tranh cách mạng của quê hương. Chu Văn Điều nghĩ đây là cơ hội, là con đường để thoát khỏi cảnh cơ cực đói khổ, lầm than để thực hiện ước mơ giải phóng bà con dân làng Yên Lưu, giải phóng quê hương đất nước.
Năm 1925, một tổ chức yêu nước ra đời ở Vinh, lấy tên là “Hội Phục Việt”, sau đó đổi tên thành “Hội Hưng Nam” đầu năm 1926, “Việt Nam cách mạng đảng” hè năm 1926, “Hội Việt Nam cách mạng” vào tháng 7 năm 1927. Đến tháng 7 năm 1928 đổi tên thành “Tân Việt cách mạng đảng”.
Từ năm 1926, bên cạnh sự ra đời và phát triển của “Tân Việt cách mạng đảng”, tổ chức “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ở Quảng Châu (Trung Quốc) bắt đầu truyền bá lý luận Chủ nghĩa Mác - Lê Nin về cách mạng giải phóng dân tộc vào trong nước, gây dựng cơ sở cách mạng ở nhiều vùng miền, trong đó có Vinh - Bến Thủy. Một số thanh niên yêu nước, hội viên tích cực của tổ chức Thanh niên được lựa chọn cử sang Trung Quốc để tham gia các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đào tạo. Tác phẩm “Đường cách mệnh” và tờ báo “Thanh niên” được đưa về, bí mật tuyên truyền phổ biến ở Vinh - Bến Thủy, Hưng Nguyên. Một số đảng viên của Tân Việt ngả theo khuynh hướng vô sản, theo tôn chỉ của “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”.
Những hoạt động yêu nước đầu tiên
Tháng 5 năm 1929, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tiến hành đại hội lần thứ nhất tại Hồng Kông ra đề nghị giải tán Hội Thanh niên để thành lập Đảng cộng sản nhưng không được đa số đại biểu tán thành.
Ngày 17 tháng 6 năm 1929, “Đông Dương Cộng sản Đảng” ra đời đã có tác dụng tích cực đến phong trào trong toàn quốc nói chung và Nghệ An nói riêng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, một số đảng viên của Tân Việt và Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Dũng lập ra Chi bộ lấy tên là Chi bộ “Đông Dương Cộng sản Đảng”. Đây là một trong 5 chi bộ cộng sản đầu tiên của Nghệ An và cũng là chi bộ cộng sản đầu tiên và duy nhất của Hưng Nguyên do Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập.
Năm 1929, mới 16 tuổi, Chu Văn Điều đã tha thiết muốn đi theo cách mạng, đã giác ngộ lý tưởng cách mạng, tích cực tham gia phong trào yêu nước trên quê hương. Đây là kết quả của sự nuôi dưỡng, giáo dục và hun đúc của truyền thống quê hương, gia đình, dòng họ mà Chu Văn Điều được thừa hưởng.
Trở thành thành viên của Đội Tự vệ Đỏ của cao trào cách mạng 1930 - 1931
Năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã đoàn kết, tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân đi theo Đảng để làm nên một phong trào đấu tranh cách mạng 1930 - 1931 trên toàn quốc mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh.
“Mùa xuân năm 1930, không còn là những tin đồn mà cờ đỏ búa liềm đã xuất hiện ở Yên Lưu. Mỗi người dân đều biết quê mình đã có cộng sản”(3).
Sau một thời gian được Tỉnh ủy tuyên truyền, đến ngày 10/9/1930, Chi bộ Đảng Yên Lưu chính thức thành lập và kết nạp đồng chí Chu Văn Điều (Chu Huy Mân).
Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 vĩ đại ấy, tại làng Yên Lưu, xã Hưng Hòa, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh bộ Vinh, sự chỉ đạo của Chi bộ, Nông hội đỏ được thành lập, cử ông Trần Thích làm Xã bộ, ông Trần Chương làm Phó Xã bộ, ông Trần Vương là Đội trưởng Đội Tự vệ, ông Chu Văn Điều là Đội phó Đội Tự vệ Đỏ. Đội Tự vệ Đỏ gồm 30 người là những chiến sỹ tích cực đi đầu trong các cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân(4). Phương pháp huấn luyện là lăn lê, bò trườn, võ thuật, tập cách thức bảo vệ các cuộc biểu tình, trấn áp bọn phản cách mạng với các loại vũ khí đơn giản là gậy gộc, câu liêm, mác nhọn.
Từ cuối năm 1930, đầu năm 1931, thực dân Pháp tiến hành “khủng bố trắng”, tập trung toàn lực về Nghệ Tĩnh để đối phó với cao trào cách mạng. Thượng thư Bộ hình Tôn Thất Đàn được triều đình phái từ Huế ra thường trực chỉ huy chiến dịch “khủng bố trắng” ở Nghệ - Tĩnh.
