Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 90 báo cáo tham luận và đã biên tập, xuất bản thành sách. Tại Hội thảo, các đại biểu trình bày một số tham luận với chất lượng khoa học tốt, làm sáng tỏ thêm nhiều khía cạnh mới về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi và những cống hiến, đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực của Đại tướng Chu Huy Mân đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Hội thảo, đồng chí Thiếu tướng CAND, TS, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương đã có bài trình bày tại Hội thảo nhan đề: "Đại tướng Chu Huy Mân, người tiêu biểu cốt cách xứ Nghệ". Bài tham luận được hoan nghênh đặc biệt tại Hội thảo. Điện tử Tầm nhìn xin trân trọng giới thiệu bài viết nói trên của Thiếu tướng, TS, nhà văn Nguyễn Hồng Thái.

f-1701488943.jpg
.Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Chu Huy Mân

Đại tướng Chu Huy Mân, người tiêu biểu cốt cách xứ Nghệ

Trong dân ca Nghệ Tĩnh thường lưu truyền những câu ca dạy con người sống ở đời phải coi trọng nghĩa tình, trong sáng, mực thước, rõ ràng trong ứng xử, nhất là trong lĩnh vực tinh tế, nhạy cảm nhất là tình yêu:

Đã yêu thì yêu cho chắc/ Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn/ Đừng như con thỏ đứng đầu truông/ Khi vui giỡn bóng, khi buồn giỡn trăng".

Còn trong thơ Hoàng Trần Cương quê huyện Đô Lương (Nghệ An), cựu chiến binh - thương binh, giải thưởng VHNT mang tên Hồ Xuân Hương của tỉnh Nghệ An), một trong những nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam có câu đúc kết thật xuất sắc về xứ Nghệ:

Sông thì gọi sông Lam/ Mộng trùm xanh biển cả/ Núi thì kêu Rú Quyết/ Chí vững tựa thạch bàn/ Yêu ai thật là yêu/ Ghét ai rành là ghét/ Những người dân xứ này/ Không nhùng nhằng khoảng giữa...

Hẳn nhiều người cũng biết bài thơ “Sông Lam” của nhà thơ, cựu chiến binh Trần Mạnh Hảo (quê Nam Định), viết những câu thơ đích đáng về Nghệ Tĩnh như thế này:

"Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh/ Cá gỗ nuôi lớn những thiên tài"

"Trời hào phóng mây trắng/ Đất tằn tiện ngô khoai"

"Đến cỏ dại cũng mọc thành chữ nghĩa/ Đồ Nghệ Sông Lam dạy biển cả học bài"...

Có thể nói, tính cách Nghệ qua ca dao, qua một nhà thơ nổi tiếng của tỉnh nhà, qua nhà thơ nổi tiếng tỉnh ngoài thì đều thống nhất ở một số đặc điểm điển hình: Người Nghệ thẳng thắn, bộc trực đến ngang bướng; Người Nghệ ham học, chăm chỉ đến si mê tuyên ngôn là đạo học; Người Nghệ đoàn kết chống thiên nhiên, giặc giã, trung thành với Tổ quốc và sự nghiệp, bạn hữu; và người Nghệ tự trọng nếu được tin cậy thì làm, chiến đấu quên mình vì nghiệp lớn... Tất nhiên người dân Việt Nam ở 63 tỉnh thành trong toàn quốc cũng có đặc trưng này, nhưng theo nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần thì người Nghệ mức độ "đậm đặc" hơn.

Giáo sư Vũ Ngọc Khánh, một người gốc Nghệ, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam thì cho rằng: Trong mỗi con người Nghệ đều có 4 đặc điểm: Có lý tưởng trong tâm hồn, có sự trung kiên trong bản chất, có sự khắc khổ trong sinh hoạt, có sự cứng cỏi trong giao lưu.

Vậy Đại tướng Chu Huy Mân đã thừa hưởng, tiếp nhận tính cách xứ Nghệ như thế nào ?