Trong dịp Tết nguyên đán, một cuộc biểu tình lớn nổ ra ở Yên Lưu. Quần chúng mang theo gậy gộc, giáo mác với ý định lật đổ chính quyền địch, bắt giam bọn cường hào, thành lập chính quyền Xô Viết ở xã. Đảng bộ xã Yên Lưu đã có nhiều người bị bọn thực dân Pháp bắt và tra tấn dã man. Chúng chặt roi mây ngâm nước mắm đánh đập tàn bạo những người chúng nghi là cộng sản, tự vệ, bắt mọi người phải nhận “đã làm cộng sản” ký vào tờ giấy xin “quy thuận”. Riêng Chu Văn Điều kiên quyết không nhận và không ký vào giấy “quy thuận”(5).
Chúng thay nhau đánh đập, hành hạ Chu Văn Điều nhưng không thể lay chuyển sự trung thành và niềm tin của ông với cách mạng. Bất lực, bọn chúng đành hăm dọa và thả Chu Văn Điều.
Từ năm 1932 đến 1938, phong trào đấu tranh cách mạng ở Yên Lưu được dần phục hồi. Năm 1933, đồng chí Chu Văn Điều được Chi bộ bầu làm Bí thư. Tháng 5 năm 1935, vào mùa thu thuế của chính quyền thực dân, phong kiến nhưng gia đình không có tiền nộp thuế. Chu Văn Điều bị người anh họ là Chu Văn Đạm - Phó lý làng Thượng đánh một trận đau. Bực mình với người anh họ đã không biết được đúng sai, phải trái, không đứng về phía dân nghèo, Chu Văn Điều đã đổi tên “Văn Điều” thành “Huy Mân” với ý nghĩa là “ngọc sáng” (theo nghĩa “huy” là sáng, “mân” là ngọc). Từ đấy, tên gọi Chu Huy Mân bắt đầu xuất hiện và đi liền suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.
Ngày 17/12/1994, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 1994), Đại tướng Chu Huy Mân đã phát biểu: “Tự vệ Đỏ lúc ấy gọi là Thanh niên Xích vệ Đỏ ra đời trong phong trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Lúc bấy giờ, chúng ta đang tuổi thanh xuân, hăng say lao vào cuộc đấu tranh cách mạng... Cuộc gặp mặt của chúng ta hôm nay chắc chắn chưa đủ mặt tất cả những đồng chí “Tự vệ Đỏ” cách đây 64 năm. Chúng ta vô cùng xúc động nhớ tới các đồng chí tiền bối đã đi xa, những đồng chí quên mình vì nghĩa lớn. Chúng ta xin gửi đến các đồng chí và gia đình thương binh, gia đình liệt sỹ, đặc biệt là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng lời hỏi thăm thân thiết nhất. Có lẽ các đồng chí cũng đồng ý với tôi nhân cuộc gặp lịch sử hôm nay, một lần nữa chúng ta chân thành nói với các bạn trẻ Nghệ Tĩnh rằng: Các bạn hãy nhận lấy niềm vinh quang với lớp người đi trước, với quê hương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, với quê hương đã từng gánh vác xứng đáng trong mấy nghìn năm trước và đi đầu trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, xứng đáng là con cháu Bác Hồ”(6).
Một vị tướng luôn nặng lòng với quân đội và nhân dân quê hương
Là một người con của quê hương thành Vinh xứ Nghệ, nhưng vì sự nghiệp cách mạng và do sự phân công của tổ chức nên thời gian công tác tại thành phố quê hương, Quân khu 4 của ông Chu Huy Mân không nhiều.
Những năm tháng tiếp theo, dù trên cương vị công tác nào, ông vẫn luôn dõi theo những bước đi của quê hương Nghệ An. Đồng bào, đồng chí, đồng đội quê hương Nghệ An luôn tự hào về người con yêu quý, gương mẫu của mình.
Cách mạng thành công, đất nước sạch bóng quân thù, non sông thu về một mối, trên cương vị và trọng trách mới, Đại tướng Chu Huy Mân thường xuyên quan tâm đến phong trào của tỉnh nhà. Cứ mỗi lần về thăm quê hương, ông đã để lại cho Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Nghệ An nhiều tình cảm và ấn tượng sâu sắc, nghĩa tình. Đó là nguồn động viên, cổ vũ to lớn với lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà trong sự nghiệp xây dựng Nghệ An sớm trở thành một tỉnh khá như lời mong mỏi và căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Quê hương Nghệ An là nơi sinh thành đã thổi vào tâm hồn, nhân cách Đại tướng Chu Huy Mân những yếu tố có tính chất nguồn cội để rồi trên cái nền tảng ấy có sự kết hợp các yếu tố khác đã làm cho tài năng của ông ngày càng nở rộ, thăng hoa, có nhiều cống hiến cho đất nước và tô thắm cho truyền thống quê hương. Trí tuệ, nhân cách và bản lĩnh của Chu Huy Mân là sự hiện thân của truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương và trường tồn cùng tinh hoa đất Việt.