Đồng chí Chu Huy Mân tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh nam 1913 tại xã Hưng Hòa, huyện Hưng Nguyên, nay thuộc thành phố Vinh- cái nôi của phong trào Xô viết Nghệ tĩnh,

ff-1701488972.jpg
..Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Chu Huy Mân

Cần khẳng định, đồng chí Chu Văn Điều - Chu Huy Mân đến thời điểm này là Đại tướng duy nhất của 3 tỉnh Bắc khu 4 cũ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ông cũng chính là vị Đại tướng duy nhất trong 16 vị đại tướng QĐND Việt Nam xuất phát từ đội phó Đội Tự vệ đỏ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, là người vào Đảng sớm nhất trong các vị Đại tướng của lực lượng vũ trang và cũng là người có tuổi đảng cao nhất 76 tuổi.

Đồng chí đã tiếp nhận cốt cách người Xứ Nghệ một cách có chọn lọc thể hiện ở 4 đặc điểm khái quát sau đây:

Một là: Đồng chí Chu Huy Mân được sinh ra và thừa hưởng sự giáo dục của một người mẹ xứ Nghệ đặc biệt, hôi tụ đầy đủ nhất tinh hoa cốt cách xứ Nghệ.

Thân mẫu Chu Huy Mân là cụ bà Trần Thị Xân, sinh năm 1864, mất năm 1945 (trong nạn đói năm Ất Dậu, thọ 81 tuổi). Bà là người phụ nữ xứ Nghệ gan góc, dũng cảm, quyết liệt, tảo tần, vì nghĩa lớn sẵn sàng hiến dâng người con trai duy nhất đi hoạt động cách mạng đầy nguy hiểm trong hoàn cảnh đất nước chìm đắm trong nô lệ.

Bà có 8 người con, Chu Huy Mân là con út, mới 14 tháng tuổi thì bố mất. Nhưng bà mẹ vĩ đại là ở chỗ, nhà nghèo quá, dầu phải bán đi hai người chị nhưng vẫn cho con trai duy nhất Chu Huy Mân đi học chữ Hán lúc mới 8 tuổi.

Được đi học, Chu Văn Điều có nhiều cơ hội giao lưu, tiếp xúc với học sinh các trường khác, đặc biệt là học sinh Trường Quốc học Vinh, được tiếp xúc với những xu hướng yêu nước, tiến bộ của phong trào học sinh, sinh viên. Đến bây giờ nhiều người vẫn không tưởng tượng được vì lẽ gì một bà mẹ Hưng Hòa ít chữ, đói ăn mà vẫn cho con trai đi học? Hành động đặc biệt của bà thể hiện sinh động truyền thống của xứ Nghệ coi việc học như một lẽ tất nhiên, khổ mấy cũng kiếm lấy cái chữ, nghèo mấy trong nhà cũng phải có một người đi học.

Và điều đặc biệt thứ hai, khi Chu Văn Điều đi học lên năm thứ 4 và sau khi tham gia cuộc mít tinh chống Pháp, anh bắt đầu học chữ quốc ngữ. Một năm sau, anh biết đọc, biết viết, anh chuyển từ việc học làm thơ, phú sang học lý luận cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Vì thế, khi mới 16 tuổi, Chu Văn Điều đã tha thiết xin mẹ muốn được tham gia hoạt động cách mạng:

Sau ba ngày đêm suy nghĩ, ít nói, một đêm khuya bà Xân gọi con trai Chu Văn Điều đến nói nhỏ:

- Mẹ đã nghĩ kỹ rồi, con đã quyết mẹ không ngăn, nhưng đi hoạt động cách mạng thì dễ bị bắt bớ giam cầm, không biết rồi con có chịu được không?

Nghe Chu Huy Mân hứa, bà tiếp tục động viên:

- Mẹ tin! Nhưng đã đi thì phải cố cho bằng anh bằng em, con nhé!.

Bà mẹ Xân đã đồng ý cho con hoạt động cách mạng, đồng nghĩa với việc chấp nhận cho con vào chốn hiểm nguy. Sự ủng hộ, quan tâm của mẹ là nguồn sức mạnh, động lực lớn để Chu Văn Điều vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên hành trình đấu tranh cách mạng và từng bước trưởng thành.

Thử hình dung lúc ấy, bà mẹ Chu Văn Điều quát lớn: “Mẹ và các chị nhịn ăn để dành gạo cho con ăn học, để có thể làm quan trả ơn cho nhà ta. Sao bây giờ con đi theo nghề nguy hiểm ấy làm gì chứ?”. Nhưng không. Với truyền thống cách mạng của xô viết Nghệ Tĩnh, bà mẹ Xân đã đồng ý cho con đi hoạt động cách mạng, đồng nghĩa với việc chấp nhận cho con vào chốn hiểm nguy, có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng tại sao bà dám chấp nhận? Hẳn là ngoài gen trội của cha mẹ, họ mạc, ngoài thế đất hình sông phong thủy di truyền, bà đã hội tụ đầy đủ tinh hoa của cốt cách xứ Nghệ để truyền cho con trai dòng máu tinh khiết quật cường, bất khuất, khiến chúng ta và cả thế hệ sau phải kinh trọng nhân cách của Bà. Người mẹ đặc biệt ấy sinh ra một vị Đại tướng quả là xứng đáng lắm thay!

Đồng tình, ủng hộ chí hướng của con, mỗi khi Chu Văn Điều đi hoạt động đêm về, bà thường lấy khăn nóng lau chân và đắp chăn cho anh khỏi lạnh. Bà làm thế để động viên, khuyến khích, chia sẻ với con vừa chủ động đối phó với mật thám Pháp nếu bất ngờ ập vào thì cũng không có chứng cứ về bàn chân lạnh giá do đi hoạt động ban đêm về. Lúc con bị mật thám Pháp bắt ở nhà lao Vinh, Chu Văn Điều bị tra tấn hết sức dã man, khi trả về gia đình trong thân tàn ma dại, Bà nén đau thương nấu nước là lau vết thương cho con. Hẳn lúc ấy lòng bà đau xót lắm. Nhưng sự ủng hộ, quan tâm, động viên của mẹ là nguồn sức mạnh, động lực lớn để Chu Văn Điều vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên hành trình đấu tranh cách mạng và từng bước trưởng thành. Anh thêm tin tưởng, quyết tâm lựa chọn con đường gian lao, dấn thân vìsự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thứ hai: Chu Huy Mân được thửa hưởng ở quê hương xứ Nghệ bản lĩnh gan góc, kiên trung, lòng dũng cảm, ý chí quyết liệt sắt đá, đấu tranh thẳng thắn không khoan nhượng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và Tổ quốc.

Điều đó được thể hiện ngay từ ngày ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương, vào một đêm mùa đông năm 1930. Ông từng kể lại từng chi tiết đêm kết nạp trong cuốn hồi ký “Thời sôi động” và nhớ lại lời tuyên thệ: “Tôi, Chu Văn Điều xin thề trước cờ Đảng nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng, nếu bị địch bắt dù cực hình tra tấn thế nào quyết không cung khai, dù phải chịu tù đày quyết không nản chí, vào sống ra chết không sờn...”.

Lời hứa đơn giản và thiêng liêng ấy cứ sống mãi với thời gian, sống mãi trong tâm trí người đảng viên Chu Văn Điều, trở thành động cơ phấn đấu và cũng là động lực giúp Chu Văn Điều vượt qua mọi thử thách, gian nguy, cận kề cái chết vẫn giữ khí tiết của một đảng viên cộng sản.

Ngay từ lần bị bắt lần đầu tiên tại nhà lao Vinh, chúng bắt Chu Văn Điều và nhiều người yêu nước quy thuận chúng và li khai cộng sản. Chúng vừa đánh, chúng vừa hỏi “Có chịu quy thuận không?”. Lúc đầu mọi người đều tỏ ra gan góc, tuy nhiên sau nhiều tiếng đồng hồ, nhiều người đã không chịu nổi đòn roi đành phải “quy thuận”, cam đoan không theo cộng sản, được chúng tha về. Cuối cùng, sau hai ngày, hai đêm tra tấn chỉ còn lại một mình Chu Văn Điều quyết không chịu “quy thuận”. Chúng thay nhau đánh đập, hành hạ Chu Văn Điều làm cho ông ngất đi nhiều lần, khi đó, ông luôn nhớ lời thề trước Đảng để có sức mạnh vượt qua đau đớn về mặt thể xác. Bất lực, bọn chúng đành hăm dọa, rồi thả Chu Văn Điều về.

Trở về nhà với thân hình tiều tụy, đau đớn về thể xác, nhưng Chu Văn Điều rất vui vì đã thắng được bọn bang tá, giữ vững khí tiết của người đảng viên và lời thề trước cờ Đảng. Khi bị bắt thực dân Pháp bắt lần thứ hai năm 1940 đưa đi an trí ở Kon Tum, dù bị đày đọa cực khổ về vật chất và tinh thần nhưng ông cùng các chiến sỹ cộng sản đã gan góc, đoàn kết tập hợp đấu tranh với cái ngục, vận động người coi tù ủng hộ cách mạng, cùng chỉ bộ tổ chức thành công cuộc vượt ngục vô cùng gian khổ nguy hiểm để trở về hoạt động

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945, cũng như suốt các cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đồng chí Chu Huy Mân từng lăn lộn trên khắp các chiến trường: từ Quân khu 4, Quân khu 5, đến Quân khu Việt Bắc, Tây Bắc, từ chiến trường miền Trung đến mặt trận Tây Nguyên; từ chiến đấu trong nước đến làm nghĩa vụ quốc tế cao cả tại Trung Quốc và Lào; cả trong thời bình với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND, bất kỳ ở đâu, ông vẫn luôn thể hiện là một tấm gương người đảng viên kiên trung, chiến đấu mưu trí, quyết liệt, triệt để tuân thủ kỷ luật, chỉ đạo của lãnh tụ, nhưng vẫn trình bày thắng thắn quan điểm, ý kiến trái chiều để thống nhất trí tuệ, ý chí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

i-1701489011.jpg
.Thiếu tướng, Nhà văn, TS Nguyễn Hồng Thái báo cáo tham luận "Đại tướng Chu Huy Mân tiêu biểu cốt cách xứ Nghệ" tại Hội thảo

Điển hình ở chiến trường khu V thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ông đã nêu rõ quan điểm, thái độ dứt khoát chỉ đạo toàn Quân khu: “Trước hết phải dám đánh Mỹ, cứ đánh thắng khắc tìm ra cách đánh” đã truyền sức mạnh to lớn đến cán bộ, chiến sĩ, xóa tan tâm lý ngại Mỹ, sợ Mỹ. Nhờ tính cách Nghệ, khi dấn thân vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vì độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, ông không bao giờ chịu lùi bước trước khó khăn, thử thách, luôn có mặt ở những nơi nguy hiểm, khó khăn nhất, chung lưng, đấu cật với đồng chí, đồng đội, bạn bè quốc tế, sâu sát cơ sở, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Sự thẳng thắn không vòng vo của ông đã khơi dậy tinh thần dám đánh và quyết thắng Mỹ. Có khi, cũng do ảnh hưởng của tính cách Nghệ “hay cãi”, tức là hay "phản biện", trong chiến tranh có lần ông đã không chấp hành lệnh trên khi chỉ đạo bắt một số cán bộ chiến sỹ Trung đoàn do nghi oan trong kháng chiến chống Pháp; đến giờ vẫn nổ súng đánh Mỹ ngụy giành chiến thắng ở khu V khi cấp trên chỉ đạo phải dừng; kiến nghị không giải thể Mặt trận Tây nguyên sau chiến thắng Mậu thân năm 1968 được cấp trên đồng ý thay đổi quyết định; đấu tranh thẳng thắn bảo vệ mình và Đoàn 100 khi bị phản ánh sai sự thật trong thời điểm cam go làm cố vấn cho Chính phủ Liên hiệp Lào và Pathet Lào được Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe xong thì hoan nghênh...

Tất cả những sự kiện ấy, lịch sử chứng minh Chu Huy Mân đã đúng, cũng chính là nhờ tính cách thẳng thắn, tranh luận, "hay cãi" của người Nghệ tiềm ẩn, chảy trong huyết quản ông. Và cũng nhờ tính cách Nghệ ấy, khi dấn thân vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vì độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, ông không bao giờ chịu lùi bước trước khó khăn, thử thách, luôn có mặt ở những nơi nguy hiểm, khó khăn nhất, chung lưng, đấu cật với đồng chí, đồng đội, bạn bè quốc tế, sâu sát cơ sở, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng. Những ý kiến của đồng chí Chu Huy Mân như “không dám nhìn thẳng vào sự thật là hư hỏng”; “nâng cao phẩm chất đạo đức của người đảng viên trước hết, xuyên suốt là nâng cao nhận thức về Đảng, về mục tiêu, lý tưởng của Đảng”; “thật thà, thẳng thắn, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”; “phải rèn luyện cả lý tưởng và nhân cách, chống chủ nghĩa cá nhân”; “phải mạnh tay, kiên quyết xử lý những sai phạm của cán bộ, đảng viên”, v.v... đều được khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI có lẽ bắt nguồn từ lối tư duy thẳng thắn, quyết liệt của người Nghệ.

Thứ ba: Một tấm gương sáng về tự học và coi sự học không bao giờ kết thúc, học mọi lứa tuổi, học cái hay, cái phải ở mọi người, học ở mọi nơi mọi lúc để tiếp nhận, đúc kết phục vụ sự nghiệp Cách mạng.

Đồng chí Chu Huy Mân bắt đầu được mẹ cho đi học chữ Hán từ năm 8 tuổi, sau đó học chữ quốc ngữ để đọc và tiếp thu lý luận cách mạng. Nhờ học chữ mà đồng chí đã tự đặt tên cho mình sau một lần nổi giận với người anh họ. Đó là tháng 5/1935, mùa thu thuế của chính quyền thực dân, phong kiến, nhưng do gia đình không có tiền nộp thuế, Chu Văn Điều bị người anh họ - Phó lý làng Thượng đánh một trận đau. Bực cái mình với người anh họ đã không biết phân biệt phải trái, đúng sai, không đứng về phía dân nghèo, Chu Văn Điều đã quyết định đổi tên Văn Điều thành Huy Mân với ý nghĩa là “ngọc sáng” (theo nghĩa “Huy” là sáng, “Mân” là ngọc). Từ đây, tên gọi Chu Huy Mân bắt đầu xuất hiện và đi liền suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.

ii-1701489037.jpg
.Các đại biểu tham gia Hội thảo

Những năm tháng được cử làm chuyên gia cho Pa thét Lào, cho Chính phủ Liên hiệp Lào, để trao đổi, bàn bạc những vấn đề cơ mật, Chu Huy Mân đã học tiếng Lào, học phong tục các dân tộc bộ tộc Lào để ứng xử và tìm cách diễn đạt hiệu quả nhất với các đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Lào, Bộ trưởng Quốc phòng Lào và cán bộ, chiến sỹ Pa thét Lào những ngày đầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng cho nước bạn. Nếu không có tinh thần, ý chí, miệt mài học ngoại ngữ ấy sẽ không thể có những cuộc làm việc bí mật, riêng biệt giữa ông với đã đồng chí Cay-xỏn Phôn- vi- hẳn (anh Bảy), Tổng Bí thư Đảng nhân dân cách mạng Lào kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nếu không học thông thạo tiếng Lào làm sao ông có thể trao đổi, tư vấn, hướng dẫn kỹ chiến thuật, tác chiến từ lúc thành lập cấp đại đội, đến cấp tiểu đoàn, trung đoàn đầu tiên của quân đội Pa- thét Lào, góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, tình đoàn kết keo sơn giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam- Lào...

Đối với quân giải phóng Trung Quốc cũng vậy, từ những năm 1949, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Quốc phòng, đồng chí Chu Huy Mân đã chỉ huy Trung đoàn 74 bí mật sang Trung Quốc phối hợp với Quân giải phóng Trung Quốc tham gia chiến đấu, đánh bại một số đơn vị Quốc dân Đảng, mở rộng vùng giải phóng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Qua gần một tháng hoạt động ở Biên khu Điền Quế, phía tây Thập Vạn Đại Sơn (từ ngày 10/6 đến ngày 05/7/1949), đồng chí Chu Huy Mân và Bộ Chỉ huy mặt trận đã chỉ huy bộ đội hạ 3 đồn, tiêu diệt 1 tiểu đoàn viện binh, đánh tan 2 đại đội quân Quốc dân Đảng và giải phóng nhiều vị trí quan trọng như Lôi Bình, Bằng Kiều, Thông Kheo, Thượng Thạch, Hạ Thạch... Kết quả chiến dịch đã giúp bạn phá thế kìm kẹp của địch ở Long Châu và một phần huyện Ninh Minh, làm chủ một số vùng nông thôn quanh các thị trấn, mở rộng ảnhhưởng cách mạng trong nhân dân, phát triển lực lượng chính trị và vũ trang, đẩy nhanh đà suy sụp của quân Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch. Khi bộ đội Việt Nam rút về nước, có cán bộ Giải phóng quân Trung Quốc nói: “Cảm ơn các đồng chí Việt Nam đã phối hợp chiến đấu, đem mồ hôi xương máu giúp chúng tôi trong lúc khó khăn. Các đồng chí đã để lại những tấm gương về tinh thần quốc tế. Cảm ơn cách mạng Việt Nam, tuy còn bao nhiêu khó khăn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cách mạng Việt Nam vẫn ghé vai đỡ gánh cho cách mạng Trung Quốc. Thật là cao thượng”.

Những việc làm nói trên của quân và dân Việt Nam được Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đánh giá cao. Ngày 05/01/1950, trong buổi tiếp đại diện Đảng và Chính phủ Việt Nam, đồng chí Chu Ân Lai xúc động nói: “Trong lúc Việt Nam vừa nghèo, vừa phải gian khổ kháng chiến, lẽ ra phải được Trung Quốc giúp đỡ, thế mà các đồng chí đã hết lòng giúp đỡ Trung Quốc”. Nếu không học tiếng Trung Quốc, học hỏi kinh nghiệm quân đội và người dân nước bạn, làm sao đồng chí Chu Huy Mân có thể chỉ huy Trung đoàn bộ đội Viêt Nam phối hợp chặt chẽ với Quân giải phóng Trung Quốc để làm nên cbiến thắng.

Kết thúc chiến tranh, sau này ở cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Chu Huy Mân luôn coi trọng quá trình tự học để thu lượm nâng cao kiến thức toàn diện phục vụ cách mạng. Cho đến những ngày cuối đời, đồng chí Chu Huy Mân vẫn luôn tìm hiều, suy nghĩ đóng góp với Đảng, Nhà nước và Quân đội nhiều ý kiến, giải pháp để làm sao xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo phát triển đất nước; xây dựng Quân đội nhân dân chính quy, hiện đại, tuyệt đối trung thành với Đảng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Có thể nói, ngoài được đi học từ lúc 8 đến 12 tuổi và một thời gian ngắn được học tập kiến thức quân sự tại Liên Xô, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Chu Huy Mân đều tự học, rèn luyện liên tục trong trực tiếp chiến đấu, chỉ huy chiến đấu ở chiến trường chống Pháp, chống Mỹ, giúp bạn ở chiến trường Lào và tham gia cùng Quân giải phóng Trung Quốc chiến đấu chống Quốc dân đảng ở Trung Quốc. Ông học từ thực tiễn hoạt động cách mạng, từ cuộc chiến đấu sinh tử giành độc lập và giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc. Học ở trong nước, học đồng đội, học bạn bè quốc tế, học ở mọi nơi mọi lúc đã làm giàu lên trong ông trí tuệ và tâm hồn làm nên con người ông Hai Mạnh; Mạnh về quân sự, Mạnh về chính trị. Tính cách ham học của người Nghệ như dòng máu chảy mải miết trong ông, trở thành cốt cách của một vị tướng, của một người lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Và đến lượt Ông, đã trở thành một người Nghệ tiêu biểu về lấy đạo học để thu lượm kiến thức hàng ngày phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc.

Thứ tư: Người tiếp nhận tính cách Nghệ nhưng vừa là người “phá cách” để dân chủ và tiếp thu văn hóa các vùng miền nhằm quyết đoán trong những tình huống đặc biệt với mục tiêu cao nhất là phụng sự Tổ quốc.

Một ví dụ điển hình là sau trận đánh thắng Mỹ ở thung lũng Ia Đrăng, tỉnh Gia Lai (1965), khi đế quốc Mỹ tung sư đoàn Kỵ binh bay số 1, “Anh cả đỏ” của không lực Hoa Kỳ, đồng chí Chu Huy Mân đã bố trí thế trận dụ địch vào vùng rừng núi hiểm trở để đập tan ý đồ ngông cuồng của chúng.

Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Anh hùng LLVTND, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, thì trận đánh thắng lợi giòn giã, khiến Lầu Năm Góc phải thốt lên là trận đánh đẫm máu nhất của Quân lực Hoa kỳ. Chiến thắng lừng lẫy như vậy nhưng không phải ai cũng nhìn nhận đầy đủ ý nghĩa của thắng lợi. Trong Hội nghị tổng kết chiến dịch, trước những ý kiến khác nhau của cán bộ, có đồng chí khẳng định trong lần đầu gặp lính Mỹ với sức manh vượt trội về hỏa lực và không quân, với chiến thuật trực thăng vận “Phượng hoàng vồ mồi” của Mỹ, nhưng với tinh thần dám đánh và quyết đánh bước đầu ta đã tìm ra cách đánh và đánh thắng. Tuy nhiên, cũng có đồng chí cho rằng tuy diệt được địch nhưng chúng ta cũng bị tổn thất lớn, nên cho rằng trận đánh chỉ là Hòa, thậm chí có đồng chí cho rằng về lâu dài khó mà chịu đựng được sự áp đảo về sức mạnh của hỏa lực và không quân địch.

Trước những luồng ý kiến khác nhau, thái độ đồng chí Chu Huy Mân rất bình tĩnh (không nổi nóng, quát tháo theo ý mình như nhiều người Nghệ khác), hết sức chú ý lắng nghe, nhất là những ý kiến có phần hoài nghi và bi quan, có lúc nét mặt đồng chí suy tư lắm. Đồng chí gợi mở để anh em phát biểu hết ý kiến, tâm tư của mình với tinh thần thực sự cởi mở, dân chủ, tự do thảo luận. Cuối cùng từ những gì đã xẩy ra nơi chiến trường, từ những ý kiến còn khác nhau... với tầm nhìn của một nhà chiến lược - quân sự toàn năng, sự dạn dày được tôi luyện trong cuộc đời cách mạng và thử thách trên chiến trường, đồng chí đã phân tích làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, mặt mạnh, mặt yếu của địch, rút ra bài học từ trận đầu thắng Mỹ và chỉ ra xu thế phát triển tất yếu của cuộc chiến, giải đáp mọi thắc mắc, phân tích có tình có lý, có sức thuyết phục cao, nhất là những khuyết điểm tồn tại của ta trong trận đầu gặp Không quân Mỹ.

Đồng chí Chu Huy Mân học và tiếp thu kinh nghiệm xương máu của từng trận đánh. Ông học cả người tiểu đội trưởng trong trận đánh giáp lá cà với lính Mỹ, trước lúc hi sinh còn dặn cả tiểu đội “Bám thắt lưng Mỹ mà đánh”. Ông báo cáo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh câu khẩu hiệu của người tiểu đội trưởng khu V “Bám chặt thắt lưng Mỹ mà đánh”, sau này được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lấy đó chỉ đạo chiến trường miền Nam “Bám thắt lưng địch mà đánh”!

00-1701489067.jpg
.Các đại biểu tham dự Hội thảo

Nhiều nhà nghiên cứu khi nhận xét về tính cách Nghệ thường chỉ ra những cặp điển hình đối xứng ẩn hiện các nguy cơ: Thẳng thắn - quyết liệt quá, đôi lúc hoá cực đoan, hiếu thắng; Dũng cảm đến bất chấp, liều lĩnh; Ham học đến mức học gạo, ngộ chữ, có thể ai đó coi thường thiên hạ... Tất nhiên qua thời gian những mặt trái ấy có lẽ chỉ còn tiềm ẩn trong một số ít người Nghệ mà thôi.

Một số ít người Nghệ thường có lối ứng xử, tranh luận thái quá, thường hay “khùng”, coi “mình là nhất” nên hay có những ứng xử độc đoán, áp đặt tư duy của mình đối với tập thể, nhất là cấp dưới, nên thường hỏng việc. Đối với đồng chí Chu Huy Mân hoàn toàn khác. Trước mỗi trận đánh, ông đều triệu tập các Tư lệnh và Chính ủy dưới quyền bàn luận cách đánh thắng và dân chủ tìm cho ra phương án tối ưu nhất. Chiến trường là mệnh lệnh. Trước trận đánh là dân chủ. Điều đó cho thấy vì sao Chu Huy Mân chủ trương đánh thắng địch mà tốn xương máu người lính ít nhất..

Cán bộ, chiến sĩ mặt trận Tây Nguyên vẫn mãi in sâu hình ảnh người Chính ủy mặt trận trong buổi kết thúc đợt chỉnh huấn chính trị đã cầm hai tập giấy khá dày và nói: “Đây là bản kiểm điểm của các đồng chí. Phần ưu điểm các đồng chí giữ lấy để phát huy trong hoạt động chiến đấu lâu dài, còn đây là những bản trình bày khuyết điểm, tôi đọc và thấy các đồng chí đã tự phê bình một cách nghiêm túc trách nhiệm chính trị của mình trước Đảng. Tôi tuyên bố đốt tất cả những bản khuyết điểm”. Không dừng ở đó, Đại tướng Chu Huy Mân còn luôn tâm niệm: “Khi viết, khi nói chỉ phê bình những người còn sống, còn đối với người chết, nếu có nói, có viết chỉ khen mà thôi, không phê bình người chết”... Đó là cội nguồn của văn hóa nhân văn, nhân đạo cùa dân tộc thấm vào máu của một vị Tướng, là tính cách Nghệ tiếp thụ tinh hoa của quê hương xứ Nghệ, của văn hóa nước nhà để Chu Huy Mân ứng xử như một hiền triết vậy!.

Trong những thời điểm làm đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam giúp đỡ nước bạn Lào, đồng chí Chu Huy Mân luôn nhớ lại Bác Hồ dặn: “Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình”, không áp đặt, không làm thay, mà chỉ là những gợi ý, trao đổi để bạn tự quyết định. Đó là ứng xử văn hóa vượt ra ngoài địa lý và văn hóa xứ Nghệ. Trong Chu Huy Mân đã thấm đậm văn hóa Việt Nam mới đủ trí tuệ và tình cảm để ứng xử với bạn trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Đại tướng Chu Huy Mân là một người mang tính cách điển hình của xứ Nghệ, nhất là lưu giữ tác phong sống và giọng nói, nhưng ông đã sống, chiến đấu, công tác ở nhiều vùng đất, nhiều vùng văn hoá, từ trung bộ, khu 5, Tây nguyên, khu 4 đến Tây Bắc, từ nước bạn Lào đến Trung Quốc, Liên Xô, vì thế ông đã hấp thụ, hội tụ tinh hoa của nhiều vùng văn hoá, nhiều nền văn hoá… để học hỏi, thấm nhuần tri thức quân sự và văn hóa để phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc hiệu quả nhất.

hy-1701489091.jpg
.Thiếu tướng,TS, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái báo cáo tham luận tại Hội thảo

Dù bất cứ ở cương vị nào, từ Trung đoàn trưởng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu đến Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, dù cố vấn cho nước bạn Lào hay chiến đấu giúp cách mạng Trung Quốc, kể cả sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Chu Huy Mân luôn giữ nếp sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, chan hòa, gắn bó với đồng đội và nhân dân. Đồng chí nghiêm khắc đối với chính mình, nhận về mình và gia đình những khó khăn, vất vả, thiệt thòi để dành cho đồng chí, đồng đội, cho người thân tình cảm thân thương, trìu mến với lòng nhân văn cao cả của một vị tướng.

Đó là bản chất của một người mang tính cách điển hình của cốt cách xứ Nghệ được Đảng và Bác Hồ, Quân đội giáo dục, rèn luyện, kết hợp với quá trình tự học hỏi, tu dưỡng hàng ngày để hấp thụ, thấm nhuần bản chất, cội nguồn văn hóa Viêt Nam, bồi đắp nên nhân cách anh “Hai Mạnh”, vị tướng chính trị - quân sự song toàn. Tinh hoa, cốt cách xứ Nghệ mãi còn giữ nguyên trong giọng nói, cách nói, trong phong cách sống tận hiến đến hơi thở cuối cùng của ông. Ông xứng danh là một vị tướng lừng danh, vị Đại tướng tiêu biểu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh Trí-Dũng-Nhân-Tín-Liêm-Trung, vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước có uy tín của chúng ta./.